Giới hoạch định chính sách Trung Quốc phải tìm cách giữ cân bằng trong 5 vấn đề khó xử để giữ ổn định nền kinh tế.

Kinh tế Trung Quốc đối mặt 5 vấn đề khó xử

Cẩm Bình | 30/11/2021, 11:02

Giới hoạch định chính sách Trung Quốc phải tìm cách giữ cân bằng trong 5 vấn đề khó xử để giữ ổn định nền kinh tế.

Giới phân tích nhận định sau khi tiến hành chấn chỉnh hoạt động bất động sản, công nghệ, giáo dục, sử dụng than trong suốt năm 2021, Trung Quốc năm tới có thể chuyển trọng tâm sang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Chiến dịch chấn chỉnh hoạt động hàng loạt lĩnh vực nhằm mục đích củng cố uy tín của nhà cầm quyền Trung Quốc trước thềm cuộc họp quốc hội quan trọng đầu năm sau, đẩy mạnh nỗ lực tái cân bằng tăng trưởng dài hạn và đối phó với căng thẳng ngày càng tăng với Mỹ. Tuy nhiên, hoạt động này cũng đem lại nhiều rủi ro cho mô hình tăng trưởng của Trung Quốc.

Theo nhà kinh tế Larry Hu thuộc công ty dịch vụ tài chính Macquarie Capita, năm tới sẽ có thêm quy định quản lý chặt chẽ hơn, nhưng giới hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ tập trung bảo vệ mức tăng trưởng tối thiểu 5% và tránh thực hiện thay đổi mạnh mẽ làm đảo lộn hiện trạng.

Kinh tế Trung Quốc trong quý 3.2021 tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức tăng 7,9% trong quý 2. Muốn giữ ổn định tăng trưởng thì nước này cần tìm ra biện pháp giữ cân bằng ở 5 vấn đề sau:

“Zero COVID” và tiêu dùng

Chính sách chống dịch cứng rắn giúp Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng năm 2020. Tuy nhiên “Zero COVID” dường như không còn phù hợp, cái giá để duy trì chính sách này ngày càng tăng.

Giới phân tích cảnh báo phong tỏa, hạn chế đi lại, tâm lý tiêu dùng yếu có thể khiến tiêu dùng hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt ở mảng dịch vụ.

Cũng theo tập đoàn tài chính Nomura: “Chúng tôi dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ nhanh chóng giảm tốc vì tiêu dùng nước ngoài chuyển từ hàng tiêu dùng lâu bền sang dịch vụ khi nhiều quốc gia lựa chọn sống chung với COVID-19, nhu cầu hàng tiêu dùng lâu bền giảm, đồng Nhân dân tệ giá trị cao do nhập khẩu dịch vụ hạn chế và lạm phát chỉ số giá sản xuất”.

20211118_cnp002.jpg
Tiêu dùng khó phục hồi với "Zero COVID" - Ảnh: The Economist

Áp lực tạo việc làm

Thống kê từ Viện nghiên cứu Tài chính và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NFID) chỉ ra rằng tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ học vấn cao của nước này luôn ở mức trên 20% trong năm nay. Viện trưởng Lý Dương đánh giá thị trường lao động Trung Quốc đang mất cân bằng nghiêm trọng chính quyền đẩy mạnh “xanh hóa” các ngành công nghiệp nặng làm công nhân bị sa thải. Còn chiến dịch chấn chỉnh ngành bất động sản, dạy thêm khiến tình trạng thất nghiệp ở thanh niên thêm trầm trọng.

