Tháng Ba, những con chim núi vờn hót điên cuồng trên những cây hoa gạo đỏ rực. Ông giáo ngót ba chục năm ở trong rẻo cao ngâm nga: "Lưng chừng núi/ Lưng chừng đồi/ Lưng chừng một đời/ Vắt vẻo giữa tầng mây". Và những câu chuyện mà tôi kể dưới đây, những cuộc đời ngây ngất, khóc cười réo rắt ở lưng chừng núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) chính là cuộc sống chông chênh của một thế hệ - đời người ấy.

Kỳ 1: Trâu tìm về Giàng, người tìm khánh kiệt

Lê Đình Dũng | 04/04/2016, 08:01

Tháng Ba, những con chim núi vờn hót điên cuồng trên những cây hoa gạo đỏ rực. Ông giáo ngót ba chục năm ở trong rẻo cao ngâm nga: "Lưng chừng núi/ Lưng chừng đồi/ Lưng chừng một đời/ Vắt vẻo giữa tầng mây". Và những câu chuyện mà tôi kể dưới đây, những cuộc đời ngây ngất, khóc cười réo rắt ở lưng chừng núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) chính là cuộc sống chông chênh của một thế hệ - đời người ấy.

Mùa đâm trâu

Mùa xuân, khắp Sơn Tây rộn ràng đâm trâu. Đâm nhà này qua nhà khác. Những mũi thép sắc lạnh chọc sâu vào tim gan vật tế,cũng là bao nhiêu cú đâm vào từng mảnh đờinghèo đói.

Ở thôn Ra Nhua, xã Sơn Tân, dân làng đang tập trung ăn uống say sưa ở nhà ông Đinh Văn Kim. Tiếng cồng chiêng trầm bổng vang lên ngày này qua ngày khác trong ngôi nhà sàn buồn hắt hiu nằmsâu sau rặng cây hóp. Năm nay ở làng, ông Kim là nhà thứ hai đâm trâu. Ở dưới con dốc cùng thôn, nhà ông Đinh Văn Lược cũng đang sửa soạn chuẩn bị dựng nêu đâm trâu.

Hoa gạo nở rực những thung lũng cau ở Sơn Tây báo hiệu mùa đâm trâu đã tới - Ảnh: Lê Đình Dũng.

Con gái ông Kim, chị Đinh Thị Hương kể: “Ông già đau mắt đi chữa dưới Bệnh viện Hoàn Mỹ (Đà Nẵng). Chữa xong, khỏe lại, bác sĩbảo về nhà bồi dưỡng nên nhà mình đâm trâu”. Vợ ông Kim cũng đau bệnh về già, vừa khỏe lại; thế là lễ đâm trâu càng lớn nữa.

Người nhà kể, đâm 1 con trâu chừng 4 năm tuổi, giết 4 con lợn to một thước, 20 con gà, 32 ché rượu cần, mua thêm 100 lít rượu trắng, củi thì người làng tới dự góp vào… Tính sơ sơ, mất khoảng vài chục triệu đến gần 100 triệu cho một lần đâm trâu như vậy.

Sơn Tây là huyện miền núi phía tâyQuảng Ngãi, phần lớn người đồng bào dân tộc Kdong sinh sống. Ở đây có tục đâm trâu mừng làm ăn phát đạt hoặc cầu mong sức khỏe,cũng có khi mừng khỏi ốm đau bệnh tật như ông Kim người ta cũng đâm trâu. Đúng nghĩa thì nó không phải là một lễ hội văn hóamà đơn giản là mùa đâm trâu,người đồng bào gọi là lễ cúng trâu.

Khác với các lễ hội đâm trâu ở các địa phương, việc đâm trâu ở Sơn Tây diễn ra ở nhà này qua nhà khác, xã này qua xã khác - Ảnh: Lê Đình Dũng.

