Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tổng số kiều hối năm 2016 chuyển về Việt Nam qua hệ thống các ngân hàng trên địa bàn đạt khoảng 5 tỉ USD. So với năm 2015, kiều hối năm 2016 giảm khoảng 500 triệu USD.
Với con số này, lượng kiều hối về TP.HCM chiếm 57% tổng số kiều hối cả nước, trong khi những năm trước đây kiều hối đổ về TP.HCM thường chiếm khoảng 45-47%. Riêng tháng cuối năm, lượng kiều hối về TP.HCM đạt hơn 700 triệu USD, tăng khoảng 300 triệu USD so với bình quân 11 tháng trước đó.
Ông Minh cho rằng cơ cấu kiều hối năm nay không có nhiều thay đổiso với trước đây. Bởi lẽ, trong cơ cấu lượng kiều hối, có 72% kiều hối chuyển về nước phục vụ cho sản xuất kinh doanh; 21,8% được đưa vào bất động sản, còn lại là phục vụ cho tiêu dùng trong gia đình.
Tuy nhiên, năm nay tỉ lệ kiều hối được người nhận chuyển đổi ngay tiền đồng sau khi nhận ngoại tệ có xu hướng tăng, từ mức 31,2% của năm 2015 lên mức 33,4% trong năm 2016.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nhận định sở dĩ có sự thay đổi này là do nền kinh tế vĩ mô ổn định, trong khi sức ép tăng tỉ giá do tâm lý thị trường đã bị loại bỏ, chính là nguyên nhân khiến người nhận kiều hối dần chuyển từ ngoại tệ sang nắm giữ tiền đồng.
Đáng chú ý, Mỹ và châu Âu vẫn là 2 thị trường có lượng kiều hối gửi về nhiều nhất so với các thị trường còn lại, chiếm khoảng 82% tổng kiều hối về TP.HCM.
Theo thống kê Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, lượng kiều hối về TP.HCM tăng dần đều qua các năm, riêng năm 2015 là 5,5 tỉ USD.
Có 2 yếu tố tác động tới lượng kiều hối đổ về theo các năm. Thứ nhất, do Việt kiều có số lượng khá lớn, khoảng 4,5 triệu người trên thế giới. Thứ hai là do chính sách kiều hối của Việt Nam rất thông thoáng, người nhận kiều hối không đóng thuế TNCN, có thể nhận bằng ngoại tệ hoặc tiền đồng. Mạng lưới chi trả kiều hối đa dạng, có khoảng hơn 2.200 điểm giao dịch chi trả kiều hối trên cả nước.
Phan Diệu