Có những người khiếu nại đến chết mà vẫn chưa được giải quyết; có người khiếu nại đến nỗi bị cắt luôn Đảng tịch; có người nằm không đi nổi vẫn khiếu nại; có người tiếp tục khiếu nại trong cảnh màn trời chiếu đất... Họ chỉ là những nông dân chân lấm tay bùn, không biết kêu ai. Tuy nhiên, chỉ bằng một triết lý sống đơn giản, rặt đặc thù của người Nam bộ: Họ cảm thấy bất bằng, và họ khiếu kiện.
Kỳ 1: Tiếng kêu bên dòng sông Hậu
Bữa cơm chiều với những nông dân
Trong làn gió mát rượi thổi miên man bên dòng sông rộng, chúng tôi ngồi ăn cơm với những nông dân cuối cùng còn bám trụ lại trên mảnh đất của ông cha trong KCN Bình Minh. Nghe nói có nhà báo xuống xác minh, tìm hiểu vụ việc… các gia đình rủ nhau kéo đến để “nộp đơn” kêu cứu. Những lá đơn được nộp bằng… miệng, vì họ không biết viết lá đơn như thế nào. “Đơn” ở đây đơn giản chỉ là những câu chuyện, những nỗi lòng bị dồn nén bấy lâu. Hiểu và thông cảm cho những “lá đơn” ấy, chúng tôi “nhận” hết.
Những người còn sót lại của KCN Bình Minh kéo đếnđể trình bày nỗi oan ức của mình
Dù rất muốn cho các nhà báo “ăn cơm cho no” rồi mới nhận đơn, thế nhưng lẫn trong câu chuyện đưa cơm, những “lá đơn” đầy tâm sự cứ tự động “tuôn” ra, khiến mấy nhà báo như chúng tôi bất giác buông đũa, cầm bút để ghi chép…
Quyết liệt nhất trong những người đi kiện có thể xác định luôn là bà Huỳnh Anh Nga, 79 tuổi. Mẹ ruột bà Nga là bà Võ Thị Kinh, khiếu nại đến năm 99 tuổi thì qua đời vào năm 2010, ủy quyền cho bà Nga.. tiếp tục khiếu nại.
Bà Nga là một cán bộ cách mạng lão thành, tham gia cách mạng từ năm 1947, được đưa ra Bắc tập kết lúc còn là một cô bé tóc buộc đuôi gà… Bà Nga cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 3 công đất bị thu hồi, giá đền bù cả nhà thờ và 2 căn nhà quê chỉ được hơn 200 triệu đồng. Chúng tôi chỉ được áp một giá đền bù, không có quyết định thu hồi đất.
Cái chúng tôi muốn nhất bây giờ là: Không đi, vì UBND tỉnh lấy đất làm kinh tế chứ không phải vì lợi ích công cộng, xã hội. Trả giá quá thấp, không thỏa đáng. Chúng tôi muốn ở lại đây còn vì mảnh đất này là mảnh đất của ông cha chúng tôi. Cha của tôi làm chủ tịch xã đầu tiên ở đây, xã này còn là xã anh hùng… Tụi tui giữ đất để con cháu sau này còn biết quê hương, bà con, dòng họ…”.
Ngồi đối diện chúng tôi là anh Huỳnh Minh Truyền (SN 1966), con trai ông Huỳnh Văn Sung, cứ một câu mời cơm là lại đến một câu… “đơn”. Anh đọc vanh vách: “Đề nghị UBND xã chấp hành đúng chủ trương của Chính phủ làm KCN Bình Minh. Ngày 13.7.2004 Hoàng Quân rao bán nền, đến ngày 20.7.2004 UBND Tỉnh mới có Quyết định thu hồi đất (?!).
Anh Huỳnh Minh Truyền (SN 1966), con trai ông Huỳnh Văn Sung, đọc “không cần ngó” các giấy tờ mà anh có được trong suốt gần 13 năm gửi đơn thư khiếu nại. Anh nhớ như in các số, ngày, tháng, năm...