Một gia đình đâm trâu mất khoảng 13 ngày. Ngày thứ nhất sửa sang nhà cửa rồi thông báo hàng xóm, bà con ở xa gần về dự lễ cúng trâu; sau đó sẽ làm một lễ giỗ, giết 1 con heo để thông báo tổ tiên, cha mẹ. Ngày thứ 2, gia chủ lấy lúa trong kho đi xay, nấu rượu cần và cúng thêm lần nữa. Ngày thứ 3, gia chủ nhờ chòm xóm dựng nêu, xong rồi ăn uống. Ngày thứ 4, đưa trâu từ rừng về (dù trâu nhà nuôi cũng phải dắt lên rừng rồi dắt về) rồi làm lễ cúng. Ngày thứ 5, gia chủ làm lễ cúng thông báo cho ông bà, cha mẹ vànhững người đã mất; gọi hết các tên tuổi sông núi xung quanh mà họ biết tên, mặt trời mặt trăng, hẹn họ ngày thứ 8 sẽ đâm trâu.

Ngày thứ 6, người làng bắt đầu kéo về. Ngày thứ 7, người ta bắt đầu giết heo, gà ăn uống, nhảy múa thâu đêm suốt sáng, mệt thì ngủ lăn lóc cùng nhau bất kể lớn bé gái trai. Sáng sớm ngày thứ 8, lễ đâm trâu chính thức, tiếp tục ăn uống, nhảy múa cồng chiêng. Sang ngày thứ 9 sẽ ăn phần đầu trâu. Ngày thứ 10, ăn tiếp những phần lòng, thịt còn lại của trâu. Ngày thứ 11, gia chủ đưa thầyvề nhà cúng. Ngày thứ 12, gia chủ trả thù lao cho thầy, thường là 1 cái đuôi và 1 cái đùi trâu. Ngày thứ 13 là ngày dọn dẹp, gia chủ mời những người thân quen, giúp đỡ nhiều trong những ngày qua ăn uống. Xong hết chừng ấy ngày, có một ngày trả công cho gia chủ, người ta sẽ lên rẫy làm giúp một ngày, ai ưng đi thì đi.

Đến ngày ăn phần lòng, thịt của trâu, nhà ông Kim vẫn đông khách. Ông Kim mắt đã đỡ, ngồi trong nhà sàn tối thui nhìn bâng quơ. Ở ngoài sân, cây nêu vẫn cao sừng sững đong đưa trong gió. Nêu được làm rất kỳ công từ gỗ chò, nứa, lồ ô, trang trí thêm bằng hoa K’lung. Bà Tía vợ ông đang nhảy dập dình theo điệu cồng chiêng cùng nam thanh nữ tú dưới đó. Rượu ngấm cả chục ngày nay, ai cũng ngất ngây, da đỏ ửng, mắt phiêu diêu.

Người ta vừa nhảy múa vừa chuốc rượu nhau uống tiếp. Trong đôi mắt họ thấy được niềm vui không gợn phiền muộn của cuộc sống nghèo đói. Thấy tôi, con gái ông Kim chuốc một ly rượu. Rồi lại nhảy múa. Tôi hỏi: “Nhà đâm trâu, mua sắm vậy hết nhiều tiền không?”. “Khoảng sáu, bảy chục triệu”. “Tiền đâu mà làm dữ vậy?”. “Trâu nhà, mua rượu mua heo thì thiếu cũng được”. “Trong nhà còn tiền không?”. “Hết rồi”.

Hình như họ không tính ngày mai. Ngắt lời thắc mắc của khách; chị Hương, răng đỏ quạch, môi viền chỉ vì nhai trầu, mặt đỏ gấc lại kéo tôi vào nhà uống rượu. Khách từ chối, chị buồn giận bâng quơ, hỏi gì cũng không nói nữa (người ta quan niệm mời mà khách không ăn uống là coi thường gia chủ).

Mùa đâm trâu, những bản làng ở Sơn Tây say khướt.

Tôi lại rong ruổi đi sâu vào vùngnúi phía trên. Những rừng cau khô cháy vì bị đốt để trồng sắn, tỉa bắp. Đến xã nào, cũng thấyvài cây nêu cao ngật ngưỡng, những mảnh sân tan nát dấu chân. Ông Đinh Văn Trân, Bí thư xã Sơn Dung cho biết, đầu xuân đến nay xã có 7 hộ đâm trâu rồi. Ông kể: “Tục đâm trâu ở đây có từ lâu. Ví dụ trong vòng 5 năm mà gia đình nào phát đạt, lúa đầy kho thì họ đâm trâu. Nhà nào có người thân đau bệnh mà bớt thì cũng đâm trâu. Người nào đau bệnh nặng, gia đình sẽ cúng Giàng bằng 1 con lợn, hứa nếu người thân khỏi thì năm sau sẽ đâm trâu…”.

