Ngoài bài giảng chuyên môn, tôi học ở thầy phong cách sống, cách đối nhân xử thế, với cả những kẻ ganh ghét mình.

Kỷ niệm của học trò với thầy Trần Hữu Tá

Nguyễn Văn Mỹ | 30/11/2022, 13:52

Ngoài bài giảng chuyên môn, tôi học ở thầy phong cách sống, cách đối nhân xử thế, với cả những kẻ ganh ghét mình.

Trước 1975, đang học năm thứ nhất Đại học Luật khoa Sài Gòn, tôi thoát ly tham gia chiến dich Hồ Chí Minh trong nội thành. Sau ngày thống nhất đất nước, tôi nghỉ học rồi mải mê với công tác Đoàn, từ xã lên huyện, trở lại Thành Đoàn rồi xung phong đi bộ đội rồi “xuất ngoại” qua Campuchia giúp nước bạn.

Năm 1983, chuyển ngành về lại Thành Đoàn, tôi làm công tác Thiếu nhi rồi quyết chí đi học lại. Không thể nghỉ việc, học chính qui, thì vừa làm vừa học tại chức. Tôi chọn Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư Phạm TP.HCM vì liên quan đến công việc. Vào trường học, mình có thể nói chuyện “bình đẳng” với các thầy cô như những đồng nghiệp chung trường.

thay-ta-6680-1402.jpg
PGS-TS– Nhà giáo ưu tú Trần Hữu Tá

Khóa có 2 lớp học chung với hơn 100 người. Đa phần là thầy cô đang làm quản lý và viên chức ngành giáo dục. Số ít cán bộ Đoàn, trong đó có tôi. Tôi cố học để chứng minh rằng “cán bộ Đoàn cầu thị và chịu học”. Các thầy cô để lại nhiều ấn tượng trong tôi và có thầy cô trẻ hơn sinh viên. Tôi ấn tượng nhất với thầy Lê Trí Viễn và thầy Trần Hữu Tá.

Thầy Viễn có vẻ nghiêm khắc, sinh viên ít dám gần. Ngược lại, thầy Tá bình dị, cởi mở, quan tâm đến từng sinh viên. Ngoài bài giảng chuyên môn, tôi học ở thầy phong cách sống, cách đối nhân xử thế, với cả những kẻ ganh ghét mình. Lúc nào cũng trầm tĩnh, lắng nghe, phân tích có tình có lý. Không chỉ truyền lửa, thầy còn làm gương bằng thái độ lao động miệt mài, nghiêm túc, chỉn chu và truyền đạt khối kiên thức sâu rộng, thực tiễn. Ngoài dạy học, thầy còn là nhà nghiên cứu văn học chuyên sâu, nhà báo với những bài viết sắc sảo.

Ít ai biết, mới hơn 20 tuổi, thầy đã được kết nạp Đảng, lúc đang dạy hoc ở tuyến lửa Quảng Bình. Khi thầy chuyển về Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư Phạm TP.HCM, có người đố ky, xúc xiểm; làm đơn vu thầy khai gian lý lịch, bởi thời đó, chỉ kết nạp Đảng ở chiến trường. Họ không biết hoặc giả vờ không biết, dạy học ở tuyến đầu, cũng gian nan và nguy hiểm không kém ở chiến trường, thậm chí vất vả hơn vì thiếu thốn đủ thứ. Tổ chức xác minh, mọi việc sáng tỏ, mặc người tố cáo xằng hậm hực, thầy vẫn được tín nhiệm, ung dung, tự tại.

Biết tính tôi gàn bướng, nóng nảy, thầy nhẹ nhàng tinh tế góp ý để không tự ái mà thấm dần. Có đôi lúc, tôi “cãi” thầy như chuyện “nét ngài” của Thúy Vân và vài nội dung khác. Thầy chăm chú, lắng nghe, khuyến khích. Dù đồng thuận hay không, thầy cũng phân tích và tôn trọng ý kiến phản biện của sinh viên. Có lúc tôi cố chấp, làm bài ngược với sách giáo khoa vì tôi tin mình đúng, thầy vẫn châm chước bỏ qua, thay cho sự đồng tình gián tiếp.

Làm hướng dẫn viên trên khắp nẻo đường, tôi rất cảm kích vì thường nhận được điện thoại thầy hỏi thăm, khen và cả góp ý khi đọc các bài viết hoặc xem mấy phóng sự về học trò. Có lần, được thầy khen “hơi quá”, tôi ái ngại bày tỏ nhưng thầy động viên “Em xứng đáng được như vậy”.

Khi về hưu, thầy làm Hiệu trưởng Dân lập Trương Vĩnh Ký (Q.Tân Bình), ngôi trường phổ thông khang trang, chuẩn mực nhất cả nước đầu những năm 2000. Trường có hồ bơi, sân bóng đá, thang máy và nhiều tiện nghi hiện đại khác.

