Một chuyên gia về chính trị Trung Quốc nói: Tướng không quân 4 sao Hứa Kỳ Lượng là một người tâm phúc của Chủ tịch Tập Cận Bình, và quan hệ giữa ông giống như là người cùng một nhà.

Kỳ 2: Tướng Hứa Kỳ Lượng là thế lực đứng sau để ông Tập củng cố quyền lực

04/07/2018, 14:44

Một chuyên gia về chính trị Trung Quốc nói: Tướng không quân 4 sao Hứa Kỳ Lượng là một người tâm phúc của Chủ tịch Tập Cận Bình, và quan hệ giữa ông giống như là người cùng một nhà.

Ông Tập và tướng Hứa trong một cuộc thị sát quân đội - Ảnh: Hoàn cầu thời báo

Chuyến đi Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vào lúc Trung Quốc bước sang năm thứ sáu của chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ đập ruồi”, do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động.

Cánh tay phải của ông Tập xử lý các đối thủ tiềm năng trong PLA

Theo Washington Free Beacon, Tướng Hứa được xem là cánh tay phải của ông Tập, và Tướng Hứa là một thế lực đứng sau việc ông Tập củng cố quyền lực.

Từ khi trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) hồi năm 2012, ông Tập thu hầu hết quyền lực vào tay mình, và Tướng Hứa nắm gần trọn quyền kiểm soát PLA suốt 7 năm qua, ở vị thế Phó chủ tịch CMC kể từ tháng 3.2013.

Nhiều năm trước, hai ông Tập-Hứa đứng sau hậu trường để chuẩn bị cuộc “đả hổ đập ruồi”, nhằm củng cố quyền lực và loại bỏ các đối thủ tiềm năng.

Hàng ngàn đảng viên CPC gồm các lãnh đạo cấp cao Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai đều bị bắt và bị tuyên án tù. Ít nhất 60 tướng và nhiều sĩ quan cấp thấp của PLA cũng bị bắt, bị tuyên án và bị khai trừ đảng cũng như bị sa thải.

Một chuyên viên về chính trị Trung Quốc, nói Tướng Hứa được ông Tập tin cẩn nhất, nên “tất cả các vụ bắt sĩ quan cấp cao đều từ ông Hứa gợi ý với Chủ tịch CMC”.

Tướng Hứa được ghi nhận chuẩn bị kỹ cho việc bắt giữ các sĩ quan cấp cao, bằng việc trước tiên điều tra để biết ai trong hàng ngũ PLA cấp cao sẽ ủng hộ, nhưng nhất là để biết ai sẽ chống việc bắt giữ này.

Vụ thất sủng đáng kể nhất là Tướng Từ Tài Hậu, cựu Phó chủ tịch CMC và cựu Ủy viên Bộ Chính trị CPC. Từ bị buộc tội tham nhũng nhưng chết trong nhà tù vì bệnh ung thư bàng quang, trước khi ông bị đưa ra tòa xét xử.

Trong cuộc củng cố quyền lực của ông Tập, một cựu Phó chủ tịch CMC khác là Tướng Quách Bá Hùng cũng bị bắt và đã nhận phạm tội ăn hối lộ 10 triệu USD của các sĩ quan “chạy” cấp hàm.

Báo Washington Free Beacon nêu tổng cộng 13.000 sĩ quan PLA bị kỷ luật, và có 80% sĩ quan PLA lần đầu được cử dự Đại hội CPC hồi tháng 10.2017.

Cuộc kỷ luật PLA cũng gây ra sự chia rẽ và bất mãn ở nhiều người không thuộc cánh quân đội, nhưng là thành viên của giai cấp lãnh đạo. Tại Trung Quốc có những bè phái quyền lực, giàu có nhờ lập quan hệ chính trị với các tướng lĩnh.

Vì thế, việc loại bỏ các lãnh đạo quân sự cấp cao tạo ra sự bất mãn và có nguy cơ bùng phát sự chống đối chính trị.

Các nhà phân tích nói những vụ kỷ luật khiến PLA ngày càng bất ổn, với ngòi nổ là nội bộ PLA bất mãn kết hợp với tính chất căng thẳng quân sự tại khu vực.

Ông Michael Pillsbury, một chuyên gia về quân sự Trung Quốc, nói: “Ngày càng có nhiều dấu hiệu bất ổn ở PLA, và đó là các thách thức mới không chỉ cho Mỹ, mà cho cả thế giới”.

