Thị trường tài chính của 4 nền kinh tế hàng đầu thế giới: Mỹ, EU, Nhật và Trung Quốc đang trải qua biến động. Điều này là thách thức cho nền kinh tế Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam 2016 sẽ ra sao khi đồng tiền của nhóm “Tứ cường” biến động?

Một Thế Giới | 20/02/2016, 05:10

Thị trường tài chính của 4 nền kinh tế hàng đầu thế giới: Mỹ, EU, Nhật và Trung Quốc đang trải qua biến động. Điều này là thách thức cho nền kinh tế Việt Nam.

Năm 2015 được xem là một năm đầy thành tựu với nền kinh tế Việt Nam, khi tốc độ tăng trưởng đạt được cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây là 6,7%. Cộng với việc hàng loạt các chỉ số vĩ mô được ổn định một cách vững vàng đã khiến cho tương lai của nền kinh tế đất nước được đánh giá là rất khả quan.
Vì thế, không có gì bất ngờ khi những hãng tin và tổ chức kinh tế trên thế giới đều đặc biệt xếp hạng Việt Nam ở những vị trí cao trong bản đồ tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2016. Quả thực là, cỗ xe tăng trưởng của Việt Nam đã vận hành ổn định trở lại, nhưng nó chỉ có thể tăng tốc trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng khả quan. Nhưng khi mà nền kinh tế và tài chính thế giới đang trở nên biến động hơn bao giờ hết ở thời điểm hiện tại, thì 2016 hoàn toàn có thể trở thành một năm đầy gian khó đối với nền kinh tế Việt Nam.

Ở thời điểm hiện tại, thế giới đang trải qua một cơn biến động dữ dội trên thị trường tài chính, và khả năng lan sang các lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu là rất lớn. Ba thị trường chứng khoán (TTCK) của 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều suy giảm mạnh kể từ đầu năm 2016. Tính đến phiên giao dịch ngày 11.2.2016 thì tổng cộng chỉ số S&P 500 của Mỹ đã giảm tổng cộng khoảng 10,5% kể từ đầu năm mới, còn hai TTCK của Trung Quốc và Nhật Bản thì đều đã rơi vào tình trạng “thị trường con gấu” vốn chỉ xảy ra khi chỉ số chứng khoán sụt giảm vượt quá mức 20%. Lần lượt đồng USD, rồi nhân dân tệ sụt giá mạnh, và tiếp sau đó sẽ là đồng yen Nhật và euro khi mà cả hai ngân hàng trung ương Nhật Bản và EU đều đã đưa lãi suất về mức âm, lần lượt là -0,1% và -0,3%, vốn là động thái sẽ khiến đồng yen và đồng euro sụt giá mạnh hơn nữa.

Việc 4 đồng tiền hàng đầu thế giới sụt giá đã khiến cho giá vàng tăng mạnh nhất trong vòng 7 năm qua, thêm gần 50 USD/ounce. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà đầu tư đã không còn đặt niềm tin vào bất cứ một đồng tiền chủ chốt nào trên thế giới nữa. Đây là điều gần như chưa có tiền lệ trong vòng vài năm trở lại đây, vì thường sẽ luôn có ít nhất là một vài đồng tiền có tỷ giá mạnh để các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn, chứ ít khi xảy ra tình trạng tất cả đều sụt giá như thời điểm hiện tại.

