Với tốc độ giảm nhanh nhất từ trước đến nay, hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc rơi vào tình trạng tồi tệ hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu, cho thấy thiệt hại khổng lồ mà dịch bệnh gây ra cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc vừa công bố chỉ số quản lý thu mua (PMI) tháng 2 rớt xuống mức kỷ lục 35,7 điểm – mất 14,3 điểm so với tháng 1. Giới phân tích trước đó đưa ra dự báo lạc quan hơn là 46 điểm.
Chỉ số quản lý thu mua dựa trên năm đơn vị thành phần chính: đơn đặt hàng mới, mức tồn kho, sản xuất, giao hàng từ nhà cung ứng cùng môi trường lao động. Mục đích của PMI là cung cấp thông tin về điều kiện kinh doanh hiện tại cho các nhà hoạch định chính sách, nhà phân tích và quản lý mua hàng của doanh nghiệp.
PMI trên 50 báo hiệu ngành sản xuất mở rộng, ngược lại dưới 50 là đang thu hẹp. Trong tháng 2 chỉ số sản xuất giảm từ 51,4 xuống 29,3 điểm; môi trường lao động do chịu lệnh hạn chế đi lại nên cũng giảm từ 47,5 xuống 31,8 điểm. Lượng đơn đặt hàng mới cũng giảm mạnh.
Nhóm chuyên gia của tập đoàn tài chính Nomura (Nhật) nhận định Trung Quốc có khả năng chỉ tăng trưởng 2% trong quý 1/2020, vì dịch bệnh tạo nên tình trạng vận chuyển khó khăn và hoạt động kinh tế tê liệt. Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ chịu tác động lâu dài.
Chính quyền Bắc Kinh đã triển khai một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quan chức Cục thống kê Zhao Qinghe tin tưởng đến cuối tháng 3 sức sản xuất của doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tăng 32,8% (so với mức trước dịch bệnh) lên 90%.
PMI của lĩnh vực phi sản xuất cũng giảm còn 29,6 điểm – mất 24,5 điểm so với tháng 1. Hoạt động xây dựng giảm từ 59,7 xuống 26,6 điểm. Giao thông vận tải, du lịch, ăn uống đều chỉ còn dưới 20 điểm.
Cẩm Bình (theo Reuters)