Nhắc đến tượng Phật, không thể không nhắc đến chùa Wat Sisaket, bởi lẽ, nơi đây từ hàng trăm năm nay đã trở thành nơi lưu giữ hàng ngàn bức tượng do Phật tử khắp nơi dâng cúng.

Kỳ 5: Thế giới tượng phật bên dòng sông Mê Kông

CTV Nguyễn Minh | 03/07/2016, 11:13

Nhắc đến tượng Phật, không thể không nhắc đến chùa Wat Sisaket, bởi lẽ, nơi đây từ hàng trăm năm nay đã trở thành nơi lưu giữ hàng ngàn bức tượng do Phật tử khắp nơi dâng cúng.

Kỳ 1: Đường đến đất nước Triệu voi và cánh đồng chum bí ẩn

Kỳ 2: Động Phật Pak Ou linh thiêng và kỳ bí

Kỳ 3: Dấu ấn những ngôi chùa linh thiêng ở Luang Prabang

Kỳ 4: Qua cổng Khải Hoàn Môn, khám phá thành phốViêng Chăn

Tượng Phật này nay đã trở thành một phẩm vật linh thiêng và không thể thiếu trong bất kỳ cơ sở thờ tự nào. Vậy tượng phật ra đời từ khi nào?

Cho đến nay, vẫn chưa có sự thống nhất về thời điểm mà những bức tượng đức Phật đầu tiên ra đời, nhưng chắc rằng, nó ra đời sau khi Đức Phật diệt nhập. Bởi lúc còn tại thế, việc tạc tượng hay sử dụng hình ảnh của ngài trong các nghi thức tôn giáo đã không được ngài ủng hộ.

Theo một số sử liệu Phật giáo, trước khi tượng Phật xuất hiện và trở thành biểu tượng linh thiêng của Phật giáo, để tỏ lòng tôn kính Đức Phật, Phật tử thường sử dụng hình tượng cội bồ đề, bánh xe luân pháp, tháp Phật hoặc biểu tượng vườn Lâm Tì Nì để chiêm bái.

Tuy nhiên, theo thời gian tượng từng bước thay thế những biểu trưng trên, những tác phẩm điêu khắc, hình tượng ngài từng bước phát triển, biến tấu và trở thành một thành tố quan trọng vào loại bậc nhất trong đời sống tôn giáo của Phật tử khắp thế giới.

Là một thành viên quan trọng trong ngôi nhà Phật giáo thế giới, thế nên đối với người dân Lào những bức tượng Phật lại càng linh thiêng hơn. Và với họ, việc tôn kính tượng Phật được xem như là trách nhiệm của đời người từ lúc sinh ra cho đến lúc giả từ cuộc sống để trở về vùng đất Phật.

Và khi nhắc đến tượng Phật, không thể không nhắc đến chùa Wat Sisaket. Bởi lẽ, nơi đây từ hàng trăm năm nay đã trở thành nơi lưu giữ hàng ngàn bức tượng do Phật tử khắp nơi dâng cúng.

Chùa Wat Sisaket được xây dựng bởi vua Chao Anuvong, vị vua cuối cùng của vương quốc Lan Xang.

Vào thời điểm này, Lào là quốc gia chư hầu của vương quốc Xiêm, tức Thái Lan ngày nay, thế nên về mặt kiến trúc, ngôi chùa này có kiểu dáng gần giống với những ngôi chùa ở Thái Lan với mái 5 tầng và hồi lang bao quanh chùa chính.

Và có lẽ đó cũng chính lý do mà Wat Sisaket đã không bị phá hủy khi quân Xiêm tấn công Vientiane năm 1828 và rồi để ngày nay, chùa Wat Sisaket được biết đến là ngôi chùa cổ nhất tại Vientiane.

Tuy nhiên, cũng có một giả thuyết khác cho rằng, sở dĩ chùa Wat Sisaket không bị phá hủy là do khi quân Xiêm định tấn công chùa thì bầu trời đột nhiên xuất hiện một đám mây đen, tất thảy quan quân thất kinh hồn vía, cho rằng đó cơn giận dữ của trời đất nên đã tự động rút lui. Nhờ thế mà duy nhất chùa Sisaket còn tồn tại, tiếp tục đóng vai trò là chốn tu hành thiêng liêng trong suốt thế kỷ XIX và cho đến tận ngày nay.

Tuy nhiên, điểm thu hút và thực sự tạo nên linh danh của chùa Wat Sisaket không chỉ có điểm này, mà nó còn là những bức tượng linh thiêng.

Ngôi chùa nổi tiếng với những bức tượng cổ linh thiêng từ thế kỷ 16

Theo số liệu, chỉ tính riêng bốn dãy hành lang chùa đã có tổng cộng hơn 2.000 tượng phật lớn nhỏ, trong đó tượng nhiều tuổi nhất có niên đại vào thế kỷ 16 và bức ít tuổi nhất được tạc vào thế kỷ 19.