Đề nghị hủy Quyết định đưa năm 2016 ký ngày 8.7.2004… Ngày 29.12.2016 người dân mới nhận được bản sao y này mà không có đính kèm bản danh những người bị thu hồi đât… Quyết định UBND Tỉnh ký ngày 19.1.2006 mà căn cứ luật đất đai năm 2003, lấy Nghị định 22 của năm 1998 làm cơ sở thu hồi đất… Người dân không đồng ý vì lợi cho Khu Công nghiệp, bất lợi cho người dân…”. Cứ như thế, anh thao thao bất tuyệt như một luật sư trong khi vẫn còn đang đi chân trần.
Quả thật, sau 13 năm đi khiếu nại lang bạt kỳ hồ, người nông dân nào ở đây cũng… “am hiểu pháp luật” để lấy nó làm cơ sở, cãi cho chính mình. Tuy nhiên, sau một hồi nghe những “luật sư chân đất” này biện giải, chúng tôi phải cố gắng lắm mới lờ mờ hiểu được rằng: Chắcchắn có một cái gì đó khuất tất trong vụ việc, chắcchắn có một cái gì đó bất hợp lý đối với họ, khiến họ chưa thỏa lòng, dù họ chỉ là những nông dân chân chất. Và, chắc chắn là những nông dân này đang cảm thấy rất oan ức.
Trời càng về chiều, những nông dân kéo đến càng nhiều, mỗi người một hoàn cảnh như: Anh Trần Văn Bé (SN 1956), là bộ đội, có 13 năm tuổi Đảng, bị khai trừ Đảng năm 2005 với lý do… không chấp hành giao gần 4.000m2 đất của mình. Con của anh cũng không được gia nhập Đảng vì cha chống lại quyết định thu hồi đất; Chị Bùi thị Bích Nhiên (SN 1964), có hơn 4.000m2 đất cặp cầu Cần Thơ, chưa chịu nhận tiền đền bù, chưa có Quyết định cưỡng chế, nhưng nhà chị đang ở đã bị Công ty Hoàng Quân bơm cát san lấp ngập đến bụng, 4 công bưởi chết hết, không thu lại được một cây củi nào. Chồng chết, 3 đứa con dại, chị Khiêm giờ ra ngoài lộ dựng chòi ở tạm suốt 5 năm nay, cứ hễ trời mưa gió là chị lại ngồi niệm… Phật.
Chị Bùi Thị Bích Nhiên (SN 1964) chỉ căn chòi dựng tạm ngoài lộ mà chị đang ở cùng 3 con trong suốt 5 năm nay
Gia đình 2 chị em sinh đôi Nguyễn Thị Tòng, Nguyễn Thị Bá cùng sinh năm 1932, không chồng con, không người chăm sóc, bị áp giá đền bù hơn 400 triệu đồng cho tất cả nhà, đất, mồ mả ông, bà… bây giờ 2 bà già này đã hơn 85 tuổi, không đi lại được nữa, chỉ nằm một chỗ trong ngôi nhà xưa, tiếp tục khiếu nại…
Vâng, dù cho có hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều có chung một nỗi niềm: là những nông dân bị mất đất, đang cảm thấy bị oan ức và quyết tâm bám giữ lấy mảnh đất của ông cha để lại.
Sóng trên dòng sông Hậu vỗ oàm oạp vào đôi bờ, lặng lẽ bồi đắp phù sa như vẫn thế từ bao đời qua. Những người nông dân nhìn dòng sông rồi quay lại nói với chúng tôi: “Mai mốt nhà báo về đây nữa thì chắc không còn con cá ngon để bắt đãi nhà báo…”.
Có lẽ như thế thật, dòng phù sa vô tận của sông Cửu Long đã từ lâu không còn là nguồn sống chính cho những vườn cây trái ven bờ trên mảnh đất này. Mai đây, giả sử những nhà máy, xí nghiệp có mọc lên trên mảnh đất màu mỡ này, thì phù sa càng trở nên vô nghĩa hơn đối với các khối nhà toàn bê tông.
