TS Nguyễn Hồng Gấm, giảng viên Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng: "Hiện nay khái niệm kinh tế tuần hoàn được đề cập nhiều trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp... Đây là một vấn đề mới khi áp dụng kinh tế tuần hoàn trong thời đại 4.0. Lợi ích của kinh tế tuần hoàn rất lớn, tuy nhiên áp dụng mô hình này với công nghệ mới mọi việc chỉ mới bắt đầu".
Bảo vệ môi trường

Kinh tế tuần hoàn ở ĐBSCL: Mọi việc chỉ mới bắt đầu

Văn Kim Khanh 15/07/2024 06:00

TS Nguyễn Hồng Gấm, giảng viên Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng: "Hiện nay khái niệm kinh tế tuần hoàn được đề cập nhiều trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp... Đây là một vấn đề mới khi áp dụng kinh tế tuần hoàn trong thời đại 4.0. Lợi ích của kinh tế tuần hoàn rất lớn, tuy nhiên áp dụng mô hình này với công nghệ mới mọi việc chỉ mới bắt đầu".

ktth-8.jpg
Mô hình sản xuất lúa an toàn tại Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: M.T

Mọi việc mới bắt đầu

Khái niệm kinh tế tuần hoàn (KTTH) được sử dụng chính thức đầu tiên bởi hai nhà nghiên cứu Pearce và Turner (1990) . Nó được dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống. Ellen MacArthur Foundation mô tả nền KTTH là một hệ thống công nghiệp phục hồi hoặc tái tạo theo ý định và thiết kế. Nó chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và trong phạm vi này, là các mô hình kinh doanh. Hay nói một cách đơn giản KTTH là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

ktth-4.jpg
Canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải ở Sóc Trăng - Ảnh: L.X.C

Cũng theo TS Nguyễn Hồng Gấm, ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Diện tích tự nhiên của ĐBSCL hơn 4 triệu héc ta, trong đó có 2,4 triệu héc ta đất canh tác nông nghiệp và gần 700.000 héc ta đất nuôi trồng thủy sản. Dân số ĐBSCL hơn 17,4 triệu người, trong đó lao động nông thôn chiếm 12,7 triệu người (chiếm hơn 73%).

Theo số liệu thống kê năm 2021, nông nghiệp ĐBSCL đã chiếm 54% diện tích và 58% sản lượng lúa; xuất khẩu gạo từ ĐBSCL chiếm tới 93% sản lượng. Thủy sản chiếm 77% diện tích, 40% sản lượng và 60% xuất khẩu cả nước...

Từ những số liệu nông nghiệp như trên, nếu áp dụng KTTH theo công nghệ mới sẽ tiết kiệm rất nhiều cho nền kinh tế khi sản xuất hàng hóa và giảm phát thải. Những sản phẩm từ KTTH này sẽ đa dạng hóa hàng hóa và nguồn phân hữu cơ phục vụ nông nghiệp sẽ rất dồi dào.

ktth-12.jpg
Lễ phát động canh tác 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải ở ĐBSCL - Ảnh: V.K.K

Trao đổi về mô hình KTTH của tỉnh, Ông Lê Văn Đông, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: “Cho đến nay việc triển khai KTTH trong nông nghiệp gần như chỉ mới bắt đầu. Trà Vinh chưa có mô hình nào về KTTH có hiệu quả. Trước đây địa phương đã triển khai thực hiện mô hình VACR ( vườn-ao-chuồng-ruộng) trong nông dân, nhiều người cũng làm ăn hiệu quả. Tuy nhiên, về KTTH phải áp dụng công nghệ mới 4.0, nâng cao áp dụng công nghệ để phục vụ cho chương trình kết hợp 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải. Mô hình mới theo kiểu KTTH tại Trà Vinh chỉ mới bắt đầu ở giai đoạn truyền thông".

ktth-10.jpg
Cây lúa và sen ở Đồng Tháp đang chuyển hướng theo KTTH - Ảnh: T.L

Những lĩnh vực kinh tế tuần hoàn ở ĐBSCL

Theo các chuyên gia, KTTH ở ĐBSCL bao gồm các lĩnh vực sau:

Nông nghiệp tuần hoàn: Tái sử dụng và tái chế các phụ phẩm, chất thải từ hoạt động nông nghiệp như rơm rạ, phụ phẩm sau thu hoạch để sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng... Canh tác các loại cây trồng và chăn nuôi có tính bổ trợ lẫn nhau.

