Theo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức mà Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến, để xử lý cán bộ vi phạm khi đương chức nhưng nay đã về hưu, một trong 2 phương án đề nghị chỉ xử lý chức vụ lãnh đạo từ cấp thứ trưởng hoặc tương đương trở lên ở trung ương và cấp phó chủ tịch tỉnh hoặc tương đương trở lên ở địa phương.

Kỷ luật cán bộ về hưu: Chỉ áp dụng với cấp thứ trưởng, phó chủ tịch tỉnh trở lên?

Trí Lâm | 26/01/2019, 18:30

Theo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức mà Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến, để xử lý cán bộ vi phạm khi đương chức nhưng nay đã về hưu, một trong 2 phương án đề nghị chỉ xử lý chức vụ lãnh đạo từ cấp thứ trưởng hoặc tương đương trở lên ở trung ương và cấp phó chủ tịch tỉnh hoặc tương đương trở lên ở địa phương.

          

2 phương án trình Chính phủ

Về xử lý kỷ luật, theo Bộ Nội vụ, các ý kiến đều tán thành với việc bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc đã chuyển công tác nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, nhằm đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc về phạm vi áp dụng đối với đối tượng này, theo đó chỉ nên áp dụng quy định đối với những người giữ chức vụ, quyền hạn nhất định mà không quy định chung đối với tất cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác.

Ban soạn thảo xin ý kiến Chính phủ về 2 phương án:

Phương án 1: Quy định xử lý kỷ luật đối với tất cả cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong quá trình công tác nay đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mà không còn là cán bộ, công chức, viên chức.

Phương án 2: Quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên ở trung ương và cấp phó chủ tịch tỉnh và tương đương trở lên ở địa phương có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quá trình công tác nay đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mà không còn là cán bộ, công chức.

Theo Bộ Nội vụ, việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, theo quy định của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức thì thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm đến khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật.

Quy định thời hiệu như vậy thực tế là quá ngắn, không bảo đảm tính nghiêm khắc đối với việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm. Một số trường hợp đã bị xử lý kỷ luật về Đảng (hoặc đã bị xử lý hình sự nhưng cho hưởng án treo) khi xét kỷ luật theo quy định của Luật thì đã hết thời hiệu.

Nhiều bất cập trong vị trí việc làm

Theo Bộ Nội vụ, về đối tượng áp dụng của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vẫn quy định công chức bao gồm cả những người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp 2 công lập.

Quy định này trên thực tế đã phát sinh một số vướng mắc trong quá trình thực hiện, theo đó viên chức được bổ nhiệm vào bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập hầu hết không muốn chuyển sang giữ ngạch công chức. Trong khi đó các trường hợp công chức được điều động sang làm lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập thì đương nhiên vẫn giữ ngạch công chức.

“Điều này dẫn đến sự không thống nhất trong việc thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng cơ chế quản lý đối với đối tượng này”, Bộ này nêu.

Về việc xây dựng vị trí việc làm và thực hiện việc quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm, theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức thì vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức để xác định biên chế, số lượng người làm việc và bố trí, sử dụng công chức, viên chức.

Tuy nhiên, do chưa xác định rõ việc xây dựng vị trí việc làm là bắt buộc, đồng thời còn có sự đồng nhất giữa vị trí việc làm và biên chế, số lượng người làm việc nên việc triển khai các quy định liên quan đến vị trí việc làm trong thời gian vừa qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể là, danh mục vị trí việc làm ở các cơ quan, tổ chức hành chính chưa đồng bộ với việc mô tả vị trí việc làm; bản mô tả, phân tích quy trình giải quyết công việc chưa được hướng dẫn cụ thể để triển khai. Từ đó dẫn tới việc xác định vị trí việc làm và số lượng vị trí việc làm chưa chính xác, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Việc xây dựng khung năng lực vị trí việc làm còn định tính, vì vậy, hiện nay hầu hết đều dựa vào quy định tiêu chuẩn ngạch, bậc công chức để làm căn cứ xác định khung năng lực vị trí việc làm. Điều này chưa đáp ứng được yêu cầu của xác định vị trí việc làm.

Chính sách thu hút nhân tài chưa đạt

Cũng theo Bộ Nội vụ, hiện chưa có tiêu chí đánh giá về khối lượng công việc để làm căn cứ tính toán xác định khoa học số lượng người ở mỗi vị trí việc làm hoặc để xác định một người có thể kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Từ đó dẫn đến khó khăn trong quá trình xác định biên chế công chức và số lượng viên chức theo vị trí việc làm.

Hơn nữa, cơ chế tuyển dụng công chức, viên chức hiện nay vẫn chưa thực sự gắn với vị trí việc làm, chưa xây dựng được cơ chế để tuyển chọn được người có tài năng, đáp ứng được ngay các yêu cầu của vị trí việc làm; chưa gắn thẩm quyền của người trực tiếp sử dụng công chức với thẩm quyền quyết định tuyển dụng.

Ngoài ra, quy định tuyển dụng theo quy trình thi tuyển hoặc xét tuyển hiện nay cũng bộc lộ một số hạn chế, chưa có độ “mở” cần thiết để có thể tuyển dụng được đúng người phù hợp với công việc, đặc biệt là trong công tác tuyển dụng, thu hút nhân tài, tạo cơ chế liên thông giữa nguồn nhân lực ở khu vực công và khu vực tư; cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Về chính sách thu hút nhân tài chưa có trọng tâm, chưa trọng điểm và chưa có chiến lược dài hạn về đào tạo, thu hút, sử dụng nhân tài. Các quy định về thu hút nhân tài chủ yếu mới chỉ ưu tiên về tuyển dụng đầu vào, chưa tạo được cơ chế, môi trường làm việc độc lập, cạnh tranh, sáng tạo để người tài có điều kiện phát huy tài năng.

Lam Thanh

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
17 phút trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ luật cán bộ về hưu: Chỉ áp dụng với cấp thứ trưởng, phó chủ tịch tỉnh trở lên?