Sự rối loạn và biến động trên thị trường tài chính thế giới hiện nay cũng bắt đầu có dấu hiệu lan sang các bộ phận chủ chốt của nền kinh tế toàn cầu. Kinh tế Mỹ đã chính thức có mức tăng trưởng thấp nhất trong quý 4/2015 chỉ ở mức 0,7% và Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen đã tuyên bố kinh tế nước này đang lâm vào tình trạng căng thẳng, Fed đã sẵn sàng với kịch bản đưa lãi suất về âm để kích thích hồi phục. 
Điều tương tự cũng đang diễn ra ở Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) khi cả hai nền kinh tế này đã đưa lãi suất về mức âm được một thời gian. Như các chuyên gia đã chỉ ra, các ngân hàng trung ương chỉ đưa lãi suất về âm khi mà nền kinh tế gặp khó khăn nghiêm trọng, đến mức buộc phải đánh đổi những nguy cơ của chính sách lãi suất âm để đổi lấy cơ hội hồi phục nền kinh tế.
Những biến động này đang đe dọa tác động mạnh đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016, khi đây đều là các quốc gia đứng hàng đầu danh sách các nước có mức trao đổi thương mại lớn nhất với Việt Nam. Ảnh hưởng trước tiên và lớn nhất sẽ là vấn đề xuất khẩu. Việc các nền kinh tế trên tăng trưởng chậm lại và đồng nội tệ mất giá có thể khiến sức mua của thị trường giảm sút đáng kể, và dẫn đến xu hướng giảm lượng hàng hóa nhập khẩu. 
Theo thông báo mới nhất của chính phủ Nhật Bản, chỉ số tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình của nước này đã giảm khoảng 0,8% trong quý 4/2015 và được dự báo sẽ còn tiếp tục diễn ra trong năm 2016 khi tăng trưởng kinh tế của nước này chậm lại, và nhất là sau khi ngân hàng trung ương hạ lãi suất về -0,1%. Điều tương tự cũng sẽ diễn ra ở EU và thậm chí là Mỹ nếu FED đưa lãi suất về mức âm, vì khi lãi suất đưa về dưới 0% thì các cá nhân và gia đình thường rút tiền khỏi các ngân hàng và đưa về nhà cất giữ để tránh bị hao hụt, dẫn đến tâm lý hạn chế tiêu dùng.

Nếu điều này diễn ra, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp vấn đề nghiêm trọng. Nhiều khả năng xuất khẩu Việt Nam sẽ không thể hoàn thành mục tiêu đặt ra trong năm 2016 là tăng trưởng 10%, tức là sẽ tăng thêm khoảng 12,6 tỉ USD so với năm 2015. Vì trên thực tế, mức tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2015 của Việt Nam cũng chỉ đạt khoảng 8%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra và nó lại diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới 2015 vẫn còn khá sáng sủa khi kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh, còn Trung Quốc và Nhật Bản thì chưa rơi vào trì trệ. Vì thế, khi Mỹ tăng trưởng chậm lại, còn Trung Quốc và Nhật Bản rơi vào trì trệ trong năm 2016 thì rõ ràng là khó khăn đối với xuất khẩu sẽ tăng lên đáng kể, nhất là khi các hiệp định thương mại quan trọng có thể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam như TPP và các FTA chưa thực sự đi vào hoạt động.

Tác động lớn thứ hai là yếu tố tỷ giá. Việt Nam đã chính thức chuyển sang cơ chế điều hành tỷ giá mới, theo đó sẽ neo giá trị đồng nội tệ vào một rổ các loại tiền tệ chủ chốt thay vì neo vào đồng USD và bám theo nhu cầu nội địa, thông qua thả nổi một phần tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Việc này sẽ giúp Việt Nam hạn chế được những biến động của việc đồng USD tăng giá. Tuy nhiên khi mà một số đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ mà Việt Nam sử dụng để neo giá đồng nội tệ bị sụt giá mạnh ở thời điểm hiện tại, như USD hay nhân dân tệ, thì việc tỷ giá VNĐ bị tác động là chuyện không thể tránh khỏi.

Theo dự đoán của các chuyên gia, VNĐ có thể bị ảnh hưởng bởi việc hàng loạt các đồng tiền chủ chốt trên thế giới sụt giá, và đồng nội tệ của Việt Nam có thể sẽ mất giá khoảng 5% trong năm 2016, trong trường hợp xấu nhất có thể lên tới 8%. Đây rõ ràng là một tác động không hề nhỏ, khi mà mục tiêu của Việt Nam trong năm 2016 vẫn là kiềm chế lạm phát dưới 5%. Để có được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2016, thì một trong những điều kiện tiên quyết là lạm phát phải thấp, để chính phủ có thêm dư địa để tăng nguồn vốn đầu tư phát triển vào nền kinh tế. Nếu lạm phát quá cao sẽ ngăn cản quá trình này, khiến cho nền kinh tế tăng trưởng dưới tiềm năng.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF)

Bài liên quan
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản
Ngày 22.11, tại Cần Thơ, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ phối hợp với Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo khởi động dự án “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững và Tham vấn các giải pháp đổi mới sáng tạo ngành tôm Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” (viết tắt là Dự án).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Việt Nam 2016 sẽ ra sao khi đồng tiền của nhóm “Tứ cường” biến động?