Kết thúc quý 1/2023, nhiều ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận tăng cao, nhưng kèm theo đó nợ xấu cũng đang phình to.

Nợ xấu phình to đe dọa ăn mòn lợi nhuận ngân hàng

Hoài Lam | 08/05/2023, 16:30

Kết thúc quý 1/2023, nhiều ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận tăng cao, nhưng kèm theo đó nợ xấu cũng đang phình to.

Lợi nhuận hợp nhất của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), quý 1/2023 đạt 11.221 tỉ đồng trước thuế và 8.992 tỉ đồng sau thuế, tăng gần 13% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nợ xấu của Vietcombank cũng tăng. Nợ xấu của Vietcombank tính đến ngày 31.3.2023 tăng hơn 27% so với hồi cuối năm 2022, lên 9.942 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,68% đầu năm lên 0,85%.

Hay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) báo lãi trước thuế trong 3 tháng đầu năm nay đạt 6.600 tỉ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Số nợ xấu của BIDV cũng tăng hơn 40% so với cuối năm 2022, lên 24.728 tỉ đồng; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 1,19% lên 1,59%.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) công bố lợi nhuận trước thuế trong quý 1/2023 đạt 6.512 tỉ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, số dư nợ xấu của MB cũng tăng 68% so với năm 2022 lên gần 8.453 tỉ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu tăng lên gần 1,76% so với mức chỉ hơn 1% của cuối năm vừa qua.

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đạt lãi trước thuế gần 5.157 tỉ đồng, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến 31.3, số dư tín dụng của ACB giảm 0,6%, đạt 411.289 tỉ đồng; số dư nợ xấu tăng 31,5% lên 4.000 tỉ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,74% cuối năm 2022 lên 0,97% vào cuối quý 1/2023...

no-xau(1).jpg
Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng

Với Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), lợi nhuận trước và sau thuế trong quý 1/2023 lần lượt đạt 1.765 tỉ đồng và 1.413 tỉ đồng, tăng 8,7% so với quý 1/2022. Nợ xấu nội bảng của TPBank trong 3 tháng đầu năm tăng đến 84%, lên mức 2.497 tỉ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng hơn 3,1 lần lên mức 1.199 tỉ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng gấp rưỡi lên 764 tỉ đồng; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng nhẹ 5,5% lên hơn 533 tỉ đồng…

Tại báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng tài sản, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Tính đến cuối tháng 2.2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2,91% (tăng so với mức 2,46% vào cuối năm 2016; mức 1,49% vào cuối năm 2021 và mức 2,0% vào cuối năm 2022).

Mặc dù theo báo cáo của các TCTD, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%. Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá, NHNN nhận thấy có một số khoản chưa phải là nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng có nguy cơ chuyển nợ xấu (như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...). Do đó, cần ghi nhận những khoản này để có giải pháp quản lý, xử lý nhằm ngăn ngừa nguy cơ chuyển nợ xấu trong tương lai.

Trên nguyên tắc đó, NHNN xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các TCTD đến cuối tháng 2.2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.

no-xau.jpg
Nợ xấu phình to đe dọa ăn mòn lợi nhuận ngân hàng

Việc nợ xấu gia tăng trong năm nay là điều đã được dự báo từ trước. Nói với Một Thế Giới về vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng việc nợ xấu gia tăng là điều khó tránh khỏi khi thị trường bất động sản có dấu hiệu đóng băng từ năm ngoái, kèm theo đó là lãi suất chung tăng cao, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ.

Giới chuyên gia dự báo chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2023 sẽ tăng và ảnh hưởng trực tiếp triển vọng lợi nhuận ngân hàng. Đặc biệt, với các nhà băng có tỷ lệ cho vay lớn ở lĩnh vực bất động sản, các khoản cho vay này có thể trở thành nợ xấu nếu dòng vốn vào lĩnh vực này tiếp tục bị thắt chặt.

Theo đó, rủi ro tín dụng sẽ có sự phân hóa giữa các tổ chức tín dụng, trong đó các nhà băng có dư nợ tín dụng bất động sản cao sẽ phải đối mặt với áp lực trích lập dự phòng lớn hơn so với các ngân hàng thuần bán lẻ.

Dù vậy, một động thái rất có ý nghĩa là NHNN ban hành Thông tư 02/2023. Theo đó, những khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn phát sinh trước ngày 24.4 sẽ được xem xét cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ từ nay đến hết ngày 30.6.2024. Dù thông tư này chưa thể khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế nhưng có tác dụng tích cực cho các công ty, người dân đang gặp khó khăn chưa thể thanh toán nợ vay đúng hạn.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng Thông tư 02/2023 của NHNN là thông tin tích cực, hỗ trợ cho cả doanh nghiệp, người dân lẫn hệ thống ngân hàng. Việc các doanh nghiệp từ nay đến tháng 6.2024 không lo bị chuyển sang nợ xấu sẽ giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay với các điều kiện thông thường.

Đánh giá của SSI Research, với Thông tư 02, áp lực lên bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh của ngân hàng sẽ giảm bớt phần nào, do rủi ro tỷ lệ nợ xấu gia tăng sẽ được chuyển sang nửa cuối năm 2024.

“Tỷ lệ nợ xấu năm 2023 có thể không tăng cao như ước tính ban đầu, do khách hàng gặp khó khăn có thể được ngân hàng xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Điều này cũng có lợi cho các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu gần 3%, vì các tổ chức này sẽ có thêm phương án để giữ tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3%”, SSI nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nợ xấu phình to đe dọa ăn mòn lợi nhuận ngân hàng