Không chỉ là nơi thưởng thức cà phê, hàng quán cà phê còn là không gian xã hội quan trọng hình thành nên những thiết chế góp phần vào sự phát triển của các quốc gia.

Kỳ 92: Hàng quán cà phê và sự hình thành các thiết chế xã hội

T.N.L | 17/01/2023, 08:00

Không chỉ là nơi thưởng thức cà phê, hàng quán cà phê còn là không gian xã hội quan trọng hình thành nên những thiết chế góp phần vào sự phát triển của các quốc gia.

ky-92-hinh-bia.jpg

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!

Người Việt mìnhcũng làm được làm tốt hơn!

Không gian kết nối xã hội

Từ thế kỷ 18, đời sống kinh tế, chính trị và xã hội châu Âu đứng trước sự biến chuyển to lớn bởi chịu sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp. Chủ nghĩa tư bản tạo ra những đô thị công nghiệp khổng lồ gây nên những làn sóng chuyển dịch dân cư lớn, kèm theo đó là sự mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn dân tộc và các quan hệ xã hội ngày càng đa dạng, phức tạp. Các cuộc cách mạng chính trị từ giữa thế kỷ 18 làm thay đổi sâu sắc thể chế chính trị, trật tự xã hội và các thiết chế xã hội châu Âu, cũng như ảnh hưởng toàn thế giới. Cuối thế kỷ 18 đến thế kỷ 19, cuộc cách mạng thương mại và công nghệ bùng nổ làm lay chuyển tận gốc trật tự kinh tế cũ. Hình thái kinh tế xã hội phong kiến nhanh chóng sụp đổ trước sự bành trướng của hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa, làm thay đổi hoàn toàn điều kiện kinh tế – xã hội của các tầng lớp, giai cấp và các nhóm xã hội. Trong bối cảnh đó, mối quan hệ con người trong xã hội có sự chuyển hóa sâu sắc. Cùng tinh thần hiển dương tri thức, sự sáng tạo, những tư tưởng tiến bộ về quyền tự do cá nhân, tinh thần dân tộc, quốc gia, cũng như khát vọng tìm lại bản chất con người và vai trò của con người trong xã hội để vươn đến cuộc sống tốt đẹp hơn… trở thành những nhu cầu thực tiễn mới đối với nhận thức xã hội.

Chính trong các giai đoạn chuyển giao này, hàng quán cà phê với đặc trưng là nơi mọi tầng lớp xã hội từ các dân tộc, giai cấp, nghề nghiệp khác nhau có thể gặp mặt cùng trò chuyện, thảo luận, giao thương… đã trở thành một không gian xã hội quan trọng của các quốc gia có văn hóa thưởng thức cà phê đặc trưng, như: Pháp, Anh, Ý, Áo, Hoa Kỳ… Quán cà phê không chỉ là nơi thưởng thức cà phê mà hoạt động như những không gian văn hóa, không gian học thuật, không gian cộng đồng kết nối xã hội. Từ những người bình thường trong xã hội, đến các triết gia, văn hào, nghệ sĩ, quý tộc, chính trị gia, thương nhân, nhà thám hiểm… đều hội tụ tại quán cà phê. Một xã hội thu nhỏ cùng trò chuyện, tự do chia sẻ quan điểm cá nhân, tranh luận bình đẳng trong quán cà phê đã mang đến nhiều luồng tư tưởng từ vi mô đến vĩ mô, kích thích sự sáng tạo của các nhà cải cách, và từ đó, các tư tưởng lớn gặp nhau, trở thành người anh em cộng sự, cùng theo đuổi chí hướng vĩ đại.

