Trẻ chưa biết dùng ngôn từ để mô tả cảm xúc của chúng khi gặp phải những tình huống bực bội hoặc điên tiết, vì vậy chúng hành động thay vì dùng lời nói.

Kỷ luật không nước mắt – Làm sao đối phó cơn giận dỗi của trẻ?

FN | 06/07/2019, 06:16

Trẻ chưa biết dùng ngôn từ để mô tả cảm xúc của chúng khi gặp phải những tình huống bực bội hoặc điên tiết, vì vậy chúng hành động thay vì dùng lời nói.

Hành động đó có thể dao động theo mức độ từ một cơn giông gió đến một trận cuồng phong, tùy theo hoàn cảnh và tính cách của trẻ.

Khi bắt đầu cơn giận, trẻ sẽ thu hút được sự chú ý của bạn. Vì vậy, cho dù mức độ nghiêm trọng của cơn giận dỗi đến đâu thì mục tiêu của bạn là phải làm trẻ hiểu hành vi làm mình làm mẩy sẽ hoàn toàn không đem lại lợi ích gì và chẳng dẫn đến đâu cả. Thay vì la hét hay có hành vi xấu, trẻ cần nói ra được cảm xúc của chúng. Việc của bạn là dạy trẻ cách làm được điều đó, đồng thời bạn phải nhận thức được rằng quá trình học kỹ năng này của trẻ cần có thời gian và sự lặp đi lặp lại liên tục.

Áp dụng Chiến lược Toàn diện - Làm mẫu cho hành vi tốt để đặt nền tảng cho việc đối phó với cơn giận dỗi của con. Trẻ sẽ học được cách quản lý cảm xúc thông qua việc quan sát cách xử lý của người lớn (đầu tiên là cha mẹ). Vì vậy, trước khi bạn bắt đầu dạy con cách thể hiện cảm xúc bằng lời nói thay vì tức giận, hãy nhìn chăm chú vào gương và, nếu cần, hãy điều chỉnh bản thân bạn trước đã.

Các cơn giận dỗi là hành vi hoàn toàn bình thường đối với một đứa trẻ, nhưng tất nhiên là dù có như vậy, bạn cũng không dễ dàng hơn trong việc xử lý chúng. Bạn hãy cố gắng giải quyết mà không giận dữ hay bị khuất phục. Đây là những lời khuyên của chúng tôi:

• Giữ bình tĩnh. Sẽ hữu ích nếu bạn tự nhắc nhở mình rằng cơn giận dỗi của con là tự nhiên và đó không phải là phản ứng xấu. Áp dụng chiến lược Vờ không quan tâm (trong Chiến lược Toàn diện ở Chương 2) đối với tiếng ồn; tiếp tục làm việc của mình nếu bạn có thể và chờ đợi cơn bão lòng của con đi qua. Nếu bạn đang ở nơi công cộng, hãy đưa trẻ đến nơi vắng vẻ nhất có thể và chỉ cần ở lại với bé cho đến khi cơn ăn vạ lắng xuống.

• Không tỏ ra tức giận hay chán ghét. Con của bạn đang trải qua một chuyện khá là thách thức. Vì vậy, đừng làm cho tình hình tồi tệ hơn bởi vì bạn sẽ không thể bắt con dừng lại bằng cách làm bé xấu hổ.

• Đừng chiều chuộng. Đừng để con có được bất cứ điều gì mà con đang vòi vĩnh. Xoa dịu hay chiều ý con sẽ chỉ khuyến khích hành vi xấu này và làm tăng khả năng tái diễn mà thôi.

• Đừng cố nói lý trong lúc con đang bùng nổ. Lúc này, con đang là một đại dương sôi sục cảm xúc và không còn tâm trí nào để nghe bạn nói về logic hay lý lẽ.

• Không đe dọa trừng phạt. Nói với con những câu đại loại như: “Nếu con không thôi đi thì ba sẽ cho con khóc đã luôn”, cũng giống như đổ thêm dầu vào lửa vậy.

• Gọi tên và thừa nhận cảm xúc của con. Khi con giận dỗi và mất kiểm soát, hãy nói với con rằng: “Mẹ hiểu con đang tức điên lên”. Một sự đồng cảm đơn giản như vậy cũng đủ để bé hiểu cảm giác tức giận không phải là điều xấu xa, con chỉ cần học cách thể hiện nó tốt hơn.

• Hãy để cơn thịnh nộ tự chuyển biến. Áp dụng chiến lược Rút lui và Phớt lờ sẽ phù hợp nhất cho bạn. Nếu bé còn quá nhỏ, bạn chỉ cần ngồi bên cạnh và tự giữ bình tĩnh là đủ. Với bé lớn hơn, bạn có thể nói với con: “Ba biết con đang tức giận nhưng con sẽ phải vào phòng để khóc”. Hoặc bạn chỉ cần nói nhẹ nhàng nhưng dứt khoát: “Con vào phòng để bình tĩnh lại đi”.