Với cái kiểu quản lý đầy sơ hở như chúng ta vẫn thấy phô bày đó đây trên mặt báo hiện nay, ai dám đảm bảo rằng trong số những nhà máy sẽ hoạt động trên bờ sông Hậu đó, không có vài nhà máy lặng lẽ, lén lút xả thải chưa qua xử lý vào dòng sông mà “không bị phát hiện”? Và khi đó, con cá, con tôm có còn sống nổi nữa không, để người dân sông nước xem nó như một đặc sản đãi khách thành phố về chơi?
Ai là người được lợi?
Chúng tôi ra về khi trời chạng vạng chiều, KCN Bình Minh đã hoang vu, lại càng vắng lặng đến ghê sợ. Cỏ mọc hỗn loạn mênh mông bên những con đường nhựa loang lổ, vỡ nát vì xuống cấp. Gió thổi u u luồn qua những ngôi nhà thô, không cửa, không người… Dạo một vòng trong KCN, chúng tôi chỉ thấy những chú trâu, bò đang lặng lẽ gặm cỏ, như nhắc nhở rằng đây đã từng một thời là mảnh đất nông nghiệp trù phú, đem lại hàng ngàn tỉ đồng cho mỗi vụ mùa bưởi bội thu.
Trâu, bò gặm cỏ trên những bãi đất trống trong Khu công nghiệp Bình Minh
Ở một số nước, trong đó có Nhật, một quốc gia có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, chính quyền chỉ lấy những vùng đất hoang vu, khô cằn, sỏi đá, không thể phát triển nông nghiệp được để quy hoạch thành những khu công nghiệp. Người ta quý đất nông nghiệp như vàng, nhất là những vùng đất màu mỡ phù sa, những vùng trồng cây đặc sản vì không phải ở đâu cũng có được lợi thế này. Những sản phẩm nông nghiệp, nhất là đặc sản, ở các quốc gia phát triển này được chăm chút, đầu tư kỹ lưỡng và có vị thế chẳng hề kém cạnh hàng công nghiệp trên thương trường quốc tế…
Thế mà, tại tỉnh Vĩnh Long, có một vùng đất đã từng trù phú, cây trái bạt ngàn, đang dần trở nên hoang hóa. Cứ cho rằng kế hoạch biến vùng bưởi Năm Roi thành KCN Bình Minh của Tỉnh Vĩnh Long là đã được nghiên cứu, cân nhắc kỹ trước khi thực hiện một cách “đúng chủ trương, đúng quy trình” đi, vậy thì kết quả nó đem lại cho tỉnh nhà, cho người dân tại chỗ, nằm ở đâu? Chẳng lẽ 13 năm không đủ để hiện hình một kết quả, dù chỉ là những dấu hiệu sơ khai?
