Quê hương Quảng Bình đầu năm 1988 vùng IV Hải quân tuyển chọn hơn 300 người lính. Một ít trong số đó được điều động học tập huấn luyện nhiệm vụ khác, đa phần lên các tàu ra với Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao và có mặt ở trận hải chiến ngày 14.3.1988. Đây là vùng quê có nhiều chiến sĩ hy sinh nhất trong cuộc hải chiến máu lửa đó với mười ba liệt sĩ, đây cũng là vùng quê có nhiều người tham gia giữ đảo nhất khi trận chiến bảo vệ cương vực biển đảo diễn ra trước họng súng Trung Quốc.
Kỳ 1: Người về từ Gạc Ma
Tháng năm tù đày
Tây Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) xa tít trên vùng núi, đây là xã có số người lính đứng chân ở Gạc Ma nhiều nhất với 8 quân nhân, xã Hoàn Trạch giáp ranh có 6 người. Sau 30 năm cuộc chiến đi qua, anh Lê Văn Đông ở thôn Rẫy đang lần giở lại những gì mình có, gồm cả giấy báo tử, Huân chương chiến công hạng ba... sau khi trở về từ nhà tù Trung Quốc.
Trở về từ Tây Trạchchốntù đày
Trở lại ngày cuộc chiến, khi chiếc tàu 604 bị bắn chìm, trên tàu với chừng 120 người thì có gần 100 người lính quê Quảng Bình. Cựu binh Lê Văn Đông nói: “Tàu Trung Quốc bắn dồn dập pháo hạng nặng, trong khi phía ta không bắn trả lại mà một lòng cần cắm cờ, cắm mốc chủ quyền lên đảo Gạc Ma, và cuộc chiến đó thật sự là thảm sát”. Tàu chìm, Đông vớ được mảnh ván công trình, lênh đênh trên đó đến cuối giờ chiều, tàu Trung Quốc chạy ngang đã bắt giữ, trói gô lên tàu. Cùng bị bắt với Đông có thêm hai đồng hương Bố Trạch, Mai Văn Hải (Liên Trạch), Nguyễn Văn Thống (Nhân Trạch). Trên tàu Trung Quốc còn có 6 đồng đội ở các miền quê khác.
Mai Văn Hải nói về sự đối đãi bữa đầu tiên rằng: “Chúng tôi bị bắt lên tàu, trói gô lại, đoạn phim công bố trên mạng có hình ảnh người lính không quần, bị trói đó chính là tôi chứ không phải ai khác. Bữa đầu tiên, một cái cốc thủy tinh rất to nhưng chúng rót ở đáy cốc chưa đầy đốt tay nước và cho anh em chúng tôi chia nhau trong 9 người, mỗi người chỉ dám thấm môi để còn nhường cho đồng đội”. Lê Văn Đông kể về những tháng ngày đầu tiên bị tù đày ở bán đảo Lôi Châu: “Chúng nhốt chúng tôi biệt lập mỗi người một phòng trong căn nhà tầng hai. Hai tháng đầu tiên cứ đến sáng, chiều là dựng dậy hỏi cung, hỏi về việc ai chỉ huy, quân số bao nhiêu, vũ khí loại gì, chúng tôi đều nói không biết, vì lính là không biết gì ngoài nhiệm vụ được giao là bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chừng một năm rưỡi, lính canh mở cửa phòng giam ra ngoài hành lang tắm nắng. Bữa đầu tiên, nhìn thấy anh em, ai cũng mừng mừng, tủi tủi, nhưng lính canh chúng không cho anh em nói chuyện, chỉ nhìn nhau mà biết là còn sống, không ai bị mất trong số 9 người”. Anh Mai Văn Hải nói về ăn uống: “Bữa sáng là miếng bánh mì, nước gạo nhạt lắm, không có tí muối nào cho mặn mà, tôi suốt năm ăn nhạt thế nên như phù thủng vì thiếu muối, trưa tối vẫn có cơm nhưng không đảm bảo, vì tù đày là thế, cực khổ trăm bề”.
Trở về sau giấy báo tử
Trước khi lên đường nhập ngũ, Lê Văn Đông đã tổ chức cưới vợ, sau đêm tân hôn đã khoác ba lô theo đơn vị. Trận chiến diễn ra vào ngày 14.3.1988, cuối năm đó giấy báo tử được gửi về quê hương Tây Trạch. Chị Nguyễn Thị Thương, vợ Đông như chết đứng với đứa con đỏ hỏn trên tay. Thương nói: “Nhận giấy báo tử tui suy sụp tinh thần, bọ mạ (cha, mẹ) bên chồng tuyệt vọng vô cùng, nhưng trong cái tuyệt vọng đó, cứ nhìn vào mặt con mà lấy được chút ít hy vọng của cái tuyệt vọng cùng cực”. Bố anh Đông, ông Lê Văn Bố (73 tuổi) hồi tưởng lại: “Ngày nhận giấy báo tử, chính quyền địa phương cùng huyện đội cử cán bộ đến thông báo, đau thương vô cùng, mấy đứa em hắn khóc như ri, mạ hắn ngất lên ngất xuống, còn tui thì bỏ bê đồng áng, mấy đứa trong đơn vị hắn cứ lần lượt trở về làng, về xã còn hắn thì tui nhận giấy báo tử, hụt hẫng vông cùng”.
