Đúng vào hôm Tổng thống Johnson nhận được bản phúc trình của chúng tôi, ông phái cố vấn an ninh Mac Bundy sang Sài Gòn đánh giá các khả năng gầy dựng một chính phủ ổn định tại đó và để tìm hiểu xem có nên phát động những hoạt động quân sự chống lại Bắc VN hay không.

Kỳ 22 - Cuộc điều binh gây tranh cãi của tổng thống Johnson

20/12/2014, 05:04

Đúng vào hôm Tổng thống Johnson nhận được bản phúc trình của chúng tôi, ông phái cố vấn an ninh Mac Bundy sang Sài Gòn đánh giá các khả năng gầy dựng một chính phủ ổn định tại đó và để tìm hiểu xem có nên phát động những hoạt động quân sự chống lại Bắc VN hay không.

Tình hình tại Sài Gòn càng khẳng định những lo âu mà Mac Bundy (nêu ra trong bản phúc trình) là có cơ sở : mấy ông tướng NVN vẫn cứ loay hoay đấu đá nhau và dập các tín đồ Phật giáo; các ông chính khách vẫn cứ hoàn toàn là vô dụng; các giáo phái vẫn cứ dai dẳng xuống đường biểu dương lực lượng và chống đối. Mac điện cho Tổng thống : “Tình hình các phe phái không CS ở đây cho thấy một vóc dáng của một cuộc nội chiến trong một cuộc nội chiến”.

Sang ngày thứ ba của chuyến công du của Mac, VC dùng chất nổ và súng cối tấn công một bộ chỉ huy quân đội NVN và một căn cứ không quân Mỹ gần Pleiku, cách Sài Gòn 250 dặm về phía Bắc. 8 quân nhân Mỹ tử thương. Với hậu thuẫn của đại sứ Maxwell Taylor và tướng Westmoreland, Mac đột ngột khuyến cáo không kích trả đũa BVN theo như các phương án đang được xem xét tại Washington từ mấy tháng qua. Trận tấn công Pleiku và phản ứng trả đũa của chúng tôi đã góp phần đáng kể vào sự leo thang chiến tranh tiếp theo sau đó.

Ngay khi Tổng thống nhận được khuyến cáo của Mac, ông triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia với sự tham dự của các lãnh tụ quốc hội. Cho dù cuộc không kích vào BVN có làm tăng thêm phần bất trắc vì lẽ đúng vào lúc đó Thủ tướng Liên Xô Alexei Kosygin đang viếng thăm Hà Nội, hầu hết mọi người dự cuộc họp – kể cả chuyên viên về LX, Tommy George Ball – cũng đều yêu cầu trả đũa cuộc tấn công của VC. Chỉ có mỗi Nghị sĩ Mike Mansfield là mạnh mẽ chống lại ý kiến này. Nhìn thẳng vào mặt Tổng thống qua cái bàn họp nội các, ông cảnh cáo rằng, dẫu cho chính Hà Nội đã chỉ trận tấn công này, thì cũng cần phải mở mắt để thấy rằng “dân chúng NVN không đứng sau lưng chúng ta bằng không VC đã không thể nào tiến hành được trận đột kích bất ngờ này”. Ông yêu cầu Tổng thống Johnson cân nhắc sự kiện một cách thận trọng bởi lẽ một trận không kích trả đũa sẽ khiến Mỹ rơi vào tình trạng không còn lá bài tẩy để tố trong canh bạc này nữa. Mặc cho nghị sĩ Mansfield nói hết lời, Tổng thống mới nhân danh các quyền hạn mà nghị quyết vịnh Bắc bộ đã trao cho ông để ra lệnh không kích.

Mac trở về Washington tối hôm sau với một bản phúc trình khẳng định rằng : Tình hình tại NVN đang suy sụp, nếu như Mỹ không hành động tất sẽ không tránh khỏi bại trận ... “Vốn liếng” (của Mỹ) đặt vào canh bạc VN rất lớn … Uy tín cũng như ảnh hưởng của Mỹ đang bị đe dọa trực tiếp tại VN. Bất cứ một giải pháp thương thuyết để triệt thoái đều đồng nghĩa với đầu hàng”.