Thế mạnh, phát triển đâu chúng tôi chưa thấy, người nông dân cư ngụ bao đời trên mảnh đất này cũng không thấy. Bây giờ, dù có nhìn ở góc độ nào cũng chỉ thấy mảnh đất được quy hoạch thành KCN Bình Minh đang phô bày hậu quả về những thiệt hại trên các mặt:
Cả một vùng đất rộng lớn chẳng mang lại lợi ích nào đáng kể cho việc góp phần vào sự phát triển nền kinh tế chung của tỉnh Vĩnh Long; những người nông dân đang mỏi mòn, kêu gào nỗi oan khuất của mình, sống lay lắt trên mảnh đất ông cha họ khai phá, để lại; chủ đầu tư KCN không thể lấp đầy được KCN với các nhà máy, không hình thành được dãy phố thương mại sầm uất, văn minh, hiện đại như dự kiến; cả một KCN rộng lớn hàng trăm hecta đất chỉ có vài nhà máy hoạt động trong suốt 13 năm, lãng phí quĩ đất một cách khủng khiếp; chính quyền tỉnh thì bị dân khiếu kiện miệt mài…
Hàng trăm căn nhà do công ty Hoàng Quân xây dựng, không người ở như thế này từ nhiều năm nay
Bỏ qua những tập hồ sơ dày cộp với những kế hoạch vĩ mô, vi mô, quy trình thực hiện... tất cả mọi người không có liên quan đến việc hoạch định, thực thi dự án này chỉ muốn nhìn sự việc theo một cách giản đơn, ai cũng hiểu: Thực hành và kết quả. Nếu kết quả tốt cho mọi người, cho đất nước, thì người ta cho đó là đúng, còn ngược lại là sai, thế thôi! Nếu kết quả là sai, thì chẳng có tập hồ sơ nào có thể biện minh cho cái sai ấy…
Cái sai, có thể dùng ngôn từ để ngụy biện là… chưa đúng, như một số người vẫn làm. Nhưng, tới bao giờ thì mới… đúng? Cái chưa đúng, nếu kéo dài đến một thời gian “không hứa trước được”, thì đã có thể tạm xem như đó là sai. Vậy nếu đó là sai, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho cả một quãng thời gian dài ấy, cho quá khứ, hiện tại và cả tương lai?
Có quá nhiều KCN được lập ra trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước trong suốt mấy chục năm qua. Thế nhưng, đến nay chúng ta vẫn còn là một nước có nền công nghiệp chưa phát triển bởi những KCN không ra hình ra dáng như KCN Bình Minh, và nền sản xuất nông nghiệp thì lạc hậu, manh mún…
Ông Trần Văn Tây - Phó Chủ nhiệm HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa - nói: “Mỗi héc ta đất trồng bưởi, nhà vườn lãi khoảng 150 triệu đồng/năm. Mỗi gia đình ở Mỹ Hòa chỉ cần vài công đất là sống sung túc với cây bưởi”. Tính ra, chỉ trong vòng 13 năm qua, nông dân Mỹ Hòa đã mất nhiều nghìn tỉ đồng tiền lãi từ 1.400 ha đất lẽ ra là trồng bưởi.
1/ Bà Huỳnh Anh Nga, nguyên là cán bộ Thành ủyTP.HCM (SN 1938, con ruột bà Võ Thị Kinh, đã chết).
2/ Bà Phan Thị Tuyết (SN 1929, đời thứ 5 ở mảnh đất này, con ruột bà Võ Thị Son, đã chết).
3/ Bà Huỳnh Thị Nghĩa (SN 1957).
4/ Ông Trần Văn Thẻ (SN 1954).
5/ Ông Trần Văn Bé (SN 1956).
6/ Ông Huỳnh Ngọc Hiệp (SN 1964)
7/ Bà Nguyễn Ý Nguyện (SN 1957, nguyên Phó Giám đốc sở KHCN Cần Thơ) và ông Nguyễn Phương Dũng (SN 1961, Cán bộ kỹ thuật Công ty thuốc thú y Cần Thơ). Hai người này là con ruột bà Võ Thị Nguyên (SN 1918, chết năm 2004).
8/ Bà Bùi Thị Bích Nhiên (SN 1964).
9/ Bà Võ Thị Tòng (SN 1932).
10/ Bà Võ Thị Bá (SN 1932).
11/ Ông Huỳnh Văn Hùng (SN 1964, con liệt sĩ).
12/ Ông Tôn Văn Nguyên (SN 1928).
13/ Bà Lâm Thị Nết (SN 1940).
14/ Bà Nguyễn Thị Mỹ Hòa (SN 1956).