• Giảm thiểu tương tác vật lý. Nếu cơn giận của trẻ đang chuyển sang hướng động tay động chân thì hãy đưa bé đến nơi an toàn, ít nguy cơ trẻ tự làm hại mình. Bạn cũng có thể dùng các rào cản vật lý để ngăn bé khỏi kích động tay chân. Đừng để con tấn công bạn hay bất cứ ai khác, hoặc tự làm tổn thương chính mình, hủy hoại tài sản của bé hay người khác.

• Nhớ rằng con của bạn không phải là kẻ thù. Hãy luôn nhớ rằng con trẻ cần bạn giúp học cách cư xử chín chắn. Bé cần biết khi chúng mất khả năng tự kiểm soát thì sẽ có cha mẹ ở cạnh bên để giúp chúng lấy lại bình tĩnh. Nếu bạn đáp trả sự bùng nổ của con bằng tiếng quát tháo hay đòn roi thì bạn đã vuột mất cơ hội trở thành hình mẫu cho con trong cách xử lý những cảm xúc khó chịu. Khi con bình tĩnh trở lại và cơn giận đã qua đi, đó chính là thời điểm thích hợp để bắt đầu hàn gắn và vỗ về, an ủi tinh thần con. Hãy lau mặt con, cho bé uống nước, để những gì đã qua thuộc về quá khứ và quay trở lại với mối quan hệ gia đình tốt đẹp của bạn.

Một cuộc trò chuyện ngắn để tái khẳng định với con rằng việc có cảm xúc tức giận không phải là chuyện sai trái hay xấu xa, nhưng con phải nói ra điều đó thay vì vật vã giận dỗi. Đừng kéo con trở lại với cảnh tượng đã kết thúc khi mà con vừa bình tâm lại. Sau đó, bạn có thể vận dụng phương pháp Huấn luyện và Thực hành để con thực tập lại tình huống đã khiến con nổi giận.

Với trẻ lớn hơn, bạn có thể thảo luận về nguyên nhân gây ra sự bùng nổ cảm xúc của con và cách giải quyết vấn đề đó. Nếu hợp tác cùng nhau, bạn và con có thể truy được đến gốc rễ của vấn đề và giúp con tìm được cách bộc lộ cảm xúc tức giận của mình hiệu quả hơn trong tương lai. Nhưng một lần nữa, đây cũng nên là cuộc trò chuyện rất ngắn chứ không nên dài dòng thuyết giáo.

Những mục tiêu chính bạn cần đạt được trong cơn cáu giận của con là tránh tăng cường hành vi xấu này, giúp con nói ra cảm xúc và hướng dẫn con một hành vi thay thế hợp lý hơn, còn việc lấy lại bình tĩnh là nhiệm vụ của con. Bạn can thiệp để giáo dục con và giúp con vượt qua cơn cáu giận, nhưng bạn không cần gánh lấy trách nhiệm giải quyết những cảm xúc của con mỗi lần bé phiền muộn. Trẻ cần phải trải nghiệm chu kỳ bình tĩnh - khó chịu - bình tĩnh để học cách tự quản lý bản thân và cảm xúc của mình. Hãy luôn hành xử nhất quán với con để bé biết mình có thể mong đợi gì từ bạn vào những lúc tinh thần bất ổn vì trẻ rất dễ hiểu sai và nhầm lẫn trong những tình huống đó.

Bạn cần lưu ý rằng Chiến lược Toàn diện - Sử dụng phần thưởng và các yếu tố khích lệ không thích hợp khi con đang giận dỗi. Bất kỳ phần thưởng nào, cho dù có thể ngăn được cơn cáu giận, thì cũng sẽ củng cố hành vi xấu kia và về lâu dài, bạn sẽ cần ngày càng nhiều phần thưởng hơn. Thay vào đó, hãy khen ngợi ngay khi thấy con bắt đầu dịu lại. Bạn thậm chí có thể làm điều này ngay khi bé ngừng khóc hoặc la hét để thở lấy hơi.

Tranh thủ những khoảng lặng này để dịu dàng nói với con những câu như: “Ồ, tốt rồi, con bắt đầu bình tĩnh lại rồi đó”. Cách làm này có thể hạ nhiệt cơn giận của bé ngay lúc ấy. Sau đó, khen ngợi con vì cuối cùng con đã bình tâm trở lại. Sau tất cả, khi con bắt đầu lắng xuống thì đừng chấp nhất sự bực tức nào còn sót lại, bất kể bạn cảm thấy phiền lòng thế nào, có như vậy thì bạn mới không làm nó tái phát lần nữa.

Theo Kỷluật không nước mắt
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ luật không nước mắt – Làm sao đối phó cơn giận dỗi của trẻ?