Thầy lại dốc lòng góp phần đột phá, phát triển mô hình trường tư thục ở thành phố. Nhiều năm liền, trường chọn công ty lữ hành của tôi làm đối tác trong các hoạt động ngoại khóa thực tiễn. Từ việc đem các trò chơi dân gian, leo vách thẳng đứng với thiết bị chuyên dùng vào trong trường đến các chuyến dã ngoại thử thách. Trường Trương Vĩnh Ký là nơi từng khởi xướng nhiều hoạt động sáng tạo như: Ngày Hội trường, Lễ Tri ân, Lễ Trưởng thành...

Mấy lần đến thăm, dù sức khỏe có phần giảm sút, thầy vẫn minh mẫn và đau đáu chuyện nghề, chuyện đời. Có lãnh đạo địa phương đến thăm, khuyên thầy nên nghỉ ngơi, đừng góp ý này nọ. Họ bảo việc thầy làm, lời thầy nói không sai nhưng “không nên làm”. Thầy cười, nhỏ nhẹ: “Tôi chỉ làm đúng trách nhiệm của nhà giáo – đảng viên”.

Khi Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư Phạm TP.HCM mở lớp Du lịch trong ngành Việt Nam học, thầy làm cầu nối để lãnh đạo khoa gặp gỡ và mời tôi về thỉnh giảng vì tôi là cựu sinh viên của khoa và đang thỉnh giảng nhiều nơi. Thời đó, giảng viên ngành du lịch thiếu trầm trọng, có tuần tôi dạy 8 – 9 buổi. Nếu xét về bằng cấp, tôi không thể dạy đại học nhưng kỹ năng và kiến thức thực tiễn của tôi là một lợi thế.

Tôi còn mời thêm một số cựu sinh viên đang dạy du lịch về đầu quân cho Đại học Sư phạm TP.HCM như cô Võ Cẩm Nhung hay thầy Trương Hoàng Phương… Hơn chục năm trước, tôi còn được may mắn mấy lần làm hướng dẫn viên đưa thầy và các bạn từ thời tiểu học đi du lịch cùng cô giáo năm xưa.

Học trò toàn U80, cô giáo U90, đầu tóc bạc trắng nhưng ai cũng vẫn còn mạnh khỏe và nhanh nhẹn. Đặc biệt là sự trẻ trung và tình nghĩa cô - trò sâu đậm đến khó tin. Ở tuổi đó, chỉ có những nhà giáo chân chính mới thảnh thơi, tự tại, lạc quan và tình nghĩa như vậy. Trong đoàn có cô Đàm Lê Đức (sáng lập trường 218 Lý Tự Trọng, trường PTCS và PTTH Đức Trí), người bạn rất thân với thầy.

Trong dịch, biết thầy ốm nặng mà không thể đến thăm. Gần hai tháng trước, xem chương trình “Mai vàng nhân ái” (báo Người Lao động) ghé thăm và tặng quà, thấy thầy rất yếu. Thầy chỉ “nói” bằng ánh mắt và gặp qua cửa kính vì thầy chưa được tiêm chủng COVID-19.

Biết rằng bánh xe thời gian nghiệt ngã, không ai cản bước được. Biết rằng quy luật “Sinh – bệnh – lão – tử” không thể thay đổi nhưng hay tin thầy ra đi vẫn khiến tôi bàng hoàng.

Xin cảm ơn thầy về tất cả. Con nguyện không phụ lòng thầy. Con không về kịp tiễn thầy về chốn vĩnh hằng, xin viết vội những dòng này thay nén nhang bái vọng.

Nguyễn Văn Mỹ

PGS-TS– Nhà giáo ưu tú Trần Hữu Tá, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM, nguyên trưởng khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, nguyên Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Trương Vĩnh Ký đã qua đời vào tối ngày 27.11. Ông hưởng thọ 86 tuổi.

PGS-TS-nhà giáo ưu tú Trần Hữu Tá sinh năm 1936 tại Hưng Yên, theo học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội từ năm 1956-1959. Ông từng là giảng viên Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau năm 1975, ông chuyển vào TP.HCM và có nhiều năm công tác tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, lần lượt giữ cương vị Phó, Trưởng khoa Ngữ văn.

Ông không chỉ tác giả hàng chục cuốn sách văn học cùng nhiều bài nghiên cứu, phê bình văn học mà đặc biệt ông là chủ biên sách giáo khoa môn ngữ văn lớp 11, đồng chủ biên sách giáo khoa ngữ văn lớp 12 của những chương trình phổ thông trước đây. Không chỉ vậy, ông thường xuyên có những bài viết, những ý kiến đóng góp cho ngành giáo dục như chế độ thi cử, chính sách tiền lương, đãi ngộ giáo viên, giáo dục học sinh…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm của học trò với thầy Trần Hữu Tá