Các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế và hoạch định chính sách khắp toàn cầu có thể dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi vào cuối tuần này, bởi vì họ sẽ phải đối mặt với một trong những thời điểm khắc nghiệt nhất sẽ xảy ra trong tuần tới.

Kinh tế thế giới trước 'Tuần tử thần' của tháng Ba

Nhàn Đàm | 18/03/2018, 15:10

Các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế và hoạch định chính sách khắp toàn cầu có thể dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi vào cuối tuần này, bởi vì họ sẽ phải đối mặt với một trong những thời điểm khắc nghiệt nhất sẽ xảy ra trong tuần tới.

Hiếm khi nào mà các sự kiện có ảnh hưởng quan trọng đối với nền kinh tế thế giới lại diễn ra một cách tập trung và dồn dập như "Tuần Tử thần" của tháng Ba sắp tới.

Không có gì là quá lời khi gọi tuần cuối cùng của tháng Ba năm nay là "Tuần Tử thần", đặc biệt là với các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế và hoạch định chính sách. Có quá nhiều sự kiện tầm cỡ lớn đối với nền kinh tế toàn cầu không hẹn mà gặp sẽ cùng diễn ra trong tuần này, từ việc bổ nhiệm Thống đốc mới tại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho đến lần tăng lãi suất đầu tiên trong năm 2018 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ diễn ra, và viễn cảnh một cuộc chiến thương mại đang cận kề. "Tuần Tử thần" trong tháng Ba thậm chí có thể sẽ quyết định đến diễn biến của nền kinh tế toàn cầu trong phần còn lại của năm 2018. Hãy điểm qua những sự kiện quan trọng nhất sẽ diễn ra trong tuần tới:

Ngày Thứ Hai: Trung Quốc sẽ quyết định Thống đốc mới của PBOC. Năm tháng sau khi Thống đốc đương nhiệm là Chu Tiểu Xuyên cho biết sẽ nghỉ hưu sau khi giữ cương vị trong 15 năm, Quốc hội Trung Quốc sẽ bầu chọn ra người sẽ kế nhiệm ông Chu để giữ quyền điều hành một trong những tổ chức tài chính quyền lực nhất hành tinh. Việc thông qua bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp cách đây ít ngày của Quốc hội Trung Quốc đã cho phép Chủ tịch Tập Cận Bình thực thi một chính sách đối nội và đối ngoại mạnh mẽ hơn, trong đó có lĩnh vực tài chính bao gồm việc kiềm chế các khoản nợ trong nước và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, trong đó PBOC sẽ giữ vai trò quan trọng. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi Thống đốc mới của PBOC sẽ là người cứng rắn và cương quyết hơn trong việc xử lý các vấn đề tài chính đối nội và đối ngoại.

Ngày Thứ Ba: Hội nghị Bộ trưởng Tài chính nhóm G-20 sẽ nhóm họp. Theo đó, Thống đốc các ngân hàng trung ương và Bộ trưởng Tài chính của nhóm G-20 sẽ có hội nghị lần đầu tiên trong năm 2018 tại Buenos Aires, Argentina. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang đứng trước nhiều biến động quan trọng, điển hình là sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm, làm nảy sinh những dự báo về các cuộc trả đũa và một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Nhiều chính phủ trong nhóm G-20 đang vận động để được miễn trừ các khoản áp thuế này, và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tại Hội nghị G-20 sẽ là đối tượng để các cuộc thảo luận gây sức ép. Đáng chú ý là Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso sẽ không có mặt.

Ngày Thứ Tư: FED nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất đồng USD. Tân Chủ tịch FED Jerome Powell sẽlần đầu tiên xuất hiện trên ghế nóng để giữ vai trò chủ tọa cuộc họp quan trọng đầu tiên của cơ quan này sau khi cựu Chủ tịch Janet Yellen rời đi. Hiện tại, với sự tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp giảm tích cực hơn nhiều so với dự báo, thì khả năng FED sẽ tăng lãi suất từ mức hiện tại là 1,5% lên 1,75% là tương đối lớn. Nếu FED tăng lãi suất, đồng nghĩa với việc sẽ có một tác động lớn đối với nền kinh tế thế giới vốn đang xáo động sau động thái tăng mức áp thuế của Tổng thống Donald Trump.

Ngày Thứ Năm: Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tăng lãi suất. Diễn ra cùng lúc với FED, nhiều khả năng BOE – một trong những ngân hàng trung ương lớn nhất và quan trọng nhất thế giới – cũng sẽ tăng lãi suất đồng bảng Anh ngay trong tuần này. Lạm phát trong nền kinh tế Anh hiện nay đang cao hơn mục tiêu đề ra khoảng 1%. Việc cả đồng USD lẫn bảng Anh tăng lãi suất cùng một thời điểm có thể sẽ khiến tác động trên thị trường tài chính thế giới trở nên lớn hơn so với dự báo. Hiện đang có hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới chuẩn bị sẵn các kịch bản điều chỉnh tỷ giá để đối phó, từ New Zealand đến Philippines và Indonesia.

Ngày Thứ Sáu: Sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm áp thuế nhập khẩu với thép và nhôm sẽ chính thức có hiệu lực. Canada và Mexico đã được nằm trong diện miễn trừ, trong khi đó cánh cửa cũng đang mở ra đối với Australia và khuyến khích các nền kinh tế của các quốc gia đồng minh với Mỹ cũng sẽ nhận được nhượng bộ tương tự nếu có động thái điều chỉnh về cán cân thương mại. Tuy nhiên, những đe dọa trả đũa từ Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đang khiến những căng thẳng gia tăng một cách đáng kể. Nếu không được giải quyết ổn thỏa, một cuộc leo thang về trả đũa thương mại với quy mô lớn có thể sẽ diễn ra, và tác động tiêu cực đối với phần còn lại của kinh tế thế giới.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế thế giới trước 'Tuần tử thần' của tháng Ba