Tờ Nikkei Asian Review ngày 2.6 đã đăng một bài xã luận nhận xét rằng việc mở cửa căn cứ quân sự Cam Ranh cho tàu chiến nước ngoài ghé thăm, tiếp liệu là hành động làm tăng sức phòng thủ Biển Đông của Việt Nam.
Tờ báo Nhật cho hay hành động của Việt Nam được đưa ra nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông.
Theo Nikkei Asian Review với khoảng cách chỉ cách hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam gói gọn trong 550 km, vịnh Cam Ranh được xem là đồn lũy quan trọng ở Biển Đông. Giờ đây với việc mở cửa căn cứ quân sự này cho các tàu chiến nước ngoài đến tiếp liệu, ghé thăm Việt Nam đã làm tăng sức mạnh phòng thủ cho Biển Đông.
Cụ thể, hồi tháng 4.2016 một cặp tàu khu trục của Nhật Bản đã cập cảng Cam Ranh, sau khi thực hiện chuyến hành trình tuần tra trên Biển Đông từ Nhật tới Philippines và cuối cùng là sang Việt Nam. Sau đó, hồi tháng 10.2016 một cặp tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ cũng đã ghé thăm cảng Cam Ranh.
Nikkei Asian Review cho biết Việt Nam mong muốn tìm kiếm sự cân bằng trong ngoại giao nên mở cửa cảng Cam Ranh cho tàu chiến của mọi quốc gia. Biểu tượng mới nhất cho sự hợp tác quốc tế này là việc tàu sân bay mang trực thăng Izumo của Nhật Bản đã cập cảng Cam Ranh hôm 22.5.
Sau đó đúng 2 ngày, quân đội Mỹ thực hiện một cuộc tuần tra "tự do hàng hải" nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi pháp trên Biển Đông của Trung Quốc. Đây là hành động thách thức Trung Quốc trên Biển Đông lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, cho thấy Mỹ vẫn rất quan tâm tới vấn đề Biển Đông.
Ngay sau đó, trong cuộc họp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng hôm 31.5 ông Trump đã "nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra hàng hải, hàng không ở bất cứ nơi nào mà công pháp quốc tế cho phép", theo tuyên bố của Nhà Trắng.
Tờ Nikkei Asian Review nhận định là những hành động cứng rắn liên tục của Mỹ trên Biển Đông là thông điệp của Washington cho Việt Nam thấy là Mỹ dù đang tìm sự hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, nhưng họ vẫn thực hiện những nỗ lực để ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông. Tòa Trọng tài Thường trực tại The Haque hồi giữa năm 2016 đã ra phán quyết bác bỏ những yêu sách chủ quyền phi pháp của nước này trên Biển Đông, Trung Quốc tuyên bố sẽ không thực hiện phán quyết của tòa.
Cùng lúc với chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John M.Cain đã tới Hà Nội để gặp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch. Tại cuộc gặp này, ông McCain đã yêu cầu phía Việt Nam cho phép tàu chiến Mỹ cập cảng Cam Ranh thường xuyên hơn.
Thiên Hà (theo Nikkei Asian Rwview)