Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang đang vận hành có hiệu quả hệ thống cống đập trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn mặn, giữ ngọt đảm bảo phục vụ cho sản xuất vụ đông xuân 2020-2021.

Kiên Giang: Bảo vệ đê biển, đắp đập để phòng chống xâm nhập mặn

Tháp Mười | 04/04/2021, 14:16

Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang đang vận hành có hiệu quả hệ thống cống đập trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn mặn, giữ ngọt đảm bảo phục vụ cho sản xuất vụ đông xuân 2020-2021.

Xuất hiện xâm nhập mặn cục bộ

Theo Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Kiên Giang - Nguyễn Huỳnh Trung, đến thời điểm này, tổng số đập đã đắp mới và gia cố là 206 đập. Trong đó cỏ 1 đập bằng cừ thép Larsen T3 - Hòa Điền trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên, H.Kiên Lương được giữ lại trong mùa khô 2019-2020; 205 đập đất (Châu Thành 5, An Minh 7, An Biên 26, Kiên Lương 8, Gò Quao 147, Hòn Đất 12). H.U Minh Thượng đã triển khai lắp đặt và vận hành 8 máy bơm nước (công suất 30HP) trên địa bàn xã An Minh Bắc để bơm dự trữ nước ngọt, cung cấp nước tưới tiêu cho hơn 13.000 hec-ta đất rừng và đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện…

dap-dap-mgan-man-giu-ngot-giup-nong-dan-vung-dem-u-minh-thuong-san-xuat-on-dinh2.jpg
Đắp đập mgăn mặn, giữ ngọt giúp nông dân vùng đệm U Minh Thượng sản xuất ổn định - Ảnh: Tháp Mười

Hiện nay tình hình diễn biến hạn, mặn chưa gây ảnh hưởng nhiều trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, tuy nhiên, xâm nhập mặn cục bộ đã xuất hiện trên địa bàn ven biển H.Hòn Đất. Trên địa bàn Hòn Đất tình trạng nuôi trồng thủy sản xen kẽ trong khu vực sản xuất lúa còn rất phổ biến (phía nam quốc lộ 80). Khu vực này có địa hình trũng, thấp, nằm ven biển nên có hiện tượng nước nhiễm mặn tại một vài đoạn kênh gần đê biển. Nguyên nhân chủ yếu là do một số hộ dân nuôi trồng thủy sản trong khu vực đã xả nước mặn trực tiếp từ vuông nuôi tôm ra kênh cấp nước ngọt trong quá trình xử lý ao nuôi tôm. Mặt khác, độ mặn nước biển ven bờ hiện nay rất cao, trong khi mực nước trong các kênh nội đồng xuống thấp, tại một số cống trên đê có hiện tượng rò rỉ nước mặn ở đáy cửa cống vào phía gần cửa cống. Tập trung chủ yếu tại các cống có cửa van 2 chiều thuộc dự án nuôi trồng thủy sản Vàm Răng - Ba Hòn.

Theo ông Trung, theo dự báo xu thế nguồn nước và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2021 từ tháng 4.2021 có xu hướng giảm dần và có khả năng chuyển dần sang trạng thái trung tính vào tháng 4 đến tháng 6.2021. Mực nước các trạm nội đồng có xu thế xuống nhanh từ tháng 3 đến cuối tháng 4.2021. Từ tháng 5 đến tháng 8.2021 mực nước các trạm tăng dần. Các đợt xâm nhập mặn mạnh tiếp theo khoảng thời gian từ ngày 31.3-7.4; 15-23.4. Khả năng độ mặn cao nhất năm xuất hiện vào đầu tháng 4.2021.

Tập trung phòng chống hạn mặn

Để phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian tới, Chi cục Thủy lợi phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Kiên Giang triển khai đắp đập tạm bằng cừ thép Larsen trên kênh ông Hiển thuộc xã Vĩnh Hòa Phú, H.Châu Thành. Công trình này nhằm đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt của TP.Rạch Giá và các vùng phụ cận.

Cơ quan chức năng sẽ tuyên truyền, vận động người dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới, tích trữ sử dụng nguồn nước một cách khoa học, tiết kiệm, hợp lý. Khuyến cáo người dân không nên xuống giống vụ xuân hè 2021 để đảm bảo nước tưới cho các vùng bị hạn chế và tránh bị thiệt hại vào cuối vụ. Thường xuyên kiểm tra các cống, các đập đất đã đắp, nhằm phát hiện sớm các sự cố rò rỉ mặn để có biện pháp khắc phục kịp thời.

H.U Minh Thượng quản lý chặt chẽ hệ thống cống, đập giữ nước; khuyến cáo nhân dân dự trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý. Thường xuyên theo dõi tình hình sụt giảm mực nước kênh đê bao ngoài Vườn Quốc gia U Minh Thượng và các kênh nội đồng, phát hiện và xử lý kịp thời tình huống sạt lở có thể xảy ra để hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại cho sản xuất và cơ sở hạ tầng. Triển khai công tác thủy lợi nội đồng, tập trung nạo vét các kênh trong khu vực để trữ nước, lưu thông dòng chảy và lấy đất gia cố bờ bao.

Riêng với H.Hòn Đất, chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã ven biển khuyến cáo người dân phải tuân thủ lịch thời vụ, có phương án tập trung xử lý nguồn nước mặn trong quá trình xử lý ao nuôi theo từng khu vực, tránh làm ảnh hưởng đến các khu vực trồng lúa lân cận. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp xả nước mặn trực tiếp từ các ao nuôi trồng thủy sản vào các kênh nước ngọt. Khoanh vùng mặn, xác định nhu cầu nước ngọt từng vùng, từng thời điểm để chi cục thủy lợi kịp thời vận hành xả nước nhiễm mặn, cung cấp ngọt đến cuối vụ đông xuân 2020-2021.

 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiên Giang: Bảo vệ đê biển, đắp đập để phòng chống xâm nhập mặn