Trong xã Sơn Dung thì thôn Đăk Lang đã có 5 người đâm trâu. Đây là thôn có nhiều người ăn lá ngón tự tử, cuộc sống chông chênh lắm lắm. Ngược lên xã Sơn Long, giáp Kon Tum, vừa rồi cũng đã có 2 nhà đâm trâu…

Không bỏ được

Ông Đinh Kà Để, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây tâm sự: “Năm nay nắng sớm nên người ta ít làm. Đây là tập tục truyền thống của người Kdong nên không thể bỏ được. Khoảng 3 đến 5 năm mà gia đình làm ăn có thu hoạch, yên bình thì họ không để giành nữa mà tiến hành cúng trâu trả ơn Giàng, cha mẹ đã phù hộ”.

Nhà nào có cây nêu dựng lên, báo hiệu chuẩn bị cho một lần đâm trâu mới - Ảnh: Lê Đình Dũng.

“Như vậy con trâu rất gần gũi và thiết thực với đồng bào ở đây”, tôi thắc mắc. “Đúng rồi, con trâu là vật tế lớn nhất, cũng là ý nghĩa nhất của đồng bào. Ngày xưa nhà nào giàu mới có con trâu. Ở dưới xuôi người ta quan niệm gia đình có điều kiện qua nhà cửa, xe cộ nhưng đồng bào Kdong thì không quan tâm điều đó. Họ chỉ nhìn giá trị đời sống qua con trâu”, ông phân tích.

“Nhưng nếu đã vậy thì tập tục đâm trâu tràn lan sẽ ảnh hưởng đến kinh tế người dân, ông có nghĩ như vậy?”. “Không ai khuyến khích đâu, đó là người dân tự nguyện và là tập tục ở đây. Ví dụ ở người Kinh thì có gia phả, dòng họ. Còn ở đây một lần đâm trâu là một lần anh em bà con gặp gỡ. Chi phí thì tùy từng gia đình; nhà có điều kiện thì làm lớn, khách đông. Trung bình một lần đâm trâu khoảng 75 triệu đồng,người có quan hệ rộng làm lễ đâm trâu cũng tới cả trăm triệu đồng. Nhưng nói bỏ thì bà con không bỏ được, họ kiên quyết theo nên ngăn không được đâu”.

“Bây giờ xã hội khuyến khích hạn chế việc tế lễ bằng những cảnh chém giết súc vật man rợ, ông có nghĩ nên thay đổi?”. Ông Để nói: “Không có gì man rợ đâu. Quan niệm của đồng bào là muốn đâm con trâu càng nhiều mà con trâu vẫn sống thì chứng tỏ con trâu khỏe. Trâu càng khỏe thì người trong gia đình càng khỏe thôi”.

Theo vị Bí thư huyện Sơn Tây, truyền thống đâm trâu của đồng bào ở đây khó bỏ được - Ảnh: Lê Đình Dũng.

Ông kể tiếp: “Khoảng tháng 10 năm 2014, nhà tôi cũng làm lễ đâm trâu. Đâm con trâu 7 tuổi, khoảng 2 tạ, giết 3 con heo, làm khoảng 60 mâm. Khi mình làm xong lễ thì cuộc sống con cái ngon lành, sáng sủa nên yên tâm hơn. Con gái tôi lấy chồng ở Hà Nội từ 2010, mãi 3 năm sau vẫn chưa có con. Con trai làm việc ở Đà Nẵng vẫn chưa lấy được vợ. Đâm trâu xong thì năm 2015, con gái sau bao năm thuốc thang không được đã có con, con trai cũng lấy vợ có con. Đấy, có làm lễ và có được sự phù hộ vậy nên ai chẳng tin”.

Kỳ tới: Ngày tàn của những 'xóm biệt thự'

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 1: Trâu tìm về Giàng, người tìm khánh kiệt