Mac đề xuất không kích leo thang và lâu dài BVN với hai mục đích: về lâu về dài hy vọng sẽ tác động đến ý chí của BVN khiến họ giảm yểm trợ cho VC và hoặc sẽ đi đến bàn hội nghị; trước mắt sẽ làm dấy lên ngay một làn gió lạc quan tại NVN. Liệu diễn biến hành động như theo đề xuất này sẽ làm thay đổi được các “chẩn đoán” bi quan đã có? Mac không hứa chắc mà chỉ nhấn mạnh rằng viễn tượng VN hiện rất đen tối và rằng còn khối việc cần phải cải thiện ở phía NVN. Song mặt yếu của chúng ta tại VN lại nằm ngay trong chính khả năng thích ứng của chúng ta, “tại đó đang có ý nghĩ cho rằng chúng ta không đủ ý chí, uy lực, kiên nhẫn và quyết tâm tiến hành những gì cần thiết và tiếp tục cuộc chơi”.

Đoạn chót báo cáo của Mac nhấn mạnh nơi điểm quan trọng này: “Cho dù có lạc quan nhất chăng nữa, cuộc chiến tại VN sẽ kéo dài rất lâu. Cần thiết phải nhận chân vấn đề cơ bản này đồng thời cũng cần giải thích rõ ràng cho dân chúng hiểu rõ điều đó”.

Chiến tranh luôn tự làm nảy sinh thêm cường độ, và các hậu quả không dự kiến trước luôn nối tiếp như một qui luật. Khi Tổng thống Johnson cho phép khởi đầu chiến dịch “Sấm cuồn cuộn”, không chỉ cuộc chiến tranh trên không bắt đầu mà còn bất ngờ làm phát động việc đưa binh sĩ Mỹ vào chiến trường trên bộ.
Tháng 2 đó, khi các cuộc không kích đang được đẩy nhanh, tướng Westmoreland tìm cách tăng cường quân bộ chiến đề bảo vệ những căn cứ xuất phát các cuộc không kích. Bắt đầu là yêu cầu xin hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến đến Đà Nẵng. Yêu cầu này làm cho đại sứ Maxwell Taylor tá hỏa. Ông chỉ đòi không kích thôi chứ đâu có đòi gửi quân bộ chiến – trái lại ông kịch liệt chống lại điều này. Đại sứ Maxwell Taylor gửi điện ngay về Washington yêu cầu bác bỏ ngay lời thỉnh cầu của tướng Westmoreland. Thế nhưng, đứng trước một thỉnh cầu có vẻ khẩn cấp như thế, với lại cũng chẳng nhiều nhõi gì, làm sao Tổng thống có thể khước từ một viên tư lệnh chiến trường khi người này chỉ đòi gửi bộ binh để bảo vệ sinh mạng các binh sĩ không quân? Thế là Johnson chấp thuận thỉnh cầu của tướng Westmoreland.
Một vài người đề xuất rằng tướng Westmoreland và bộ Tổng tham mưu liên quân lúc đó đã có ý kiến triển khai quân một cách rộng rãi rồi. Tôi không nghĩ như thế. Lẽ ra tất cả chúng tôi đều phải dự kiến sẽ cần đến quân bộ chiến Mỹ một khi gửi chiếc máy bay đầu tiên đến NVN, song chẳng ai đã nghĩ đến điều đó. Vấn đề không phải ở chỗ tìm cách lừa dối mà là do không dự kiến được những hệ quả của hành động. Nếu như làm được điều đó, chúng tôi đã hành động khác hẳn đi rồi.
Cũng có thể ghi nhận rằng vào thời điểm đó các tướng chỉ huy liên quân mâu thuẫn sâu sắc với nhau về vấn đề tìm một sách lược thích hợp cần theo đuổi tại VN. Mặc dù, họ đã nhất trí với văn kiện đề xuất chiến dịch không kích gửi đến tôi hôm 11-2, tướng Bruce Palmer Jr., Tham mưu phó lục quân, sau này có nhận xét rằng:
Lục quân đã không đồng ý với lập luận cho rằng không kích BVN sẽ đem lại các hiệu quả mong muốn, và Hải quân cũng không tin chắc điều đó. Chỉ mỗi không quân và thủy quân lục chiến mạnh mẽ đề xuất sử dụng không lực. Chính tướng Tổng tham mưu trưởng liên quân Wheeler đã bảo các tướng tham mưu trưởng các quân chủng cứ đồng ý với văn kiện này vì lẽ nếu như chúng tôi đệ trình một văn kiện chứa đựng những ý kiến mâu thuẫn, Bộ trưởng Quốc phòng sẽ khó đi đến một quyết định cơ bản, và cả Tổng thống cũng vậy nữa”.
Danh Đức dịch (tiêu đề của Một Thế Giới)
Bài liên quan
Cựu Tổng thống Nga nêu vai trò của NATO trong cuộc xung đột ở Ukraine
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã đưa ra những tuyên bố đáng chú ý về vai trò của NATO trong xung đột Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
4 phút trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 22 - Cuộc điều binh gây tranh cãi của tổng thống Johnson