“Dự báo từ nay đến cuối năm 2023, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là rất khó khăn”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết.

Kinh tế từ nay đến cuối năm nhiều thách thức, khó đạt mục tiêu tăng trưởng

Hoài Lam | 09/05/2023, 11:05

“Dự báo từ nay đến cuối năm 2023, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là rất khó khăn”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết.

Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9.5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 nước ta đạt được nhiều thành quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

“Nền kinh tế phục hồi nhanh, là một trong số ít các quốc gia đạt tăng trưởng cao, kiểm soát được lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”, ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, với một nền kinh tế có độ mở lớn, tuy nhiên quy mô còn khiêm tốn và năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế, kinh tế nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới, nhất là xuất nhập khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, thu hút đầu tư, kinh doanh bất động sản…

Mặc dù vậy, theo ông Dũng, bước sang tháng 4, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn ban hành từ đầu năm đến nay bắt đầu có hiệu ứng tác động, tháng 4 cũng là tháng bước vào giai đoạn đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, nhất là du lịch. Nhờ đó đã có nhiều chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công, khơi thông điểm nghẽn về dòng tiền trong nền kinh tế…

dung.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Về tình hình triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đã bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết Chính phủ tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh đã ban hành; tập trung phòng chống, kiểm soát dịch bệnh.

Ngoài ra, thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; tiếp tục cơ cấu lại lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công.

Thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết bên cạnh kết quả đạt được cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại, yếu kém cần khắc phục.

“2 chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng không đạt mục tiêu đề ra, tăng thêm 1 chỉ tiêu đã báo cáo là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP. Chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 4,8% so với mục tiêu khoảng 5,5%.

Tăng trưởng GDP giảm tốc đáng kể trong quý 4 do xuất khẩu sụt giảm và sản xuất công nghiệp tăng thấp khi các điều kiện kinh doanh xấu đi và nhu cầu thế giới suy giảm mạnh, đơn hàng sụt giảm trong khi chi phí đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu”, ông Thanh nêu.

Ông Thanh cũng cho biết, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý 4/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

thanh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu

Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 1/2023 thấp, các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước đã có mức sụt giảm hoặc tăng không đáng kể cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là vô cùng khó khăn. Doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều vấn đề tồn tại từ lâu nhưng chậm được xử lý đã tạo ra những điểm nghẽn đối với nền kinh tế.

“Dự báo từ nay đến cuối năm 2023, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là rất khó khăn”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói và đề nghị Chính phủ kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng.

Ngoài ra, ông Thanh cho rằng cần thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ; điều chuyển, sử dụng vốn linh hoạt, hạn chế phát hành trái phiếu Chính phủ khi chưa giải ngân được nguồn vốn huy động cũ.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng nói rằng cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác; đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công; theo dõi chặt chẽ, chủ động phương án ứng phó, phòng chống, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; đẩy mạnh phát triển, khai thác thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Bài liên quan
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
9 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế từ nay đến cuối năm nhiều thách thức, khó đạt mục tiêu tăng trưởng