Cuộc chạy đua đến chiếc ghế tổng thống Mỹ 2016 đang tiến tới một bước ngoặt quan trọng, khi vị tỉ phú Donald Trump gần như đã chắc chắn giành được chiếc vé đại diện cho đảng Cộng hòa để ra tranh cử.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng càng chậm thì càng có lợi cho Donald Trump

07/05/2016, 11:20

Cuộc chạy đua đến chiếc ghế tổng thống Mỹ 2016 đang tiến tới một bước ngoặt quan trọng, khi vị tỉ phú Donald Trump gần như đã chắc chắn giành được chiếc vé đại diện cho đảng Cộng hòa để ra tranh cử.

Tính đến thời điểm hiện tại, nếu bỏ qua những lời công kích ông Trump từ phía các học giả và giới truyền thông, chẳng hạn như việc coi ông Trump là một kẻ mị dân, thì việc ông này chiến thắng rực rỡ trong việc giành chiếc vé ứng cử viên cho đảng Cộng hòa đang cho thấy vị tỉ phú này đang hiểu rõ những vấn đề của nước Mỹ hơn rất nhiều so với một số người vẫn nghĩ. Nếu xét trên khía cạnh kinh tế tài chính, thì có vẻ như Donald Trump đang là người có nhiều khả năng trở thành tổng thống Mỹ sắp tới nhất, bất kể việc ứng cử viên cho đảng Dân chủ có là bà Hillary Clinton hay ông Bernie Sanders đi nữa. Các quan điểm về kinh tế tài chính của ông Trump đang thực sự phù hợp với tình trạng hiện tại của nền kinh tế Mỹ, khi nền kinh tế số một thế giới đang có xu hướng suy thoái khá mạnh.

Những báo cáo và thống kê mới nhất về tình hình kinh tế Mỹ đang có chung một đặc điểm, tất cả đều khá ảm đạm và vô tình lại đang trở thành một sự hậu thuẫn đáng kể cho ứng cử viên của đảng Cộng hòa – Donald Trump. Theo báo cáo mới nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý I năm 2016 chỉ đạt 0,5%, thấp hơn so với mức 0,7% mà các nhà kinh tế đã dự báo, thấp hơn nhiều so với mức 1,8% trong quý IV năm 2015. Mức tăng trưởng 0,5% là mức tăng trưởng quý thấp nhất kể từ năm 2014 của kinh tế Mỹ.

Thậm chí tình hình tháng đầu tiên của quý II năm 2016 còn tỏ ra tồi tệ hơn. Các chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế Mỹ sẽ hồi phục trở lại trong quý II và sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2%. Nhưng những con số thống kê về tình hình kinh tế tháng 4 lại đang chỉ ra điều ngược lại. Theo đó, tình hình đang ngày một xấu đi, khi mức tăng trưởng trong thị trường lao động đang chậm dần lại, chỉ có khoảng 160.000 việc làm đã được tạo ra trong tháng, thấp hơn nhiều so với mức dự kiến là 215.000.

Trong đó, số lượng lao động đang phải làm công việc bán thời gian vẫn ở mức rất cao – hơn 6 triệu người. Với tình hình hiện tại, nhiều khả năng kinh tế Mỹ sẽ chỉ đạt được mức tăng trưởng 0,8% trong quý II. Hai quý liên tiếp có mức tăng trưởng dưới 1% (lần lượt là 0,5% và 0,8%) sẽ thực sự đưa kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn suy thoái. Nếu kịch bản này xảy ra, đó sẽ là điều gần như không ai có thể dự đoán được trước đó.

Vậy điều này đang đem lại lợi thế cho ứng cử viên nào trong cuộc chạy đua đến chiếc ghế tổng thống Mỹ kế tiếp? Câu trả lời là cho ông Donald Trump. Vì so với các ứng cử viên đảng Dân chủ như ông Bernie Sanders hay bà Hillary Clinton có xu hướng thiên về phương án tăng phúc lợi xã hội và đánh thuế nặng vào tầng lớp trung lưu, thì quan điểm của ông Trump cũng như của đảng Cộng hòa là kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua giảm thuế và thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ phát triển mạnh hơn.

Một vấn đề khác là các hiệp định thương mại tự do. Bản thân ông Trump dù lớn tiếng đòi đánh thuế nặng lên hàng hóa Trung Quốc nhưng lại rất ít khi đòi chấm dứt hay thay đổi các hiệp định thương mại tự do mà Mỹ đã, đang và sẽ ký kết. Điều này trái ngược hoàn toàn với các ứng cử viên đảng Dân chủ, hầu hết đều chủ trương chấm dứt hoặc đòi sửa chữa các hiệp định này một cách khá cương quyết.