ky-92-hinh-01.jpg

Tại Pháp, không gian Café Procope huyền thoại là nơi hội tụ của giới tri thức tinh hoa như Diderot, Rousseau, Voltaire… Quán De la Régence lại là chốn tranh luận yêu thích của những nhà khai sáng Robespierre (một trong những nhà lãnh đạo Cách mạng Pháp 1789), Napoléon Bonaparte (Hoàng đế Pháp), Benjamin Franklin (người sáng lập nước Mỹ), Karl Marx (người sáng lập Chủ nghĩa Xã hội khoa học)… Trong khi đó, không gian Gran Caffè Gambrinus nổi tiếng của Ý là nơi chứng kiến ​​tất cả các trí thức, chính trị gia và nghệ sĩ bao gồm Salvatore Di Giacomo, Libero Bovio, Benedetto Croce, Eduardo De Filippo và Enrico De Nicola… đến bàn luận về những cuộc chuyển đổi văn hóa, giương cao khát vọng hợp nhất dân tộc.

Tại Viên, quán cà phê Café Korb nổi tiếng với những cuộc tranh luận hàng tuần của những nhà tư tưởng như Sigmund Freud, Alfred Adler, Wilhelm Reich, Otto Rank, Karl Abraham, Carl Gustav Jung… Triết gia Ludwig Wittgenstein và nhóm các nhà trí thức Wiener Kreis trong lĩnh vực triết học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội… lại chọn Café Arkaden, Café Herrenhof, Café Reichsrat, Café Central làm điểm hẹn. Sau thế chiến I, các không gian này cùng Café Griensteidl, Café Abbazia, Café Hawelka là nơi văn hào Hermann Broch, Robert Musil, Franz Werfel, Leo Perutz, Joseph Roth, Otto Soyka, Alfred Polgar… làm việc và sáng tạo. Tại Anh, Will’s Coffee House lại là nơi gặp gỡ, thảo luận của các tên tuổi lớn trong nền văn chương như: Jonathan Swift, Alexander Pope, Joseph Addison…

Trong khi đó, những quán cà phê ven sông Mississippi thuộc New Orleans, Mỹ như Maspero Coffee House, Café du Monde, Café Au Lait, Royal Blend, CC’s Coffee House… là nơi gặp gỡ giao thương của các thương nhân. Những hàng quán cà phê mang dấu ấn lịch sử nước Mỹ như Green Dragon, Union Oyster House, The Crown Coffee House, North-End (Boston), Merchants Coffee House, King’s Arms (New York), London Coffee House, Ye Coffee House (Philadelphia)… là nơi những triết gia, các nhà tư tưởng cách mạng, những con người yêu tự do gặp gỡ thảo luận về công lý và quyền bình đẳng cá nhân, khuyến khích xây dựng chính phủ văn minh với hiến pháp đảm bảo quyền tự do cho mọi công dân.

ky-92-hinh-02.jpg

Hình thành và phát triển các thiết chế xã hội

Từ phương Đông du nhập vào châu Âu và lan tỏa khắp thế giới, cà phê cùng hàng quán cà phê đóng vai trò là nguồn năng lượng xúc tác cho những ý tưởng mới, là không gian kết nối xã hội, thúc đẩy các cuộc thảo luận, nghiên cứu về các vấn đề thời cuộc, đáp ứng nhu cầu lĩnh hội và quảng bá tri thức nhằm hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn. Được xem là một phần không gian văn hóa đô thị trong lịch sử phát triển của nhiều quốc gia, hàng quán cà phê đã đảm nhận cùng lúc nhiều vai trò: trường học, thư viện, trung tâm phát hành báo chí, nhà hát, trụ sở chính trị, câu lạc bộ văn học – nghệ thuật, kinh doanh… góp phần hình thành nên những thiết chế giáo dục, văn hóa, chính trị, kinh tế quan trọng.