Ông Tập và Tướng Hứa ngán nhất cựu binh Trung Quốc bất mãn

Ông Tập và Tướng Hứa còn được cho là rất sợ những bất đồng nội bộ trong PLA, về việc Trung Quốc cố kiểm soát Biển Đông, và lo sợ tác động chính trị từ sự chia rẽ trong PLA, về cách xử lý chiến dịch gây sức ép ngoại giao-quân sự với Đài Loan.

Hai ông Tập-Hứa lo sợ nhất là 57 triệu cựu binh PLA gây loạn. Trong 7 năm qua, hàng ngàn cựu sĩ quan và lính quèn đã xuống đường biểu tình, đòi phải được hưởng lương hưu tốt hơn và đòi chính quyền không được mạnh tay với cựu binh bất mãn.

Nhiều ngày trước khi chiếc máy bay quân sự E-47 (dùng để kiểm soát-chỉ huy chiến tranh hạt nhân) chở cựu tướng Mỹ Mattis đáp xuống sân bay Bắc Kinh ngày 26.6, hàng ngàn cựu binh PLA đã có 5 ngày biểu tình phản đối ở thành phố Trấn Giang thuộc tỉnh Giang Tô (miền đông Trung Quốc).

Họ bất mãn vì không được hưởng quyền lợi hưu trí tốt, lại còn bị công an tỉnh đàn áp, đánh đập khi muốn giải tán đoàn người biểu tình.

Theo Washington Free Beacon, khoảng 10.000 cựu binh đã bị nhốt, vì chính quyền không muốn cuộc nổi loạn ở Trấn Giang lan đến Bắc Kinh, và nhất là sợ xảy ra sự phản đối ngay trước nhà khách Bát Nhất đúng lúc ông Mattis đến đây (gặp Tướng Hứa và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa) sẽ phá hỏng kế hoạch Trung Quốc là tổ chức một chuyến thăm “thành công mỹ mãn”.

Đặc quyền của lãnh đạo quân ủy trung ương Trung Quốc

Tờ báo Mỹ còn viết các ông Tập-Hứa đều có những văn phòng hạng sang ở các tầng trên cùng của Nhà khách Bát Nhất (1.8 là ngày thành lập PLA), và từ văn phòng của họ có thang máy dành riêng để họ xuống hệ thống đường sắt cao tốc ngầm dành riêng cho lãnh đạo Trung Quốc đến các trung tâm chỉ huy ở khu ngoại ô Bắc Kinh).

Hệ thống đường sắt bí mật này được đào sâu dưới đất, được xây thật chắc để không bị tấn công hạt nhân và gần đây tăng từ 2 lên 4 làn. Đoàn tàu được dùng để chở các lãnh đạo chính trị-quân đội đến các trung tâm chỉ huy ngầm và bí mật “Những ngọn đồi tây” của PLA.

Theo Washington Free Beacon, ở Trung Quốc, sự tiến thân trên đường quan lộ đi kèm với những lợi ích tài chính, và PLA tham nhũng tràn lan, các sĩ quan cấp cao thường dùng quyền để vơ vét tài sản cho bản thân, gia đình và người thân. Tiền có được thường được chuyển vào tài khoản ngân hàng hoặc mua nhà cửa ở nước ngoài.

Tờ báo Mỹ khẳng định trong binh nghiệp, Tướng Hứa có được khối tài sản khủng cho bản thân và gia đình, nhờ triệt để khai thác mối quan hệ thân cận với ông Tập và gia đình ông Tập.

Tướng Hứa còn bị cho là cặp bồ với nhiều nữ ca sĩ, diễn viên nổi tiếng người Trung Quốc. Một lý do ông tích cực xử kỷ luật các sĩ quan PLA: để giấu kín chuyện lăng nhăng của ông, bên cạnh việc loại bỏ các đối thủ của ông Tập và của ông.

Hiện nay, không có dấu hiệu nào cho thấy các lãnh đạo PLA tính chuyện chống Tướng Hứa, sợ bị trả thù nếu họ vạch trần chuyện ông tham nhũng, lăng nhăng.

Vẫn theo Washington Free Beacon, như nhiều tướng vừa được ông Tập cất nhắc để thay các tướng bị kỷ luật, Tướng Hứa là người chống Mỹ kịch liệt, vì lý do chuyên môn lẫn riêng tư: như nhiều lãnh đạo quân sự Trung Quốc, ông có nhiều người thân, nhưng vì ông ghét Mỹ, họ được lệnh phải chuyển qua sống ở Hồng Kông, Úc và Anh.

Vĩnh Thụy (theo Washington Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
11 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 2: Tướng Hứa Kỳ Lượng là thế lực đứng sau để ông Tập củng cố quyền lực