Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng tín dụng còn thấp, giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn…
Bức tranh kinh tế nhiều gam màu sáng
Báo cáo tại Quốc hội, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết những tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 1/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2023; đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%, xuất siêu 8,4 tỉ USD; giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây; tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỉ USD, tăng 4,5%, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỉ USD, tăng 73,2%; nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo…
Phát triển kết cấu hạ tầng KTXH được đẩy mạnh, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng, trọng điểm quốc gia; trong đó khởi công dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, mở rộng Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đưa vào khai thác đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (30km), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (79km), nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên hơn 2.000km.
Ngoài ra, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, không ngừng, không nghỉ và đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là công tác thu hồi tài sản cho nhà nước, gắn công tác phòng, chống tham nhũng với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, đề nghị truy tố, đưa ra xét xử nhiều vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Doanh nghiệp vẫn nhiều khó khăn
Tuy nhiên, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp; giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh; tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khá nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn; sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm.
Sản xuất nông nghiệp, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và nặng nề hơn. Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỉ đồng chưa đạt yêu cầu; tiến độ một số dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng còn chậm.
Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà, chậm được sửa đổi. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Thiên tai, dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, cháy rừng, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao… còn diễn biến phức tạp.
Làm mới các động lực tăng trưởng
Thời gian tới, Chính phủ cho biết ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.
Ngoài ra, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN; mở rộng cơ sở thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế, nhất là từ hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, thương mại điện tử xuyên biên giới…; thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử, không để chậm trễ kéo dài.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với tình hình thị trường và mục tiêu đề ra.
“Quyết liệt triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định; chú trọng thanh tra, kiểm tra; áp dụng hóa đơn điện tử và tăng cường thông tin, truyền thông”, Chính phủ nêu.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 15% và giảm lãi suất cho vay 1-2%.
Đẩy mạnh giải ngân Chương trình 120 nghìn tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ. Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công kích hoạt và dẫn dắt đầu tư tư; tập trung tháo gỡ những vướng mắc, bất cập kéo dài; chấn chỉnh và hướng tới chấm dứt tình trạng sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi, mô hình kinh doanh mới.
Đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng theo hướng tăng cường tính chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương; tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tập trung chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém…