Một trong những vùng lãnh thổ có mức độ cởi mở nhất về kinh tế tại Trung Quốc – Hồng Kông, sẽ có trưởng đặc khu hành chính mới vào chủ Nhật 26.3 tới đây, báo hiệu một trong những thời kỳ được đánh giá là đầy bất ổn và thách thức với nền kinh tế từng được mệnh danh là một trong bốn con hổ châu Á này.

Kinh tế Hồng Kông: Mong manh trước thời điểm chuyển giao?

Nhàn Đàm | 24/03/2017, 16:56

Một trong những vùng lãnh thổ có mức độ cởi mở nhất về kinh tế tại Trung Quốc – Hồng Kông, sẽ có trưởng đặc khu hành chính mới vào chủ Nhật 26.3 tới đây, báo hiệu một trong những thời kỳ được đánh giá là đầy bất ổn và thách thức với nền kinh tế từng được mệnh danh là một trong bốn con hổ châu Á này.

Lịch sử của Hồng Kông đã trải qua không ít biến động, từ các cuộc chiến tranh, cách mạng, chuyển giao và khủng hoảng, nhưng nó đã vượt qua tất cả để trở thành một trong những nền kinh tế thịnh vượng nhất châu Á; tuy nhiên giờ đây nó đang đứng trước một thách thức lớn hơn bao giờ hết: giữa một nền kinh tế Trung Quốc bị tổn thương và bất ổn trong khi các dòng vốn đầu tư lại đang rút ra với tốc độ chóng mặt.

Thứ nhất, ởthời điểm hiện tại, cả 4 lĩnh vực được xem là trụ cột đối với nền kinh tế Hồng Kông đều phải đối mặt với bất ổn lớn. Vai trò truyền thống là trung tâm tài chính của Hồng Kông trong hàng chục năm qua đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt khi chính phủ Trung Quốc thiết lập các trung tâm tài chính khác trong đất liền.

Thứ hai, vị thế là cảng trung chuyển hàng hóa và xuất khẩu thương mại lớn thứ 7 thế giới của Hồng Kông cũng đang bị đe dọa khi các công ty trên toàn cầu chuyển sang sử dụng các cảng trung chuyển đủ sức thay thế trên suốt dọc bờ biển phía Đông Trung Quốc.

Thứ ba, du lịch vàdoanh số bán lẻ của Hồng Kông đã sụt giảm nghiêm trọng do các cuộc chiến chống tham nhũng được chính phủ Trung Quốc tiến hành suốt thời gian vừa qua. Và cuối cùng, chi phí cho vay đang tăng lên do tác động từ chính sách của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tác động xấu tới các lĩnh vực như bất động sản và nợ doanh nghiệp tại đặc khu kinh tế phía Nam này.

Như thường lệ, những căng thẳng về kinh tế tại Hồng Kông lần này có xu hướng tiếp tục bị đổ lỗi cho sự bế tắc về chính trị đã ảnh hưởng xấu đến chính sách phát triển kinh tế. Nó được chứng tỏ phần nào trong các sự kiện điển hình như việc những người biểu tình ủng hộ dân chủ đã xuống đường và chiếm lĩnh phần lớn thành phố vào năm 2014, với lý do Bắc Kinh đã không thực hiện đúng cam kết về một mức độ tự chủ cao cho Hồng Kông sau khi tiếp quản vùng lãnh thổ này từ người Anh năm 1997. Người dân Hồng Kông cho rằng, điều đó có thể ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế vốn được xếp hạng là có mức độ thị trường tự do lớn nhất thế giới của mình.

Tuy nhiên, vấn đề có vẻ như không đơn giản như vậy. Giáo sư Willy Lam tại đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, cho biết“kinh tế Hồng Kông phụ thuộc chủ yếu vào thị trường tài chính và bất động sản, và đó là một rủi ro đáng kể khi những yếu tố này không còn tích cực như trước. Hồng Kông có lẽ đã đến lúc nghĩ tới các phương án phát triển tại những lĩnh vực mới”.

Trưởng đặc khu hành chính mới của Hồng Kông sẽ được giám sát bởi một hội đồng gồm 1.194 thành viên của giới tinh hoa chính trị và kinh doanh tại đây, trong đó có 9 tỉ phú có tổng tài sản lên tới hơn 100 tỉ USD và 87 đại diện địa phương của cơ quan lập pháp quốc gia Trung Quốc.