Mai Xuân Hải với tấm bằng Huân chương chiến công hạng 3 với thành tích: “Đã có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa” của Chủ tịch nước Võ Chí Công ký tặng”, đây là tấm bằng rất hiếm thấy
Không chỉ riêng gì Đông, Mai Văn Hải, Nguyễn Văn Thống cũng có “giấy báo tử” về phía gia đình. Bố mẹ Đông thì còn muốn không tin con mình đã chết nên chưa lập trang thờ, vẫn đi xem bói để bám víu vào điều dị đoan nhằm nhen lửa hy vọng là con vẫn sống. Bố mẹ của Hải, Thống đã bày biện trang thờ, và lấy ngày nhận “giấy báo tử” là ngày cúng giỗ, các đơn vị làm chế độ liệt sĩ cho họ để chuyển về gia đình. Trong quân cảng Cam Ranh, ở đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận chiến ngày 14.3.1988 có tên của cả Đông, Hải, Thống. Năm 2012, khi làm mới bia tưởng niệm, người từ Cam Ranh đã ra Bố Trạch xin phép được xóa tên 3 người lính này khỏi tấm bia đó và họ đồng tình.
Trong tù đày đúng 3 năm, 5 tháng, 15 ngày, Đông cùng đồng đội được trao trả lại về quê hương qua con đường ngoại giao. Đông nhớ rõ đến ngày tháng, là bởi trên vách tường phòng giam, mỗi ngày đi qua, Đông vạch lên phía góc tường một vết vẽ hằn sâu để đếm tháng ngày “nếm mật nằm gai”. Bữa đoàn tụ, cả ba người bất ngờ xuất hiện ở làng, thôn Rẫy ngày đó như hội, ông Lê Văn Bố nói: “Tui đang chự trâu ngoài đồng, đó là đầu năm 1991, vừa xong Tết, hắn về, cả làng đi tìm tui, rứa là tui quất trâu phi nước đại về nhà, ôm con mà bọ khóc. Khi hắn chưa về tui không khóc, nhưng hắn về tui mới khóc vì nỗi thương con trai tráng tù đày. Nhà nghèo lắm, nhưng tui cũng bán thóc, vay mượn mua ba phong pháo thật to đốt rồi xóm làng mở cơm ăn mừng hắn”. Phía Liên Trạch, Mai Văn Hải trở về hóc núi, căn nhà xưa còn đó, người làng quây quần đông đúc, người nắm tay, kẻ day má xem có là người thật hay “ma”. Mỗi người góp ít gạo nếp, cùng gia đình mở cỗ mừng đứa con của làng trở về. Phía biển Nhân Trạch, anh Thống cũng được đón tiếp bởi vòng tay yêu thương.
Sau ngày đoàn viên
Thế nhưng sau bữa đoàn viên, những người anh hùng trong ánh mắt dân làng phải hứng chịu bao nghiệt ngã của số phận. Có những người lính hiện đã mất trong cảnh nghèo khó, như anh Dương Đình Lê ở Tây Trạch, mất vì bệnh ung thư, để lại vợ cùng 3 đứa con thơ dại, tuổi ăn tuổi học, đứa nào cũng học giỏi, được vào đội tuyển thi tỉnh, thi huyện, chị Dương Thị Sen phải làm thuê đủ nghề để nuôi con theo chữ. Anh Nguyễn Văn Hải, ở Liên Trạch, vừa mất, để lại vợ và 4 đứa con thơ côi cút giữa cảnh khó khốn tứ bề.
Tấm bằng Huân chương chiến công hạng ba của những người anh hùng năm xưa đã nhàu ố, họ trở lại cuộc sống với bao khắc nghiệt bể dâu.
Riêng Mai Văn Hải, rồi Đông, anh Thống trở về với tấm bằng Huân chương chiến công hạng ba với lời phê: “Đã có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa” của Chủ tịch nước Võ Chí Công. Mọi người lao vào cuộc sống mưu sinh, trằn lưng xóa đói giảm nghèo. Một số trong đó có cuộc sống khấm khá, nhưng đa phần họ không thoát được phận nghèo trên chính quê hương mình.
Mai Văn Hải, sau ngày vui vầy, đã lập gia đình, có 4 người con, nhưng gia đình khó khăn, chúng lần lượt bỏ học kiếm kế mưu sinh, chỉ còn đứa út đang được học ít chữ nghĩa. Số phận của anh quá nghiệt ngã, mỗi năm đau ốm mất 8 tháng ở viện, vợ phải ngày ngày trở thành tiều phu hái củi trên núi xuống chợ bán ít tiền lẻ mua thuốc cho chồng. Trong người anh hiện còn 8 mảnh đạn do di chứng cuộc chiến để lại, trái gió trở trời phải một tay vợ chăm. Anh muốn làm cho mình cái chứng nhận thương binh, hoặc thương tật nhưng xã cứ làm khó bao nhiêu năm khiến anh tủi phận, vợ anh chị Đinh Thị Diện nói: “Họ thương binh giả nhưng hưởng ưu đãi thật, còn anh Hải mảnh đạn còn trong người nhưng không làm được chi, nhà nghèo quá mà không có tiền chạy chọt nên đành chịu cảnh khổ hèn ri chú à”, đã thế, người đời có kẻ còn ác mồm hơn khi nói anh là “đặc tình Trung Quốc” cài cắm, khiến đời anh thêm nghẹn đắng.
Nay lời dị nghị ấy đã đi qua nhưng cái ám ảnh một thời vẫn cứ đeo đẳng. Họ vẫn khó khăn.
Quốc Nam
(còn tiếp)