Theo báo Washington Free Beacon ngày 2.7, khi vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có chuyến thăm Bắc Kinh tuần trước, Tướng 4 sao thủy quân lục chiến Mỹ James Mattis không hề nhượng bộ trước tuyên bố “Biển Đông là của Trung Quốc” của tướng không quân 4 sao Hứa Kỳ Lượng.
Chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Mattis vào lúc Mỹ-Trung căng thẳng vì chuyện Bắc Kinh dàn tên lửa trên đảo nhân tạo xây trái phép trên Biển Đông.
Tướng Mỹ không muốn là bạn tốt của Trung Quốc
Trước đó vào cuối ngày 27.6, ông Mattis gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và vị Chủ tịch Ủy ban quân ủy trung ương (CMC) tuyên bố “Trung Quốc sẽ không chịu mất một tấc đất nào - ở Biển Đông hoặc bất kỳ nơi nào khác - mà tổ tiên đã truyền đời cho con cháu”.
Qua sáng 28.6, Tướng Hứa, Phó chủ tịch CMC, đón tiếp ông Mattis tại nhà khách Bát Nhất của Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Các quan chức quốc phòng Mỹ nói cuộc gặp giữa hai tướng Hứa-Mattis bắt đầu bằng việc ông Hứa trích dẫn một tuyên bố chống Mỹ, nhưng sau đó ông chuyển qua nói chuyện vui vẻ.
Tờ Washington Free Beacon thuật rằng Tướng Hứa cười và nói: “Tôi tin hai chúng ta có thể trở thành bạn tốt”.
Nhưng vị cựu tướng 4 sao Mỹ dày dạn kinh nghiệm chiến trường và ăn nói thẳng thừng, đã đáp lại: mục đích chuyến thăm Bắc Kinh của ông là về các quyền lợi chiến lược của Mỹ, chứ không kiếm bạn mới, bạn tốt.
Ông Mattis còn phát thông điệp rõ ràng, rằng các bất đồng giữa hai thế lực quân sự mạnh nhất thế giới phải được điều hành cẩn trọng, nếu không thì Mỹ-Trung có thể đối mặt một cuộc chiến tranh thảm họa.
Trong cuộc gặp ông Mattis, Tướng Hứa tuyên bố các đảo nhân tạo (Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông) và các bãi san hô đang và sẽ mãi thuộc về Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã luôn nói việc quân sự Mỹ-Trung cần đối thoại thẳng thắn, vì đó là cách tránh các “tính toán sai” trên Biển Đông cùng các nơi khác tại khu vực này.
“Tính toán sai” là một uyển ngữ, dùng để chỉ khả năng xảy ra sự cố bắn nhau, hoặc va chạm quân sự có thể dẫn đến một cuộc xung đột lớn hơn.
Tờ báo viết Mỹ ngại các lãnh đạo quân sự Trung Quốc không hề được trải nghiệm chiến đấu, nhưng lại cho phát triển các loại vũ khí công nghệ cao, khiến càng tăng nguy cơ một chỉ huy quân sự địa phương Trung Quốc quá hăng nên hành động ẩu, điều sẽ vô tình đẩy hai thế lực hạt nhân lao vào đánh nhau.
Nguy cơ phát động một cuộc chiến tranh có thể gồm tên lửa chống hạm Trung Quốc tấn công một tàu chiến Mỹ tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông, hoặc tên lửa phòng không của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) bắn một máy bay tuần tra biển của Mỹ ở vùng biển này.
Ngày 29.6, ông Mattis đến Nhật, nói: “Quan hệ Mỹ-Trung sẽ được xác định bằng khả năng cùng tồn tại theo cách tranh đua. Chúng tôi tìm sự hợp tác ở bất kỳ nơi nào và bất kỳ khi nào, và chúng tôi sẽ tranh đua quyết liệt nếu buộc phải thế”.
Ông Mattis “đá xoáy” PLA không có kinh nghiệm chiến đấu
Theo Washington Free Beacon, cách Trung Quốc tổ chức chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis cũng cho thấy Bắc Kinh ưu tiên cho quan hệ với quân sự Nga.
Tướng Hứa được ông Tập ra lệnh thúc đẩy quan hệ quân sự Trung-Nga, nhiều lần tổ chức các cuộc gặp giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Trung-Nga, các ông Ngụy Phụng Hòa và Sergei Shoigum, tại các tư dinh ở vùng núi Nga của ông Shoigu.
Lẽ ra ông Mattis đến Bắc Kinh hồi tháng 3.2018, nhưng chuyến thăm bị hủy vì Tổng tham mưu trưởng PLA, Tướng Phòng Phong Huy bị sa thải và bị buộc tội nhận hối lộ.
Trung Quốc báo ông Mattis biết chuyến thăm của ông bị hủy, vì cần thời gian để ông Ngụy tiếp nhận chức Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc.
Nhưng các nguồn tin tình báo châu Á nói lý do thật: Ông Ngụy phải thăm Nga trước đã. Và Trung Quốc muốn trì hoãn chuyến thăm của ông Mattis cho đến khi PLA hoàn tất khâu triển khai quân nhân và khí tài ở Biển Đông.
Tướng Phòng từng gặp ông Mattis khi ông Tập có cuộc gặp thượng đỉnh tại tư dinh của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở bang Florida. Lúc đó, Tướng Phòng hỏi ông Mattis thích đấu với kẻ thù nào.
Ông Mattis đáp ông thích đấu với các đạo quân huấn luyện thật nhiều nhưng lại thiếu kinh nghiệm chiến đấu, ám chỉ PLA không hề tham chiến kể từ sau Chiến tranh Biên giới 1979.
Ông nói với Tướng Phòng: “Cần cù tập luyện không thể thay thế kinh nghiệm chiến đấu, và thậm chí việc có thể bị vỡ kế hoạch hoàn hảo ngay từ đầu vì sự hỗn loạn của chiến tranh”.
còn tiếp...
Vĩnh Thụy (theo Washington Times)