Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) kiến nghị Chính phủ nên cân nhắc áp dụng thuế suất 0% cho tất cả các linh kiện ô tô từ mọi nguồn, mà hiện nay trong nước chưa sản xuất được.
Thị trường và chính sách

Kiến nghị áp thuế suất 0% cho linh kiện ô tô trong nước chưa sản xuất được

Lam Thanh 24/05/2024 14:34

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) kiến nghị Chính phủ nên cân nhắc áp dụng thuế suất 0% cho tất cả các linh kiện ô tô từ mọi nguồn, mà hiện nay trong nước chưa sản xuất được.

Áp lực ngày càng cao với doanh nghiệp ô tô từ FTA

Việt Nam đã tham gia và ký kết 16 FTA, trong đó có nhiều FTA đã cam kết về ô tô nguyên chiếc và có lộ trình giảm thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc về 0%, điển hình là ATIGA 0% từ năm 2018; UK/EVFTA 0% từ năm 2028; CPTPP 0% từ 2027/MX 0% 2028; EVFTA với lộ trình giảm mạnh thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam 6,4%/năm, liên tục trong vòng 10 năm. Dự kiến đến năm 2030, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU xuống còn 0%.

Ví dụ, một chiếc xe phổ thông có giá khoảng 30.000USD, khi nhập về Việt Nam năm 2024 phải nộp thuế nhập khẩu 38,1%, tương đương 11.430USD, giảm 1.920USD so với thời điểm năm 2023. Số tiền thuế còn có thể giảm hàng chục nghìn USD đối với các mẫu siêu xe nhập khẩu.

Điều này có nghĩa là ngày càng có nhiều người có cơ hội sở hữu các mẫu xe từ tầm trung, cao cấp cho đến xe siêu sang của các thương hiệu nổi tiếng như Mercedes-Benz, BMW, Audi, Porsche, Ferrari, Lamborghini, Bugatti...

441877934_749576447340543_2187137564381835794_n.jpg
Toàn cảnh toạ đàm - Ảnh: Lam Thanh

Thảo luận tại tọa đàm công nghiệp ô tô Việt Nam do Tạp chí Hải Quan tổ chức ngày 24.5, một số ý kiến đánh giá thực tế trên cũng làm các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam ngày càng gặp nhiều áp lực để duy trì sản xuất cũng như duy trì được thị phần trong các phân khúc đang có hiện diện.

Theo đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) kiến nghị Chính phủ và các bộ nên để thuế suất 0% cho linh kiện phụ tùng nhập khẩu để sản xuất ô tô mà không cần có điều kiện về sản lượng tối thiểu cho chương trình ưu đãi thuế.

Lý do là thị trường Việt Nam chưa có hệ thống mạng lưới nhà cung cấp. Để duy trì sản xuất tại Việt Nam khoảng 80% linh kiện được nhập khẩu từ nước ngoài. Để nhập khẩu thì các doanh nghiệp cần phải chịu các chi phí như đóng gói, vận chuyển, lưu kho lưu bãi… nhân công, với chi phí cao hơn hẳn chi phí cho nhập khẩu xe nguyên chiếc khoảng 10 - 20%.

Từ năm 2018, đúng thời điểm Việt Nam mở cửa thị trường ô tô cho các nước ASEAN thì Chính phủ đã đưa ra một chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện xe ô tô để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp giảm chi phí sản xuất của xe trong nước.

Điều này đã giúp các nhà sản xuất ô tô giảm khoảng cách bất lợi về chi phí, giảm giá tăng cạnh tranh với xe nhập khẩu, qua đó duy trì được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam.

Đề xuất áp dụng thuế suất 0% cho tất cả các linh kiện ô tô

Bà Nguyễn Ánh Tuyết, Trưởng tiểu ban Hải quan, VAMA, cho rằng các nhà sản xuất ô tô đều mong chờ một giải pháp cú hích cho ngành công nghiệp ô tô.