Các ngành liên quan đến bất động sản chiếm khoảng 28% GDP Trung Quốc, tạo ra khoảng 26% việc làm ở thành thị. Do đó thị trường bất động sản biến động đem đến rủi ro cho đơn vị phát triển, nhà cho vay, ngân hàng, chính quyền địa phương lẫn hộ gia đình.

china.jpg
Một phiên chợ việc làm tại Vũ Hán - Ảnh: Getty Images

Thiếu điện

Giá than cao, nguồn cung than thiếu hụt, tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt hơn trước, nhu cầu sản xuất hậu COVID-19 tăng mạnh gây nên cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất từ trước đến nay. Nhiều địa phương thực thi biện pháp kiểm soát phân phối, khiến không ít nhà máy cùng hộ gia đình sống trong cảnh mất điện.

Giới chức Trung Quốc giải quyết bằng cách tăng sản xuất than và tự do hóa giá cả trên thị trường điện để giảm bớt áp lực tài chính cho loạt nhà máy nhiệt điện than. Thủ tướng Lý Khắc Cường còn nói rằng Trung Quốc vẫn là quốc gia đang phát triển, nhu cầu dùng điện sẽ tăng nên mục tiêu đạt ngưỡng trung hòa carbon (cắt giảm lượng CO2 bằng với lượng CO2 tạo ra) cần phải được theo đuổi từng bước, dựa trên khoa học.

Tháng 9.2020, Chủ tịch Tập Cận Bình gây bất ngờ khi tuyên bố Trung Quốc sẽ đạt mức phát thải CO2 cao nhất trước năm 2030 rồi đưa về 0 trước năm 2060 (đạt ngưỡng trung hòa carbon). Giới phân tích đều tỏ ý hoài nghi.

coal.jpg
Trung Quốc "nghiện than" nặng - Ảnh: SCMP

Nhà kinh tế Cao Thiện Văn thuộc công ty chứng khoán Essence Securities khuyến cáo hạn chế sản xuất than có thể làm tăng nguy cơ gián đoạn kinh tế, do các nguồn năng lượng thay thế như điện mặt trời, điện gió, thủy điện không ổn định.

Tình trạng thiếu điện có thể quay lại vào mùa đông khi nhu cầu tăng trở lại, cũng như lúc Olympic mùa đông tại Bắc Kinh diễn ra, theo Nomura.

Giảm nợ ở lĩnh vực bất động sản

Nỗ lực giảm nợ ở lĩnh vực bất động sản năm nay đã cản trở kinh tế Trung Quốc tăng trưởng, khiến giá nhà cùng doanh số bán nhà giảm.

Tình hình sẽ thêm trầm trọng nếu áp dụng thí điểm thuế bất động sản tại một số khu vực. Chủ tịch Tập từng nhiều lần nhấn mạnh nhà là để ở chứ không phải để đầu cơ, nhưng hàng loạt chính sách đều không thể đem lại cải thiện gì, theo viện trưởng Lý. Ông kêu gọi cải cách thị trường nhà ở, thu thuế, hỗ trợ tài chính từ chính quyền trung ương lẫn địa phương và lĩnh vực ngân hàng.

np_file_125181.jpeg
Hoạt động bất động sản bị giới chức Trung Quốc chấn chỉnh - Ảnh: Getty Images

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Mô hình kinh tế và các chính sách công nghiệp mà Trung Quốc theo đuổi là điểm khó giải quyết trong căng thẳng thương mại giữa nước này với Mỹ.

Mặc dù Trung Quốc cố gắng gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – thỏa thuận thương mại thúc đẩy tạo môi trường thương mại bình đẳng, khó lòng mong nền kinh tế châu Á này thay đổi ngay.

Đơn vị phân tích Oxford Economics dự báo Trung Quốc có thể giảm thuế nhập khẩu, nới lỏng kiểm soát dòng vốn, cho phép nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực nhạy cảm, nhưng chắc chắc không thay đổi mô hình kinh tế.

Theo Oxford Economics, sự tách rời của 2 nền kinh tế Mỹ - Trung và chuỗi cung ứng điều chỉnh theo hướng rời bỏ Trung Quốc là xu hướng dài hạn. Mỹ sẽ tiếp tục hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Trung Quốc đối mặt 5 vấn đề khó xử