Nếu không có sự tiếp tay, thỏa hiệp của những người làm chứng xác nhận và cả những người có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ cho đối tượng thì chế độ chính sách dành cho người có công của Đảng, Nhà nước không dễ dàng bị trục lợi như vậy.

Kỳ 2: Vì sao chế độ chính sách dễ dàng bị trục lợi?

Hồng Hiếu | 21/01/2018, 19:02

Nếu không có sự tiếp tay, thỏa hiệp của những người làm chứng xác nhận và cả những người có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ cho đối tượng thì chế độ chính sách dành cho người có công của Đảng, Nhà nước không dễ dàng bị trục lợi như vậy.

Kỳ 1: Mới 14 tuổi đã là Trưởng Ban Cán sự Nông hội, an ninh mật của xã!

Kê khai một đằng, xác nhận một nẻo

Lướt qua bản kê khai quá trình hoạt động và ý kiến của những người làm chứng, xác nhận trong 2 bộ hồ sơ (xét hưởng chế độ 290 và xét thưởng Huân, Huy chương kháng chiến) của các đối tượng đã nêu trong bài 1, PV phát hiện nhiều chi tiết mâu thuẫn, nội dung xác nhận không thuyết phục. Trong hồ sơ xét thưởng Huân, Huy chương kháng chiến, ông Nguyễn Văn Hiền tự khai từ tháng 2.1966 đến tháng 4.1971 là “Trưởng Ban Cán sự Nông hội” xã Thới Thạnh, huyện Ô Môn; từ tháng 4.1971 đến ngày 30.4.1975 là “an ninh mật, cán bộ phong trào” xã Thới An, huyện Ô Môn.

Xác nhận hồ sơ của ông Hiền có ông Nguyễn Văn Nghĩa (Tư Nghĩa) và bà Nguyễn Thị Đào (Bảy Đào). Ông Nghĩa kê khai mình nguyên là Bí thư chi bộ xã Thới Thạnh giai đoạn 1967 - 1971, bị địch bắt cuối năm 1971. Mặc dù ông Hiền kê khai là “Trưởng Ban Cán sự Nông hội” nhưng khi xác nhận, ông Nghĩa lại khẳng định từ tháng 2.1966 đến tháng 11.1971, ông Hiền là “cán bộ an ninh mật” do ông lãnh đạo.

Từ tháng 1.1972 (sau khi bị địch bắt - PV), do không còn công tác ở xã nên ông Nghĩa chuyển ông Hiền lại cho bà Đào lãnh đạo, phân công. Ông Nghĩa còn cho rằng chính ông là người trực tiếp xây dựng, bố trí ông Hiền vào hàng ngũ địch làm “cảnh sát dã chiến” quận Phong Phú để phục vụ cho cách mạng.

Tương tự ông Nghĩa, bà Nguyễn Thị Đào (kê khai nguyên là Phó Ban Chấp hành Phụ nữ xã Thới Thạnh giai đoạn 1969 - 1975) xác nhận từ tháng 2.1966 đến tháng 11.1971, ông Hiền là “cán bộ an ninh mật” của xã; từ tháng 12.1971 đến 30.4.1975 là cán bộ nông dân, “bố trí” công tác hoạt động tại ấp Thới Hòa C, xã Thới Thạnh. Trong khi đó, giai đoạn từ tháng 4.1971 đến ngày 30.4.1975 là “an ninh mật, cán bộ phong trào” xã Thới An, huyện Ô Môn mà ông Hiền kê khai thì… không có ai xác nhận.

Trường hợp ông Nguyễn Văn Hiền, ở bài viết trước đã nói rõ, ông Nguyễn Thanh Thượng (SN 1939, cán bộ an ninh xã Thới Thạnh từ năm 1965, sau đó là Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã đến năm 1982) khẳng định thời điểm đó trên địa bàn không có ai mới 14 tuổi mà lại được giao trọng trách “Trưởng Ban Cán sự nông hội”; trong lực lượng an ninh của xã cũng không có ai tên Nguyễn Văn Hiền. Ông Thượng cho biết thêm, về nguyên tắc, bà Đào xác nhận ông Hiền là “cán bộ an ninh mật” không thuyết phục vì bà Đào phụ trách mảng công tác phụ nữ thì làm gì lãnh đạo, nắm được lực lượng an ninh?

Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Huỳnh Văn Long thừa nhận không còn giữ được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến “quá trình hoạt động cách mạng”. Thế nhưng trong hồ sơ xét thưởng Huân, Huy chương, ông Long khai rất chi tiết: Từ ngày 15.2.1965 (16 tuổi) là “Phó Ban Binh vận” xã Thới Thạnh; từ 12.12.1971 đến 30.4.1975 là “Phó Ban Binh vận, Phó Chi đoàn Thanh niên, Thư ký Ban Chấp hành Hội Phụ nữ” xã Thới Thạnh.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa và bà Nguyễn Thị Đào đã xác nhận đúng như ông Long tự khai. Đáng chú ý, xác nhận hồ sơ của ông Long còn có ông Huỳnh Văn Bồi (SN 1954), tự nhận là Đội trưởng “Đội du kích mật” ấp Thới Hòa, xã Thới An giai đoạn 1971-1975, tức không liên quan gì tới địa bàn xã Thới Thạnh.

Phiếu thẩm định hồ sơ đề nghị thực hiện Quyết định 290đối với ông Huỳnh Văn Long- Ảnh: Nguyễn Hồng

Trường hợp này, ông Huỳnh Long Thạnh, nguyên Phó bí thư Huyện ủy Ô Môn, nguyên chi ủy viên xã Thới Thạnh (phụ trách công tác xã đội và thanh niên năm 1971-1973, sau đó là Bí thư chi bộ xã) cho rằng thời chiến, cấp xã làm gì có ban bệ, chức danh “hoành tráng” như thế. “Chỉ có cán bộ phụ trách từng mảng riêng, như tôi được giao phụ trách công tác xã đội và thanh niên, tôi không biết có ai tên là Huỳnh Văn Long”, ông Thạnh nói.

Còn tại hồ sơ xét thưởng Huân, Huy chương kháng chiến của 2 ông Phan Văn Phước (cán bộ nòng cốt phong trào ấp Thới Hòa, xã Thới An) và Lê Văn Chuyện (nhiều lần giúp đỡ cách mạng, bảo vệ cán bộ thoát khỏi sự truy lùng của địch), PV nhận thấy đều có nội dung xác nhận của ông Huỳnh Văn Bồi và ông Huỳnh Văn Bảy (cha ruột ông Bồi). Ông Bảy xác nhận chung chung, do “biết” các ông Phước, Chuyện được ông Bồi… phân công nhiệm vụ. Ông Bồi thì xác nhận với tư cách là Đội trưởng “Đội du kích mật” ấp Thới Hòa.

Ông Phước được ông Bồi “giao nhiệm vụ” là cơ sở nòng cốt phong trào du kích ấp, “khi cần đứng lên thu vũ khí liên toán 2 phòng vệ dân sự, bám chặt nhà máy của ban 2 chi khu, giữ cờ giải phóng”. Tuy chỉ là Đội trưởng “Đội du kích mật” của ấp nhưng ông Bồi đã “bố trí” ông Chuyện (khi đó đang là phòng vệ dân sự, 1 trong những lực lượng ở cơ sở của chính quyền Sài Gòn) làm cơ sở nòng cốt bảo vệ cách mạng, che giấu cán bộ?

Thiếu trách nhiệm hay thỏa hiệp?

Đối với các trường hợp đã nhận tiền chế độ chính sách theo Quyết định 290 gồm các ông Long, Phước, Chuyện (ông Chuyện đã mất), sau khi tiếp cận hồ sơ, chúng tôi cũng phát hiện nhiều dấu hiệu không bình thường. Tại hồ sơ của ông Phan Văn Phước, biên bản hội nghị liên tịch (gồm đại diện khu vực, chi bộ Đảng, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Người cao tuổi, cán bộ lão thành cách mạng) và biên bản hội nghị Ban Chấp hành Cựu chiến binh phường (về việc đề nghị hưởng chế độ cho ông Phước) đều thông qua trong ngày 25.7.2014, trước khi ông Phước có bản khai cá nhân sau đó (ngày 30.7.2014). Và công văn xác nhận và đề nghị đối tượng hưởng chế độ cho ông Phước của UBND phường Thới Hòa gửi Hội đồng chính sách quận Ô Môn không ghi rõ mốc thời gian.

Công văn xác nhận, đề nghị đối tượng hưởng chế độ 290 của UBND phường Thới Hòa gửi hội đồng chính sách quận cùng thời điểm với biên bản hội nghị ban chấp hành cựu chiến binh phường được thông qua, điều này cho thấy quy định về việc niêm yết công khai, lấy ý kiến cộng đồng đã bị lờ đi- Ảnh: Nguyễn Hồng

Tại hồ sơ của ông Huỳnh Văn Long, từ bản khai cá nhân đến các biên bản có liên quan cùng giấy xác nhận của những người biết quá trình tham gia hoạt động của đối tượng đều có cùng nét chữ giống nhau. Đáng lưu ý, ngày 29.8.2013, biên bản hội nghị liên tịch được thông qua thìngày 30.8.2013, biên bản hội nghị Ban Chấp hành Cựu chiến binh phường cũng được thông qua.