Tất cả những người dân này, người thì bị mất vài trăm mét đất, người thì bị mất vài nghìn mét, người bị mất đến cả chục nghìn mét đất. Nếu không bị mất đất vì dự án KCN Bình Minh, dù kẻ ít hay người nhiều đất, họ vẫn có một cuộc sống an bình với vườn cây ăn trái xanh mát bên bờ sông Hậu. Còn bây giờ, những nông dân này chẳng biết cuộc sống mai sau sẽ ra sao với số tiền đền bù ít ỏi mà họ sẽ nhận được từ Ban đền bù, giải phóng mặt bằng của Dự án…
Một trong những loại cơ cấu ở Việt Nam được sử dụng rộng rãi nhất là tỷ trọng của giá trị tăng thêm của các ngành chiếm trong GDP, và cơ cấu của nhóm ngành nông nghiệp cứ phải giảm dần trong khi nhóm ngành công nghiệp và dịch vụ cứ phải tăng thì mới là hay, là tốt.
Các địa phương thi nhau làm theo “khẩu hiệu” này và các khu chế xuất, khu công nghiệp, sân golf mọc lên như nấm sau mưa mà không cần quan tâm đến hiệu quả kinh tế của nó, cứ miễn sao trong báo cáo cuối năm cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng như trên là được. Với định hướng như vậy, việc mất đất nông nghiệp là đương nhiên, và tỷ trọng các nhóm ngành nông nghiệp trong GDP giảm cũng là việc hiển nhiên.
Số liệu cho thấy, tính đến hết tháng 6.2017, cả nước có 325 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 94.900 héc ta, trong đó, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 64.000 héc ta, chiếm khoảng 67% tổng diện tích đất tự nhiên của các khu công nghiệp.
Tính toán từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam năm 2007 và 2012 cho thấy cấu trúc kinh tế tổng quát của giai đoạn 2007-2012 và giai đoạn 2012-2017 không thay đổi nhưng mức độ kém hiệu quả tăng lên, nhóm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo trong cả hai giai đoạn đều là nguyên nhân của bất ổn kinh tế và môi trường.
Tỷ lệ giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất của nhóm ngành này giảm gần 10 điểm phần trăm trong vòng 10 năm; cầu cuối cùng của nhóm ngành này lan tỏa thấp nhất đến giá trị gia tăng, nhưng lại sử dụng nhiều năng lượng nhất, thải ra môi trường khí nhà kính (GHG) nhiều nhất và kích thích nhập khẩu nhiều nhất; xuất khẩu của nhóm ngành này dường như là xuất khẩu hộ nước khác, theo phân ngành chuẩn của Liên hiệp quốc thì công nghiệp chế biến của Việt Nam là rất ít mà cơ bản là dịch vụ công nghiệp (cơ bản gia công).
Việc khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên như nấm có thể góp phần làm cấu trúc về vùng và ngành lệch lạc. Bảng dưới đây cho thấy các yếu tố của cầu cuối cùng như tiêu dùng cuối cùng, đầu tư và xuất khẩu đều lan tỏa đến thặng dư kém hơn hẳn giai đoạn trước.
Gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nâng cấp từ các khu công nghiệp, khu chế xuất theo kiểu “lẩu thập cẩm” giữa mô hình đặc khu hành chính, kinh tế Trung Quốc và Hàn Quốc mà không có một nghiên cứu cơ bản. Khi xét đến cấu trúc kinh tế vùng, cần dựa trên các nguyên tắc khoa học về vùng.
Một trong những phương pháp được nhiều nước tiên tiến sử dụng đó là phân tích ảnh hưởng liên vùng, để xem xét vùng nào có lợi thế về cái gì; ngành kinh tế nào có độ lan tỏa đến bản thân vùng đó và các vùng khác của đất nước ra sao; mức độ ảnh hưởng của vùng đó đến nền kinh tế chung thế nào; ảnh hưởng về môi trường đến nội vùng và ngoài vùng tới đâu... Điều này hoàn toàn khác với ý niệm một chủ trương ở cấp quốc gia được mang rập khuôn cho các tỉnh hoặc vùng như hiện nay.
Khi đưa ra những chính sách ưu tiên đặc biệt cho vùng nào đó, cần biết những ảnh hưởng của vùng đó đến nền kinh tế chung có tương xứng với những ưu tiên mà vùng đó được hưởng hay không.
Bùi Trinh (Thời báo kinh tế Sài Gòn)