Nói cách khác, quan điểm của ông Donald Trump về vấn đề tài chính kinh tế đang có chiều hướng phù hợp hơn với tình trạng nền kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện tại. Nền kinh tế Mỹ hiện đang tăng trưởng chậm hẳn lại, thậm chí còn đang đối mặt với nguy cơ rơi vào suy thoái, trái với dự đoán của hầu hết các chuyên gia kinh tế rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khá mạnh và ổn định trong năm 2016. Quan điểm chủ đạo của ông Trump cũng như của đảng Cộng hòa là cần kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua các biện pháp giảm thuế và giảm thâm hụt thương mại. Cụ thể, ông Trump đề xuất giảm chi tiêu công trong hầu hết các lĩnh vực (trừ quốc phòng), đồng thời đề xuất một gói cắt giảm thuế trị giá khoảng 10.000 tỉ USD cho người dân và đặc biệt là các doanh nghiệp Mỹ.

Trong khi đó các ứng cử viên của đảng Dân chủ lại say sưa với các kế hoạch tăng thuế và tăng phúc lợi xã hội. Cụ thể, ông Sanders đề xuất khoản chi trị giá 18.000 tỉ USD để thanh toán cho một hệ thống chăm sóc y tế toàn diện, đầu tư cơ sở hạ tầng và học phí bằng 0 tại các trường đại học công. Để có được số tiền khổng lồ này, Sanders đề xuất áp đặt mức tăng thuế khoảng 6.500 tỉ USD chủ yếu vào đối tượng là tầng lớp trung lưu và người giàu. Mức thâm hụt 11.500 tỉ USD còn lại cũng sẽ được giải quyết bởi các khoản tăng thuế trong tương lai. Những đề xuất của bà Hillary Clinton cũng tương tự, chỉ khác là con số nhỏ hơn một chút.

Nói cách khác, quan điểm về kinh tế tài chính của ông Trump với các ứng cử viên đảng Dân chủ như ông Bernie Sanders hay bà Hillary Clinton đang trái ngược hẳn nhau. Ông Trump thì đề xuất giảm thuế đáng kể cho người dân và doanh nghiệp như một biện pháp kích thích và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Còn ông Bernie Sanders và bà Hillary Clinton thì hướng tới đánh thuế nặng để chi cho các vấn đề an sinh xã hội và đầu tư cơ sở hạ tầng. Nếu nền kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn khỏe mạnh và ổn định, thì có lẽ quan điểm của các ứng cử viên đảng Dân chủ sẽ chiếm được sự ủng hộ của cử tri Mỹ. Nhưng khi nền kinh tế Mỹ đang có nguy cơ rơi vào trì trệ như hiện nay, thì rõ ràng quan điểm của ông Donald Trump đang tỏ ra có lý hơn.

Ngoài việc cam kết sẽ giảm thuế để thúc đẩy tăng trưởng, thì quan điểm chống đối các hiệp định thương mại tự do (vốn là một yếu tố quan trọng đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế) của ông Trump cũng nhẹ nhàng hơn so với ông Sanders hay bà Hillary Clinton. Việc ông Trump tuyên bố đánh thuế nặng lên hàng hóa Trung Quốc chỉ có ý nghĩa chống tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc chứ không mang ý nghĩa chống lại các vấn đề thương mại tự do như các ứng cử viên đảng Dân chủ.

Vì thế, việc kinh tế Mỹ tiếp tục có những diễn biến khá ảm đạm hiện nay, lại đang trở thành yếu tố hậu thuẫn ông Donald Trump khá nhiều. Nó đang cho thấy các quan điểm của ông Trump về vấn đề kinh tế tài chính Mỹ đang tỏ ra phù hợp hơn, mà tầm nhìn của vị tỉ phú thích chơi trội này có vẻ cũng xa rộng hơn các ứng cử viên đảng Dân chủ. Nếu không có gì thay đổi, sẽ không quá bất ngờ nếu như vào cuối năm nay vị tỉ phú có bề ngoài khó ưa này trở thành vị tổng thống kế tiếp của nước Mỹ.

Nhàn Đàm (theo Reuters/Nghiencuuquocte)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Mỹ tăng trưởng càng chậm thì càng có lợi cho Donald Trump