Ba ứng cử viên hàng đầu cho vị trí trưởng đặc khu mới là cựu tổng thư ký Carrie Lam, cựu bộ trưởng tài chính John Tsang và thẩm phán Woo Kwok-hing. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Tsang được đa số người dân Hồng Kông ủng hộ, trong khi Lam chiếm ưu thế từ ủy ban bầu cử của thành phố. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước, Lam thừa nhận rằng sự ủng hộ của Bắc Kinh dành cho mình đã khiến sự ủng hộ của người dân đối với cô giảm đáng kể ngay cả sau khi đã cam kết sẽ dành những sự hỗ trợ cho tầng lớp thượng lưu tại Hồng Kông.

Ở thời điểm hiện tại, dù mức sống tại Hồng Kông đã được cải thiện đáng kể nhưng sự bất bình đẳng về thu nhập vẫn còn rất lớn nếu so sánh với tầng lớp thượng lưu siêu giàu ở đây. Trong hầu hết mọi bảng xếp hạng về giá cả, thì Hồng Kông luôn nằm trong top những thành phố có mức sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới.

Năm ngoái, người giàu nhất Hồng Kông là tỷ phú Lý Gia Thành đã lên tiếng kêu gọi tăng thuế doanh nghiệp để giải quyết tình trạng bất bình đẳng, và nêu ra thực trạng rằng cứ trong 7 người dân Hồng Kông thì ít nhất 1 người có thu nhập gia đình dưới mức 2.100 USD hàng tháng. Trong một bài phỏng vấn mới nhất, vị tỷ phú hơn 80 tuổi của Hồng Kông này cho rằng nền kinh tế của đặc khu này đã tăng trưởng chậm hơn hẳn so với những năm trước và cần phải cải thiện ngay lập tức.

Tăng trưởng kinh tế Hồng Kông trong năm 2016 ước tính đạt khoảng 1,9%, trong khi năm 2015 là 2,4%. Chính phủ Trung Quốc dự báo kinh tế Hồng Kông năm nay sẽ tăng trưởng từ 2-3%. Và thách thức mà vị tân trưởng đặc khu của Hồng Kông sẽ phải đối mặt trong thời gian tới là không hề dễ dàng: các động lực tăng trưởng cũ đang yếu đi đáng kể và phải tìm kiếm thêm các động lực tăng trưởng mới. Hồng Kông sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với hàng loạt các trung tâm tài chính mới trong đại lục nếu như vẫn còn muốn duy trì vị thế là cửa ngõ cho dòng vốn quốc tế vào thị trường khổng lồ của Trung Quốc.

Dù đang cố gắng làm giảm bớt vị thế của Hồng Kông trong nền kinh tế đất nước, nhưng có vẻ như chính phủ Trung Quốc cũng không muốn tự làm yếu đi một trung tâm tài chính năng động của mình. Trong bài phát biểu giữa tháng 3, thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết các nhà đầu tư sẽ được phép mua trái phiếu đại lục ngay tại Hồng Kông, một động thái tạo kết nối giữa Hồng Kông với thị trường chứng khoán tại Thượng Hải và Thẩm Quyến, sẽ đem lại sự tích cực cho nền kinh tế thành phố.

Thặng dư tài chính và tài khoản vãng lai lành mạnh cũng là những ưu điểm của kinh tế Hồng Kông. Những ưu điểm này sẽ có vai trò quan trọng khi kinh tế Trung Quốc dần cải thiện và lan tỏa các hiệu ứng tích cực đến thành phố.

Tuy nhiên, có vẻ như việc có thể tự định đoạt số phận đã vượt ra khỏi tầm tay của chính Hồng Kông. Đồng dollar Hồng Kông trên thực tế gắn liền với tỷ giá đồng USD, khi FED tăng lãi suất thì chính Hồng Kông sẽ là một trong những nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Nguy cơ cũng đến từ tân tổng thống Mỹ Donald Trump: một sự gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể khiến Hồng Kông bị liên lụy chủ yếu là về kinh tế. Với hầu hết người dân và lãnh đạo Hồng Kông, đây được xem là thời điểm quyết định với nền kinh tế vốn đã duy trì được sự phát triển cao độ trong nhiều năm qua của họ.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hạn hán khô khát khốc liệt ở miền Tây Nam Bộ
một giờ trước Theo dòng thời sự
Kênh rạch khô nứt nẻ; đường sá sạt lở sụt lún khiến giao thông ách tắc; hàng vạn người dân thiếu nước sạch sinh hoạt… là những gì đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL hiện nay.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Hồng Kông: Mong manh trước thời điểm chuyển giao?