Thế kỷ 16, lần đầu tiên xuất hiện Istanbul quán cà phê được gọi là “Mekteb-i ‘irfan” – trường học cung cấp, phổ biến các ý tưởng mới trong xã hội Ottoman. Đến với châu Âu vào thế kỷ 17, hàng quán cà phê được biểu dương là Đại học một hào (Penny University) tại Anh, là Viện hàn lâm vỉa hè (Académie du Trottoir) tại Pháp và là Đại học tự do (Liberissima Università) tại Ý. Không chỉ đón nhận tất cả mọi người đến tranh luận, trao đổi thông tin và cùng nhau làm việc, hàng quán cà phê trở thành trung tâm giáo dục, nơi cung cấp lượng lớn báo và tạp chí, cũng như tạo nên môi trường học thuật trên nhiều lĩnh vực với sự tham gia của các chuyên gia khởi xướng những trào lưu văn hóa, tư tưởng, giáo dục mới.

Nếu trong không gian Café Central của Viên luôn có sẵn 250 tờ báo bằng 22 ngôn ngữ, thì tại Ý, sách, báo và những tờ tạp chí khai sáng như “Il Caffè”, “Gazzetta Veneta”, “L’osservatore Veneto”, “Il Sognatore Iataliano”, “Giornale Veneto de ‘Letterati”, “La Minerva”, “La Frusta Letteraria”… được phổ biến rộng rãi trong hàng quán cà phê. Những tạp chí văn học quan trọng của Ý cũng được hình thành từ các cuộc đàm luận trong quán cà phê, như Caffè Giubbe Rosse là nơi khai sinh tạp chí “Lacerba” và “Solaria”, hay Caffè Florian gắn liền với tạp chí “Gazzetta Veneta”. Tại Anh – quốc gia đầu tiên khởi xuất phong trào Khai sáng, giới tri thức đã cùng nhau sáng lập tờ tạp chí “The Tatler” (1709) và “The Spectator” (1711) mô phỏng những cuộc đàm thoại trong quán cà phê, biểu dương khát vọng chuyển hóa lối sống bằng đức hạnh và sự thông thái. Giới tri thức Pháp tập trung tại quán Café Procope thảo luận viết nên cuốn “Encyclopédie” – bách khoa toàn thư truyền bá tri thức nhân loại.

Từ cảm hứng đó, năm 1764, các triết gia vĩ đại Pietro Verri, Alessandro Verri, Cesare Beccaria, Alfonso Longo, Pietro Secchi… thuộc nhóm trí thức khai sáng Ý thành lập tờ tạp chí “Il Caffè” nhằm xây dựng nền tảng trí tuệ cho cộng đồng thông qua những tư tưởng được hình thành bên tách cà phê.

ky-92-hinh-03.jpg

Trở thành trung tâm thông tin, giáo dục đặc biệt, hàng quán cà phê đóng vai trò trực tiếp trong việc thúc đẩy cuộc cách mạng đọc – học tập và truyền bá lý tưởng, hình thành nên những học thuyết khoa học xã hội quan trọng. Quán Café Griensteidl là nơi nhóm văn học Jung-Wien (Viên Trẻ) thành lập nghiên cứu và phát triển văn học hiện đại, tạo nên những ảnh hưởng đáng kể đến hệ tư tưởng đương thời. Trong câu lạc bộ cà phê của Đại học Oxford, Adam Smith đã tạo nên những tác phẩm kinh điển như: The Theory of Moral Sentiments (Lý thuyết về tình cảm đạo đức), The Wealth of Nations (Sự thịnh vượng của các quốc gia), Học thuyết về nền kinh tế tư bản… Quán cà phê Café Landtmann là nơi Sigmund Freud nghiên cứu và sáng lập học thuyết Phân Tâm Học.

