Làn sóng COVID-19 thứ hai mới bùng phát trở lại đang một lần nữa gây khó cho ngành kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng và làm chậm lại quá trình phục hồi của thị trường này.

Kinh doanh khách sạn, resort lại lao đao vì dịch COVID-19 bùng phát

03/08/2020, 12:41

Làn sóng COVID-19 thứ hai mới bùng phát trở lại đang một lần nữa gây khó cho ngành kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng và làm chậm lại quá trình phục hồi của thị trường này.

Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 - Ảnh: TL

Thời gian vừa qua, khách sạn, khu nghỉ dưỡng (resort) là một trong những phân khúc bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch COVID-19. Trên các kênh bất động sản, trang mạng xã hội, thông tin chuyển nhượng, rao bán bất động sản xuất hiện ngày càng nhiều.

Tại một số địa phương, đặc biệt là những điểm du lịch dư thừa khách sạn như Sa Pa, Đà Nẵng, Nha Trang... số lượng khách sạn được rao bán ngày càng nhiều. Chủ nhiều khách sạn loại từ 1-2 sao, thậm chí khách sạn 3 sao cho biết họ không thể cầm cự đến khi hết dịch do số tiền thua lỗ ngày càng tăng.

Đơn cử như ở Sheraton Grand Đà Nẵng Resort, khoản lỗ ròng sau nửa đầu năm 2020 của chủ sở hữu vận hành khách sạn này đã lên đến 149 tỉ đồng, gần gấp đôi khoản lỗ cùng kỳ năm trước.

Tại TP.HCM, thị trường khách sạn cũng phải đối mặt với khủng hoảng khi công suất phòng xuống thấp, giá phòng giảm 25% so với năm trước. Các khách sạn 5 sao chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc chủ yếu vào khách quốc tế. Theo Sở Du lịch TP.HCM, lượng khách quốc tế trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm giảm 69% so với năm trước, xuống 1,3 triệu lượt.

Một số khách sạn 5 sao tại TP.HCM đang phải cho thuê phòng với giá của loại 4 sao; còn khách sạn 4 sao trước đây có giá 70-80 USD Mỹ/phòng/đêm nay thì nay giá thuê chỉ còn 40 USD.

Từ cuối tháng 4, trong khi một số khách sạn, resort ở những điểm du lịch gần các thành phố lớn đã có khách trở lại vào cuối tuần thì các khách sạn ở TP.HCM vẫn gần như "bất động”. Hàng loạt khách sạn đến nay vẫn chưa thể mở cửa.

Đáng chú ý, vài tháng qua, nhờ vào sự gia tăng của lượt du khách nội địa, thị trường du lịch Việt Nam đang trên đà hồi phục. Ghi nhận trong tháng 7, những địa điểm ven biển đã ghi nhận mức công suất đặt phòng khá cao vào các dịp cuối tuần. Nhiều khách sạn, resort thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang cũng đã áp dụng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút nhóm du khách nội địa. Còn các khách sạn trong TP.HCM bắt đầu nhận tổ chức các hội nghị, sự kiện.

Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 thứ hai mới bùng phát trở lại đang một lần nữa gây khó cho ngành kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng và làm chậm lại quá trình phục hồi của thị trường này.

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, làn sóng COVID-19 mới sẽ tác động mạnh mẽ đến phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam vốn mới vừa tìm lại tín hiệu phục hồi. Đặc biệt, thị trường khách sạn, resort tại Đà Nẵng sẽ chịu tác động sớm nhất từ việc du khách hủy đặt phòng cho tháng 8 và tháng 9.

“Sự bùng phát của dịch COVID-19 tại Đà Nẵng sẽ gây hưởng đến các địa điểm du lịch khác của Việt Nam, cả phân khúc khách nghỉ dưỡng lẫn phân khúc khách công vụ vì yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu đối với các du khách. Khi dịch bệnh xảy ra, du khách sẵn sàng hủy hoặc tạm hoãn các kế hoạch du lịch.

Mọi người sẽ có xu hướng tránh các khu vực đông người như sân bay hay nhà hàng, quán bar cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Chúng tôi cũng dự đoán rằng hoạt động của ngành hàng không nội địa sẽ chững lại trong vài tuần tới, đồng thời lượt khách du lịch nội địa cũng sẽ sụt giảm đáng kể. Nguồn doanh thu từ việc tổ chức hội nghị, hội thảo sẽ bị ảnh hưởng khi các sự kiện lớn cũng có thể bị hủy hoặc dời lại trong thời gian tới", ông Mauro nói.

Đại diện Savills cũng chia sẻ rằng sẽ phải mất ít nhất một vài tuần để tình hình dịch bệnh có thể được kiểm soát tốt hơn. Dù vậy, chuyên gia này vẫn có cái nhìn tích cực và tin tưởng vào tiềm năng phát triển của ngành bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam trong trung và dài hạn.

Khảo sát của Savills Việt Nam cho thấy một số khách sạn và resort đã cho phép khách hàng chuyển phòng đã đặt sang cuối năm với hy vọng duy trì nguồn khách. Dự báo các đơn đặt phòng mới chỉ có thể được ghi nhận khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Mặc dù vậy, dợt dịch bùng phát lần 2 này có thể khiến khách sạn và resort bỏ lỡ thời điểm du lịch hè vốn được ghi nhận là mùa du lịch nội địa cao điểm như những năm trước đây.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh doanh khách sạn, resort lại lao đao vì dịch COVID-19 bùng phát