Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức 6% trong năm nay và 6,2% vào năm 2025. Lạm phát dự kiến vẫn ở mức 4% trong cả hai năm do áp lực kéo dài từ căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thị trường và chính sách

Kinh tế Việt tiếp đà phục hồi, ADB dự báo tăng trưởng 6% năm nay

Lam Thanh 13:36 25/09/2024

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức 6% trong năm nay và 6,2% vào năm 2025. Lạm phát dự kiến vẫn ở mức 4% trong cả hai năm do áp lực kéo dài từ căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kinh tế Việt Nam tiếp đà phục hồi

Theo báo cáo của ADB, nền kinh tế Việt Nam duy trì đà phục hồi mạnh mẽ. Kinh tế đạt mức tăng trưởng 6,4% trong nửa đầu năm 2024, gần gấp đôi mức 3,7% của năm trước.

Công nghiệp và xây dựng tăng 7,5% so với mức 1,1% cùng kỳ năm trước. Dịch vụ tiếp tục tăng trưởng ở mức 6,6%, nhờ sự phục hồi của ngành du lịch. Nông nghiệp hưởng lợi từ giá hàng hóa cao hơn, duy trì mức tăng trưởng ổn định 3,4%.

Về phía cầu, sự phục hồi mạnh mẽ của thương mại đã hỗ trợ tăng trưởng. Kim ngạch thương mại phục hồi nhanh chóng, xuất khẩu tăng 14,5% so với năm ngoái trong khi nhập khẩu tăng 17%, dẫn đến thặng dư thương mại đạt 11,6 tỉ USD.

Tuy nhiên, thặng dư này chủ yếu nhờ lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đóng góp khoảng 24 tỉ USD, trong khi khu vực trong nước có mức thâm hụt thương mại 12,3 tỉ USD.

ADB cũng nêu rằng nhu cầu trong nước phục hồi chậm, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 5,8% với việc tiếp tục các chương trình hỗ trợ tài khóa, gồm cả việc gia hạn cắt giảm thuế giá trị gia tăng 2%. Đầu tư được cải thiện trong nửa đầu năm 2024, tổng tích lũy tài sản tăng 6,7% so với mức giảm 0,1% một năm trước đó.

adb.png
ADB lạc quan về kinh tế Việt Nam

Lạm phát trong nửa đầu năm 2024 đạt mức bình quân 4,1%, cao hơn mức 3,3% của năm trước, do giá thực phẩm và xăng dầu trong nước tăng cao. Mặc dù lạm phát theo tháng tăng nhanh trong tháng 1, tháng 2 và tháng 7 năm 2024, nhưng chững lại trong các tháng còn lại, dẫn đến mức tăng giá 1,9% vào cuối tháng 8.

“Lương cơ bản tăng có hiệu lực vào tháng 7, đồng Việt Nam giảm giá và việc điều chỉnh giá các mặt hàng nhiên liệu, điện, giáo dục và y tế do chính phủ kiểm soát cũng góp phần vào xu hướng tăng lạm phát chung”, ADB nêu.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ linh hoạt để tạo thuận lợi cho các khoản tài trợ có chi phí thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

Các dòng vốn vào sụt giảm làm cán cân vốn và tài chính rơi vào trạng thái thâm hụt ước tính bằng 2,2% GDP trong nửa đầu năm 2024 so với mức thặng dư 0,8% cùng kỳ năm trước.

Thặng dư tài khoản vãng lai giảm xuống cùng với cán cân vốn và tài chính thâm hụt khiến cán cân thanh toán tổng thể bị thâm hụt ước khoảng 3,5% GDP trong nửa đầu năm 2024. Đến cuối tháng 6 năm 2024, dự trữ ngoại hối ước tính đủ chi trả 2,8 tháng nhập khẩu, giảm so với mức 3,3 tháng vào cuối năm 2023.

Tăng trưởng kinh tế ở mức 6% năm nay

Theo ADB, tăng trưởng kinh tế dự báo đạt mức 6% vào năm 2024, sau đó tiếp tục cải thiện lên 6,2% trong năm 2025. Lạm phát dự báo cũng tăng nhẹ lên 4% trong cả hai năm.

Công nghiệp định hướng xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng chính. Các đơn đặt hàng mới dần quay trở lại và tiêu dùng phục hồi đã khôi phục tăng trưởng sản xuất trong nửa đầu năm 2024 và đà tăng mạnh mẽ hơn được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong cả năm. Chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất tăng nhẹ trên 52,4 vào tháng 8.2024 và tiếp tục đà mở rộng, cho thấy sự phục hồi của ngành sản xuất hàng tiêu dùng.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm cũng tạo ra một số bất ổn. Công nghiệp được dự báo tăng trưởng 7,3% trong năm 2024 và tiếp tục mở rộng ở mức 7,5% vào năm 2025. Xây dựng sẽ tiếp tục tăng nếu các dự án cơ sở hạ tầng lớn được triển khai theo kế hoạch.

adb-2.jpg
Kinh tế Việt tiếp đà phục hồi, ADB dự báo tăng trưởng 6% năm nay

Các lĩnh vực khác được dự kiến tăng trưởng ở mức khiêm tốn. Dự kiến dịch vụ sẽ tiếp tục tăng 6,6%, nhờ sự phục hồi của du lịch và các dịch vụ liên quan.

Trong tháng 8.2024, doanh số bán lẻ tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng doanh số 8 tháng đầu năm 2024 lên 8,5% theo giá hiện hành (5,3% theo giá thực tế). Mức tăng này vẫn thấp hơn mức 10,3% của cùng kỳ năm trước, cho thấy nhu cầu trong nước còn yếu.

Về phía cầu, chính sách tài khóa mở rộng và tiền tệ nới lỏng sẽ tiếp tục hỗ trợ tiêu dùng hiện đang ở mức thấp. Đầu tư công sẽ có vai trò then chốt đối với sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.

Theo ADB, tiếp tục chính sách hỗ trợ tài khóa và gia tăng đầu tư công sẽ góp phần kích cầu hơn nữa trong nửa cuối năm 2024. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục gây áp lực giảm đối với lĩnh vực bất động sản - là một lĩnh vực chính của tiêu dùng trong nước trước đây. Nhu cầu trong nước dự kiến sẽ vẫn tương đối yếu trong giai đoạn 2024-2025.

ADB cũng cho rằng thương mại hồi phục và dòng vốn FDI tích cực sẽ là động lực tăng trưởng chính. Xuất - nhập khẩu có thể tăng hơn 10% trong năm nay và cao hơn một chút vào năm tới, với sự phục hồi dần của nhu cầu bên ngoài. Hoạt động thương mại gia tăng dự kiến sẽ giúp cán cân vãng lai duy trì thặng dư ước tính vào khoảng 2,0% GDP trong năm 2024…

Bài liên quan
Thủ tướng: Nếu cứ tăng trưởng 6-7%/năm thì rất khó đạt được mục tiêu
Thủ tướng cho biết “muốn tăng trưởng thì phải có nguồn lực, nếu cứ tăng trưởng với tốc độ 6-7%/năm như hiện nay thì rất khó đạt được mục tiêu 100 năm đã đặt ra”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại đô thị lớn của Việt Nam
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Theo báo cáo, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội và TP.HCM có chiều hướng gia tăng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Việt tiếp đà phục hồi, ADB dự báo tăng trưởng 6% năm nay