Chưa đầy một năm sau ngày thành lập nước CHND Trung Hoa, Cao Cương - Bí thư thứ nhất đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban quân chính, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Đông Bắc - đã “đón lỏng” Phổ Nghi tại sân ga Thẩm Dương, đưa về trung tâm thành phố. Cao Cương - lúc ấy đang được Mao Trạch Đông giao trọng trách lãnh đạo vùng Đông Bắc - vừa trấn an Phổ Nghi sẽ “được bảo vệ an toàn”, vừa báo trước ông sẽ phải vào đợt “học tập cải tạo một thời gian”…
Bao lâu?
Hơn 9 năm - bắt đầu từ lúc Cao Cương sai người “dẫn độ” Phổ Nghi đến nhà tù của Sở quản lý tội phạm chiến tranh Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh (vào 23.7.1950 tới ngày phóng thích 4.12.1959).
Bị giam với Phổ Nghi có người tùy hầu kề cận thân thiết của ông suốt 33 năm (kể từ 1924) là Lý Quốc Hùng. Lý Quốc Hùng kể lại cho nhà văn Vương Khánh Tường về những năm cùng sống trong tù cạnh Phổ Nghi, qua 20 băng ghi âm, được chỉnh lý biên tập và xuất bản tại Trung Quốc. Sách do Phượng Thủy dịch sang tiếng Việt khá công phu, với tựa “Nghề hầu vua” 610 trang, NXB Thanh Niên - Hà Nội 1999, có đoạn về chuyến xe lửa dẫn đến cuộc gặp “không hẹn trước” với Cao Cương, ở biên giới:
“Trong toa nóng bức lại thêm mờ tối. Tôi nhìn kỹ mới thấy tất cả cửa sổ kiếng trên xe đều dán giấy trắng muốn nhìn xem phong cảnh ven đường cũng không sao nhìn được. Điều này càng khiến người ta bất an, coi đây là điềm báo không lành. Tôi cảm nhận một thứ mùi vị không nói nên lời, lòng cứ thấp thỏm, hoang mang giống như đại nạn sắp giáng xuống đầu” - sđd tr. 475.
Đêm đầu tiên đặt chân đến nhà tù Phủ Thuận: “phòng giam chỉ có tấm đệm để lót nằm. (…) thẩn thờ nghe tiếng chân bước cộp cộp, đi tới đi lui đều đều (bên ngoài), thật kinh khủng. Sáng hôm sau, toàn bộ bọn tôi bị gọi ra sân, mỗi người được phát một thẻ bài gỗ nhỏ có thể đeo lên cổ. Trên thẻ bài có ghi số hiệu thay thế cho tên gọi sau này. Tôi nhớ, nhóm người mới đến tổng cộng có 40, Phổ Nghi mang số 981, tôi số 1015. Mãi đến giờ tôi mới biết nơi này là Sở quản lý chiến phạm Phủ Thuận. Trước khi bọn tôi đến họ đã thu bắt hơn 900 người. Dường như chiến phạm Nhật đến sau bọn tôi, cách nhau một bức tường ” - sđd. tr. 481.
Mới đầu, Phổ Nghi giam chung một phòng với Lý Quốc Hùng - và Dục Nham, Dục Chiêm, Dục Đường (3 người cháu của Phổ Nghi). Họ được cung cấp các bữa ăn đầy đủ. Ăn xong, mỗi người được phát 3 cuốn sách để học, nội dung trong sách luận về chủ nghĩa dân chủ mới và các phong trào cách mạng. Khoảng mươi ngày sau, nhóm 5 người bị cách ly.
Được ba tháng, mùa thu 1950, Phổ Nghi - Lý Quốc Hùng và 3 người cháu phải rời Phủ Thuận, chuyển đến một nơi khắc nghiệt hơn tại Cáp Nhĩ Tân với những nhà ngục chật hẹp xây bằng… sắt, nằm sau một cái sân rộng ăn thông vào dãy hành lang hẹp. Đến cuối hành lang: “trái tim tôi chợt lạnh hẳn: nơi này là căn nhà lớn hai tầng hình tròn. Chính giữa sân là một khán đài cao, trên khán đài đặt chòi canh có trang bị súng máy. Trên dưới hai tầng lầu đều có chấn song bằng những thanh sắt to cỡ 8cm, chia thành nhiều gian lồng sắt, ngăn cách bởi những bức vách bằng gạch. Tôi không sao ngờ được chúng tôi sẽ đến ở một nơi như vầy” (sđd. tr. 488).