Thủy sản tuần hoàn: Ứng dụng nuôi trồng thủy sản kết hợp với nông nghiệp (mô hình VACR). Tận dụng tối đa và tái chế các sản phẩm phụ, chất thải từ hoạt động đánh bắt và chế biến thủy sản.

Năng lượng tuần hoàn: Sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối từ phụ phẩm nông nghiệp. Tái sử dụng và tái chế chất thải để sản xuất năng lượng, ví dụ như khí sinh học từ chất thải chăn nuôi.

Công nghiệp và dịch vụ tuần hoàn: Tái chế, tái sử dụng các sản phẩm, phụ phẩm, chất thải từ hoạt động công nghiệp và dịch vụ. Ứng dụng các công nghệ xanh, sạch để tối thiểu hóa chất thải.

Mô hình KTTH giúp tăng cường sự bền vững và hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường tại ĐBSCL.

ktth-2.jpg
Vùng khóm Tân Phước, Tiền Giang vẫn còn canh tác theo kiểu cũ - Ảnh: Mỹ Tho

Thuận lợi và khó khăn

Theo TS Nguyễn Hồng Gấm, ĐBSCL có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng; có nhiều loại nông sản, phụ phẩm nông nghiệp, chất thải có thể tái sử dụng và tái chế. Trong các hoạt động canh tác, chế biến, sản xuất, tái sử dụng và tái chế, người dân ĐBSCL có kinh nghiệm từ lâu đời. ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Chính sách ưu tiên phát triển KTTH sẽ có tác dụng tích cực giúp thúc đẩy mô hình này.

Về hạ tầng và công nghệ, ĐBSCL đang gặp khó khăn vì chưa có sự đồng bộ. Một số công nghệ tái chế, xử lý chất thải chưa phổ biến ở ĐBSCL. Nhận thức và thói quen của người dân chưa thay đổi kịp, một số người dân chưa nhận thức đầy đủ lợi ích của KTTH. Nguồn vốn đầu tư cho các dự án KTTH còn hạn chế, cần thêm nhiều nguồn đầu tư từ Nhà nước và doanh nghiệp. Cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa đầy đủ, cần hoàn thiện các chính sách thúc đẩy KTTH.

Vì vậy, cần có sự nỗ lực từ các bên liên quan để phát huy lợi thế, vượt qua khó khăn nhằm áp dụng thành công mô hình KTTH ở ĐBSCL.

ktth-17.jpg
Khi KTTH phát triển, những đống rác như thế này sẽ được xử lý tốt hơn hiện nay - Ảnh: Mỹ Tho

Trong bài viết "Kinh tế tuần hoàn - Chiến lược và giải pháp phát triển bền vững ĐBSCL", TS Trần Văn Hiếu cho rằng: "Phát triển KTTH là xu hướng chung của thế giới, của nước ta và ĐBSCL. KTTH là chìa khóa để giải bài toán làm thế nào sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên nhất, ít nguyên vật liệu nhất nhưng lại sản xuất ra nhiều sản phẩm nhất, đồng thời lại là các sản phẩm thân thiện môi trường. Một số vấn đề lý luận của KTTH, kinh nghiệm thế giới được nghiên cứu làm cơ sở phân tích thực trạng KTTH ở ĐBSCL thời gian qua. Những thành tựu, hạn chế của KTTH được nêu ra, từ đó đề xuất những giải pháp mang tính khả thi để phát triển mạnh hơn nữa KTTH ở ĐBSCL trong thời gian tới như: nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ; lấy chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 làm động lực để phát triển".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
một giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế tuần hoàn ở ĐBSCL: Mọi việc chỉ mới bắt đầu