Các nhà thiên văn học đang tìm kiếm những tín hiệu vô tuyến có thể là dấu hiệu của sự sống ngoài Trái đất thông qua kính viễn vọng MeerKAT của Nam Phi.

Kính viễn vọng lớn nhất thế giới tham gia cuộc săn lùng sự sống ngoài hành tinh

Hoàng Vũ | 07/12/2022, 17:18

Các nhà thiên văn học đang tìm kiếm những tín hiệu vô tuyến có thể là dấu hiệu của sự sống ngoài Trái đất thông qua kính viễn vọng MeerKAT của Nam Phi.

Theo Live Science, MeerKAT là một trong những kính viễn vọng lớn nhất thế giới vừa tham gia cuộc săn lùng dấu hiệu của sự sống ngoài hành tinh ở những nơi khác trong vũ trụ.

Kể từ năm 2016, dự án Breakthrough Listen đã âm thầm sử dụng kính viễn vọng vô tuyến để lắng nghe những tín hiệu vô tuyến hoặc ký hiệu kỹ thuật bất thường từ "các nền văn minh tiên tiến tiềm năng" ngoài Trái đất trong dải Ngân hà. Dự án do nhà vật lý lý thuyết, nhà vũ trụ học Stephen Hawking quá cố khởi xướng một phần và được tài trợ bởi doanh nhân người Israel Yuri Milner.

Breakthrough Listen đã sử dụng kính viễn vọng Ngân hàng xanh (GBT) ở Tây Virginia (Mỹ) và kính viễn vọng Parkes ở New South Wales (Úc), cùng nhiều kính thiên văn khác. Các loại kính viễn vọng vô tuyến từ khắp nơi trên thế giới đã được sử dụng để quét những ngôi sao. Nhưng giờ đây, kính viễn vọng MeerKAT ở Nam Phi và hiện là kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất ở nam bán cầu, đã tham gia tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh.

radio-telescope.jpg
MeerKAT là một trong những kính viễn vọng lớn nhất thế giới - Ảnh: Getty

Sau hơn 2 năm tích hợp nhiều chương trình vào hệ thống MeerKAT, các nhà khoa học của Breakthrough Listen cuối cùng đã bắt đầu sử dụng dữ liệu được thu thập bởi mảng đĩa để tìm kiếm những tín hiệu bất thường từ các ngôi sao. Việc này sẽ "mở rộng số lượng mục tiêu được tìm kiếm theo hệ số 1.000", đại diện của Breakthrough Listen cho biết, nó sẽ làm tăng đáng kể cơ hội phát hiện ra các tín hiệu ngoài Trái đất.

Kính viễn vọng MeerKAT đã cải thiện đáng kể số lượng mục tiêu mà dự án Breakthrough Listen có thể phân tích vì các đĩa của nó có thể khóa tới 64 mục tiêu khác nhau cùng một lúc, trong khi những kính thiên văn khác chỉ có thể tập trung vào một mục tiêu tại một thời điểm.

"MeerKAT có thể quan sát được một vùng bầu trời lớn gấp 50 lần kính GBT có thể nhìn thấy, cùng một lúc. Một trường quan sát lớn như vậy thường chứa nhiều ngôi sao là mục tiêu kỹ thuật khá thú vị", Andrew Siemion, nhà khoa học chính của Breakthrough Listen và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái đất (SETI) của Đại học California Berkeley (Mỹ) cho hay.

Dự án Breakthrough Listen sẽ truy cập luồng dữ liệu liên tục từ MeerKAT mà không can thiệp vào nghiên cứu thiên văn theo lịch trình. Thay vào đó, dữ liệu thu thập được từ những nghiên cứu khác sẽ được đưa vào một siêu máy tính vốn sử dụng thuật toán đặc biệt để quét tín hiệu mà nó không nhận ra là đến từ các hiện tượng vũ trụ đã được xác định. Do đó, khi một tín hiệu lạ được phát hiện, các nhà nghiên cứu có thể nhanh chóng phân tích tín hiệu đó.

Nhà vật lý thiên văn Cherry Ng tại Đại học Toronto (Canada) và là nhà khoa học tại dự án Breakthrough Listen cho biết, nhờ quyền tiếp cận kính viễn vọng MeerKAT, dự án sẽ có thể quét hơn 1 triệu ngôi sao trong 2 năm tới. “Điều này rất thú vị”, Cherry Ng nói.

Theo các nhà nghiên cứu Breakthrough Listen, một trong những ngôi sao đầu tiên được quan sát chi tiết hơn sẽ là Proxima Centauri, ngôi sao gần hệ Mặt trời nhất, nơi có hai ngoại hành tinh tiềm ẩn khả năng sự sống.

Trước đó vào tháng 6, các nhà thiên văn học Trung Quốc sử dụng kính viễn vọng Sky Eye khổng lồ ở Quý Châu - kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất trên Trái đất, thông báo rằng họ đã phát hiện ra tín hiệu có thể của người ngoài hành tinh. Tuy nhiên, điều này đã nhanh chóng bị vạch trần bởi một trong những tác giả nghiên cứu đã tiết lộ tín hiệu gần như chắc chắn là sự can thiệp vô tuyến của con người.

Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ đã thu được sóng vô tuyến băng tần hẹp vốn thường chỉ được sử dụng bởi máy bay và vệ tinh của con người, nhưng chúng cũng có thể được tạo ra bởi công nghệ của người ngoài hành tinh. Tuy nhiên, họ nói phát hiện của họ chỉ là sơ bộ, và cần được thực hiện phân tích một cách thận trọng cho đến khi quá trình phân tích hoàn tất. Giới nghiên cứu hiện nay vẫn đặt nghi vấn về sự can thiệp vô tuyến của con người liên quan tới phát hiện của phía Trung Quốc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kính viễn vọng lớn nhất thế giới tham gia cuộc săn lùng sự sống ngoài hành tinh