Và ngay trong ngày 30.8.2013, UBND phường Thới Hòa đã có công văn xác nhận, đề nghị đối tượng hưởng chế độ cho ông Long gửi lên hội đồng chính sách quận, sau khi “đã tiến hành niêm yết, thông báo danh sách đối tượng trên các phương tiện thông tin đại chúng để xin ý kiến nhân dân địa phương”. Điều này cho thấy, quy định về việc lấy ý kiến của cộng đồng đã bịbỏ qua khiến người dân không thể tham gia giám sát được.

Về quá trình tham gia hoạt động, ông Long và ông Phước đều tự khai là lực lượng thuộc “Đội du kích mật” ấp Thới Hòa trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến ngày 30.4.1975 và cũng được các ông Huỳnh Văn Bồi, Huỳnh Văn Bảy, Nguyễn Văn Nghĩa làm chứng.

Việc ông Huỳnh Văn Long có “khả năng đặc biệt”, cùng một thời điểm lại hoạt động ở… 2 địa bàn, đảm nhận nhiều vai trò khác nhau (thể hiện trong 2 hồ sơ xét hưởng chế độ 290 và xét thưởng Huân, Huy chương kháng chiến chúng tôi đề cập trong bài trước) nhưng đều được ông Nguyễn Văn Nghĩa tích cực xác nhận và hội đồng xét duyệt các cấp không hề nghi ngờ gì, biểu quyết thông qua.

Còn ông Huỳnh Văn Bồi, ở nội dung kê khai quá trình hoạt động của người làm chứng, khi xác nhận hồ sơ cho ông Long và ông Phước, ông Bồi khai lúc thì tham gia du kích xã Thới Thạnh vào tháng 11.1967, lúc thì làm du kích xã Trường Lạc (cũng thuộc huyện Ô Môn) năm 1970. Dĩ nhiên, cái mốc thời gian năm 1971 với “chức danh” Đội trưởng Đội du kích mật ấp Thới Hòa, xã Thới An thì ông giữ nguyên.

Chúng tôi không khỏi băn khoăn, tại sao 1 người làm chứng với nội dung khai báo không rõ ràng như vậy lại được hội đồng xét xuyệt các cấp, nhất là từ cấp cơ sở đến cấp huyện (quận) của TP.Cần Thơ chấp nhận?

Ông Đồng Tấn Phát, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thới Hòa, ngườithay mặt Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh phường ký biên bản xét đề nghị hưởng chế độ chính sách cho ông Long và ông Phước thừa nhận: “Tôi thấy biên bản hội nghị liên tịch đã được thông qua, Chi hội Cựu chiến binh khu vực xem xét rồi thì… ký thôi. Tôi nhập ngũ năm 1997 (chiến sĩ thuộc Sư đoàn 330, Quân khu 9), xuất ngũ năm 1999 nên làm sao nắm được thành tích kháng chiến của những người đi trước?”.

Tương tự, ông Lê Duy, khi xác nhận là Phó chủ tịch UBND phường Thới Hòa (hiện là cán bộ Văn phòng UBND quận Ô Môn) cũng cho rằng trên cơ sở các quy trình, thủ tục đã hoàn tất (xét từ dưới lên), ông chỉ thay mặt UBND phường ký công văn xác nhận, đề nghị hưởng chế độ cho các đối tượng gửi lên cấp trên xem xét!

Như vậy có thể thấy, mặc dù hồ sơ xét hưởng chế độ 290 và xét thưởng Huân, Huy chương kháng chiến của các đối tượng chứa đầy những mâu thuẫn, nhiều tình tiết vô lý, bất thường nhưng đã không được hội đồng xét duyệt các cấp của TP.Cần Thơ xem xét thấu đáo, để rồi đề nghị cho các đối tượng được hưởng chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước một cách dễ dàng; tạo điều kiện cho các đối tượng, mặc dù không trực tiếp tham gia kháng chiến hoặc không có đóng góp gì cho cách mạng, bỗng dưng trở thànhngười có công khiến dư luận tại địa phương vô cùng bức xúc.

Nguyễn Hồng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
34 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 2: Vì sao chế độ chính sách dễ dàng bị trục lợi?