Đặc biệt, với khát vọng tái tạo thế giới, nguồn cảm hứng và những ý tưởng được chia sẻ từ hàng quán cà phê trở thành chất xúc tác nuôi dưỡng các phong trào nghệ thuật, văn hóa. Quán Café de Flore (Pháp) là nơi Chủ nghĩa Siêu thực (Surrealism) và phong trào văn học nghệ thuật Dadaism phát triển. Các quán cà phê trên đường State Street (Chicago) phát triển âm nhạc jazz, blues, rock… Tại Ý, Caffè Michelangiolo là nơi những họa sĩ Ý khởi xướng phong trào nghệ thuật Macchiaioli; hay quán Caffè delle Giubbe Rosse được vinh danh là nơi rèn giũa những ước mơ và đam mê, cũng là nơi Chủ nghĩa vị lai (Futurism) hình thành.

ky-92-hinh-04.jpg

Chính trong thế kỷ 18 – 19, hàng quán cà phê cũng là nơi những con người mang tinh thần bất khuất của thời đại thực hiện những quá trình đổi mới tư tưởng chính trị và các cuộc cách mạng giành quyền tự chủ, tự do cho dân tộc. Tại Mỹ, quán Green Dragon, Union Oyster House, The Crown Coffee House… là nơi các nhà tư tưởng cách mạng, thảo luận về công lý và quyền bình đẳng cá nhân, khuyến khích xây dựng chính phủ văn minh với hiến pháp đảm bảo quyền tự do cho mọi công dân. Các tổ chức chính trị quan trọng như Freestyleons, Sons of Liberty, Boston Caucus, Ủy ban thư tín kết nối tại quán cà phê Gree. Hay quán cà phê City Tavern là nơi Quốc hội Lục địa đầu tiên tổ chức cuộc họp năm 1774 nhằm chống lại sự áp bức của nước Anh. Nơi đây Thomas Jefferson cùng với John Adams, Benjamin Franklin, Roger Sherman và Robert Livingson thảo luận liên tục trong nhiều ngày để soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập với thông điệp thể hiện các lý tưởng của Hoa Kỳ.

Riêng với Ý, hàng quán cà phê đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình đổi mới tư tưởng chính trị và thống nhất đất nước. Tại quán Gran Caffè Renzelli, Domenico Frugiuele cùng Gianfelice Petrassi đã thúc đẩy cuộc nổi dậy chống lại Vương quốc Bourbons vào năm 1844 và quyết định tuyên bố chính phủ lập hiến. Quán Caffè Pedrocchi lại là nơi gặp gỡ quan trọng đối với những người yêu nước trong cuộc nổi dậy Thống nhất Ý. Ngày này, ở bất kỳ thành bang nào của Ý cũng có quán cà phê chứng tích lịch sử. Tại Milan, quán cà phê Caffè della Peppina, Caffè-Pasticceria Cova là nơi hoạt động của Hội Thanh niên Italia. Tại Naples, quán cà phê Gran Caffè Gambrinus là điểm gặp gỡ nổi tiếng nhất của giới trí thức theo chủ nghĩa Neapolitan. Hay Caffè dell’Infrascata là nơi những thanh niên yêu nước đã hô vang khẩu hiệu “Nước Ý tự do và trường tồn” trước khi bị đàn áp vào năm 1801.

ky-92-hinh-05.jpg

Từ thế kỷ 17, hàng quán cà phê đảm nhận vai trò quan trọng và đa dạng trong sự phát triển xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Ngày nay, hàng quán cà phê vẫn luôn là không gian xã hội lý tưởng, là cầu nối cho sự phát triển trí tuệ và thăng hoa sáng tạo. Đặc biệt, cà phê và hàng quán cà phê đã và đang tiếp tục phát triển thành phong cách sống, triết lý sống và là biểu tượng của lối sống văn minh.

Thân mời bạn đọc đón xem loạt video Cà Phê Triết Đạo đã được đăng tải trên kênh https://bit.ly/caphetrietdao

cafe-thu-thiet.jpg

Đón đọc kỳ sau: Nghi thức cà phê trong hành trình kiến tạo tương lai

Bài liên quan
Quy định chống phá rừng của châu Âu có lợi cho cà phê Việt Nam
Hãng tin AP nhận định Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR) sẽ gây xáo trộn thị trường cà phê toàn cầu. Một số quốc gia như Việt Nam, Brazil sẽ hưởng lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 92: Hàng quán cà phê và sự hình thành các thiết chế xã hội