“Chính phủ nên cân nhắc áp dụng thuế suất 0% cho tất cả các linh kiện ô tô từ mọi nguồn mà hiện nay trong nước chưa sản xuất được. Như vậy, điều kiện về sản lượng của chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô theo Nghị định 26/2023/NĐ-CP nên được bãi bỏ, thay vào đó là thuế suất 0% sẽ được áp dụng trong biểu thuế nhập khẩu phụ tùng linh kiện xe ô tô”, bà Tuyết nói.

o-to.jpeg
Kiến nghị áp thuế suất 0% cho linh kiện ô tô trong nước chưa sản xuất được

Bà Tuyết cũng cho hay Việt Nam đã ký cam kết trong các thỏa thuận quốc tế về bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu và có lộ trình cắt giảm phát thải khí CO2 cho các phương tiện giao thông. Theo đó, hạn chế nhập khẩu xe sử dụng xăng/ dầu ("ICE") vào năm 2030, hạn chế sản xuất xe ICE vào năm 2040 và không cho phép sử dụng xe ICE vào năm 2050.

“Ngành ô tô Việt Nam cũng đang tìm các giải pháp cho giai đoạn chuyển đổi quan trọng này. Tuy nhiên, quá trình chuyển giao trong ngành ô tô vẫn đang gặp nhiều khó khăn bao gồm sự suy giảm kinh tế sau đại dịch COVID-19 và sự phát triển chưa đồng bộ của cơ sở hạ tầng cũng như nguồn phát tải điện. Vì vậy, các dòng xe lai xăng điện là một giải pháp trung chuyển cho các sản phẩm xe ô tô”, bà Tuyết nói.

Do đó, để khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường VAMA đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho tất cả các xe HEV (xe lai xăng điện tự sạc), PHEV (xe lai xăng điện có sạc ngoài).

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư hiện tại và công ăn việc làm cho người lao động, VAMA đề nghị không tăng thuế SCT của xe Pickup kép chở hang. Các loại thuế phí khác cần giữ ổn định và giảm khi cần thiết để kích cầu góp phần hồi phục thị trường trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.

VAMA cũng cho rằng các mã số hàng hóa đã được cơ quan hải quan, Vụ Chính sách trước đó cung cấp xác nhận, dù chú giải HS của WCO không thay đổi, tuy nhiên, nhằm mục tiêu được nhiều thuế nên một vài đơn vị hải quan đã thay đổi mã HS bằng các công văn hướng dẫn đã gây khó khăn cho nhà nhập khẩu linh kiện sản xuất điển hình như mặt hàng ECU, logo xe ô tô…

Do đó, đơn vị này đề nghị cơ quan hải quan xem xét thận trọng các quyết định trong các công văn hướng dẫn đặc biệt khi chú giải HS không thay đổi ở các phiên bản HS và mặt hàng đã được xác nhận bởi hải quan nước xuất khẩu.

Một kiến nghị nữa là về việc tân trang phụ tùng. Theo VAMA, đây là cách làm thân thiện với môi trường nhờ giúp bảo tồn năng lượng, giảm lượng khí thải CO2 và tiết kiệm tài nguyên. Điều này cũng mang lại lợi ích cho khách hàng và người tiêu dùng Việt Nam.

Theo EVFTA, quy định về nhập khẩu phụ tùng tân trang phải có hiệu lực từ ngày 1/8/2023. Tuy nhiên, cho đến giờ này nghị định vẫn chưa được ban hành, vì vậy VAMA mong nghị định sớm được ban hành.

Bài liên quan
Vụ hack CDK làm đảo lộn ngành công nghiệp ô tô Mỹ, khiến các đại lý phải làm thủ tục giấy tờ thủ công
Các đại lý ô tô của Mỹ đã phải vật lộn với tình trạng ngừng hoạt động phần mềm liên tục do tấn công mạng hôm 24.6. Một số phải quay lại thủ tục giấy tờ thủ công khi hãng cung cấp phần mềm và dịch vụ công nghệ ngành ô tô CDK nỗ lực khôi phục các hệ thống được sử dụng bởi hơn 15.000 địa điểm bán lẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đề xuất cho phép văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Thảo luận về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), nhiều đại biểu quốc hội đề xuất nên cho phép mở các văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiến nghị áp thuế suất 0% cho linh kiện ô tô trong nước chưa sản xuất được