Chiếm đa số trong số hàng ngàn tượng Phật ở đây được các nghệ nhân tạc theo điêu khắc Phật giáo Lào và được tạc bằng nhiều chất liệu gắn liền với đời sống của người dân như gỗ, đá và kim loại...

Với người dân Lào, phá hủy tượng Phật là một trong những điều cấm kỵ và đó là lý do mà tại đây, không khó để chúng ta bắt gặp nhiều những bức tượng đã bị hư hại trước sự tàn phá của thời gian.

Không chỉ là nơi chiêm bái và lưu giữ tượng Phật, chùa Wat Sisaket ngày nay còn là một địa điểm tham quan quan trọng của người dân Lào, đặc biệt nó còn là nơi mà các đôi uyên ương thời chọn làm nơi chụp ảnh cưới, lưu lại khoảnh khắc quan trọng và đáng nhớ nhât của đời người.

Rời chùa Wat Sisaket, chúng tôi tìm đến một không Phật giáo khác cũng ấn tượng và thú vị không kém công viên tượng Wat Xiengkuane.

Nằm trên bờ sông Mê Kong và có mặt hướng sang biên giới Thái Lan, cách thủ đô Viêng Chăn khoảng 28km về phía Đông, công viên tượng Phật Wat Xieng- kuane hiện có khoảng 200 bức tượng với nhiều hình dáng và phong cách khác nhau.

Thông qua những bức tượng, người tạo ra nó dường như muốn gởi vào người xem một bài học về đời, về đạo, về giáo lý của nhà Phật. Và đó chính là lý do mà những ai muốn tìm hiểu về nét đẹp Phật giáo luôn bị cuốn hút bởi một không gian huyền bí khi đặt chân đến khu công viên tượng Wat Xiengkuane.

Được biết, vườn tượng nghệ thuật Wat Xiengkuane do một người đàn ông tên là Boun- lua chủ trì xây dựng từ năm 1958.

Ở công viên này, những tượng Phật thô mộc mang một vẻ huyền bí

Boun- lua không phải là một hoà thượng thực thụ, ông không cạo đầu, không mặc áo cà sa.Thế nhưng, ông là người rất tinh thông về triết học Hindu, Phật giáo, thần thoại học, biểu tượng học…Ngoài ra, ông cũng không qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào về nghệ thuật tạo hình, điêu khắc.Ông đã từng lý giải về vườn tượng kỳ lạ được ông cùng mấy người cộng sự tạo ra đến từ những giấc mơ và những cảm nhận về thần linh mà ông ngộ ra được trong đời sống hàng ngày.

Trở lại với những bức tượng trong khu vườn Wat Xiengkuane.

Đây được xem như là một công trình vừa mang tính tôn giáo, vừa mang tính nghệ thuật vào loại bậc nhất trên vùng đất Phật triệu voi.

Về giá trị tôn giáo, những bức tượng này khi kết hợp lại với nhau sẽ trở thành một câu chuyện đầy đủ về lịch sự ra đời của Phật giáo kể từ lúc hoàng tử Tất Đạt Đa được sinh ra dưới cây sa la trong vườn Lam Tì Nì cho đến khi ngài nhập niết bàn để trở thành Đức Phật.

Ngoài ra, xen lẫn vào trong đó là câu chuyện về luật nhân quả, thuyết luân hồi mà kinh Phật đã đề cập.

Bên cạnh đó, vườn tượng Wat Xiengkuane còn là nơi mà ông Buon-lua và các đệ tự của mình thể hiện sự uyên thâm của mình trong việc nghiên cứu đạo Hin đu, tất cả được thể hiện qua hình tượng những thần nhân trong sử thi Ramayana, đó là thần Shiva, Arjuna, Visnu, Rama hay Sita…

Các tác phẩm tượng mà Boun- lua đều sử dụng chất liệu xi măng, không qua sơn phết hay phủ lên bất kỳ một chất liệu gì khác. Và dường như chính sự thô mộc ấy đã góp phần tôn tạo thêm cho vườn tượng Wat Xiengkuane vẻ kỳ bí.

Với người dân Lào, những người vốn xem những giáo lý trong Phật giáo làm kim chỉ nam cuộc sống mà những bức tượng mang hình hài của Đức Phật là đại diện thì khu vườn này vô cùng thiêng liêng.Bởi trong không gian này, họ không chỉ có được cảm giác thư thái trong tâm hồn mà nó còn tạo ra cho họ một thời khắc để nghĩ về những giá trị thiêng liêng của đạo pháp.

Với tôi, khu vườn tượng Wat Xiengkuane một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của đạo Pháp và nghệ thuật điêu khắc Phật giáo trong đời sống của người dân Lào.

Nguyễn Minh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 5: Thế giới tượng phật bên dòng sông Mê Kông