Mọi người tuần tự bị dẫn đến trước những khung cửa nhỏ của lồng sắt chỉ cao hơn 80cm, ai nấy đều phải cúi lưng xuống thật thấp mới chui lọt “tiếng kéo cửa kèn kẹt, tiếng bóp khóa khô khan vang lên như xé tim gan”. Mỗi lồng sắt nhốt từ 4 - 6 người. Phổ Nghi cũng ở trong một lồng như vậy, trông tựa con chim lìa đàn khốn khổ, xơ xác khác hẳn với hình ảnh vị hoàng đế có hơn 1.000 vương công đại thần cúi rạp người chào đón - thêm 200 công sứ các quốc gia trên thế giới trú đóng tại Bắc Kinh đến chúc mừng hôn lễ của ông ngày nào.
Một tay Phổ Nghi bắt đem hơn 40 rương vàng bạc và đồ gốm quý đến ngân hàng Khoản Phong do người Anh quản trị để lấy tiền mặt trang trải cho cuộc hôn nhân, nay đâu còn… Chỗ nằm cũng không. Không có lấy chiếc giường nào cho tù nhân ngã lưng. Phải tự tìm lấy một chỗ nào khô ráo đặt hành lý xuống và gối đầu lên. Nước tiểu từ “một chỗ chung” trong góc lồng sắt xông lên mùi hôi nồng nặc.
Được nửa năm (5.1951), lại dời đến nơi khác cũng ở Cát Nhĩ Tân. Lần này có dễ chịu bớt, giam trên nhà lầu xây gạch, lại được hút thuốc “Hằng Đại” đặc chế nữa. Ngoài giờ ăn ngủ, phải tiếp tục học tập, đọc tài liệu sách báo, hoặc vận hành máy cắt giấy, ép lề, dán hộp đựng bút chì. Hầu hết tù nhân làm hộp đạt yêu cầu “duy chỉ Phổ Nghi là rất kém, ngài quá vụng về, hộp dán không đẹp, nhãn thì thường dán ngược, làm ra nhiều phế phẩm” (sđd. tr. 502). Tù nhân có người gắt gỏng la lối Phổ Nghi, rằng ông làm không xong, bị quá nhiều phế phẩm, ảnh hưởng thành tích thi đua tập thể !. Một ông vua lẻ loi phải nhận lời chì chiếc, biết sao?
Thêm ba năm nữa, về lại Phủ Thuận. Tháng 4.1954, Sở quản lý tội phạm chiến tranh cử cán bộ đến bắt tù nhân viết tự bạch “tự bạch của bọn tôi giao lên trên coi như xong chuyện, duy chỉ có Phổ Nghi là qua không được cửa ải này, nộp lên lại bị trả về, nhiều lần như vậy”.
Hôm nọ, đoàn công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Đông Bắc chuyên trách điều tra các loại tội phạm chiến tranh phát động Lý Quốc Hùng viết bản tố giác hoàng đế Phổ Nghi. Lý Quốc Hùng chỉ nêu vài điều chung chung về chuyện Phổ Nghi “ăn chay niệm Phật ở nội đình, có đánh mấy đứa bé đội cần vụ”. Cán bộ lãnh đạo không thuận với nội dung dưới “không điểm” đó, nhiều lần gây sức ép, buộc Lý phải nâng lên “điểm mười” cho chính mình. Buộc lòng, Lý phải nêu hai điều: “Thứ nhất (…)Phổ Nghi phê duyệt văn kiện không cần xem qua, tùy tiện viết chữ “được” bên dưới chữ “quyết định” đem bán đứng những hạng mục ích lợi của vùng Đông Bắc. Thứ hai là nội tình Phổ Nghi giấu bảo vật ở Liên Xô”. Những tố giác đó buộc Phổ Nghi phải trả lời về 468 món bảo vật đựng trong một cái rương bằng da hai đáy... (còn nữa).
Giao Hưởng