Mặc dù được đánh giá là có nhiều ưu điểm, nhưng việc áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật đang có xu hướng gia tăng và bị lạm dụng. Việc một luật sửa nhiều luật làm cho hệ thống pháp luật trở nên thiếu ổn định, cồng kềnh, khó kiểm soát, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp”, bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp nói.

Kỹ thuật 'một luật sửa nhiều luật' đang gia tăng và bị lạm dụng, thêm khó cho DN

03/07/2020, 20:22

Mặc dù được đánh giá là có nhiều ưu điểm, nhưng việc áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật đang có xu hướng gia tăng và bị lạm dụng. Việc một luật sửa nhiều luật làm cho hệ thống pháp luật trở nên thiếu ổn định, cồng kềnh, khó kiểm soát, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp”, bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp nói.

Tọa đàm Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh - Ảnh: VGP

Một luật sửa nhiều luật đang bị lạm dụng

Tại tọa đàm “Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh” diễn ra ngày 3.7, có ý kiến cho rằng việc áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật chưa phát huy hiệu quả như mong đợi. Bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết trên thực tế, có 2 hình thức một luật sửa nhiều luật được áp dụng.

Đầu tiên là hình thức một văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch...

“Hình thức này cho phép gom tất cả các văn bản có liên quan do cùng một cơ quan ban hành vào để cùng sửa một lần. Cách làm này tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức cho cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như các cơ quan trong quá trình thẩm định, thẩm tra, xem xét, thông qua văn bản quy phạm pháp luật. Hình thức này đúng nhất với bản chất của kỹ thuật một văn bản sửa nhiều văn bản ", bà Lan nói.

Hình thức khác là một luật mới được ban hành trong đó sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một hoặc một số điều trong một số luật do cùng một cơ quan ban hành. Ðược sử dụng tương đối phổ biến, hình thức này chỉ sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số điều, khoản của một số luật có liên quan trong luật mới ban hành để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Theo bà Lan, do việc đồng thời sửa nhiều quy định của một số luật hiện hành nên tính công khai, minh bạch của hình thức này không rõ ràng như hình thức thứ nhất và có thể, nhiều nội dung không được xem xét một cách thấu đáo và cẩn trọng.

“Mặc dù được đánh giá là có nhiều ưu điểm nhưng việc áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật đang có xu hướng gia tăng và bị lạm dụng. Việc một luật sửa nhiều luật làm cho hệ thống pháp luật trở nên thiếu ổn định, cồng kềnh, khó kiểm soát, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp”, bà Lan nói.

Theo bà Lan, việc áp dụng tương đối tùy tiện kỹ thuật một luật sửa nhiều luật xuất phát từ những nguyên nhân như chưa có sự thống nhất về cách hiểu và cách áp dụng kỹ thuật lĩnh vực này; một số luật được sửa đổi, bổ sung được áp dụng đồng thời cả 2 hình thức nêu trên.

“Thực tế cho thấy các trường hợp được áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật như hiện nay là quá rộng, khó kiểm soát. Đặc biệt với trường hợp trong văn bản đề nghị ban hành có nội dung liên quan một hoặc nhiều văn bản khác do cùng một cơ quan ban hành mà trong văn bản đề nghị ban hành có quy định khác với văn bản đó”, bà Lan chia sẻ.

Ðể khắc phục những hạn chế và bất cập nêu trên, theo bà Lan, cần có giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần luật hóa các trường hợp một văn bản sửa nhiều văn bản trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cần quy định các tiêu chí cụ thể, điều kiện chặt chẽ cho việc áp dụng kỹ thuật này, chủ yếu áp dụng hình thức thứ nhất như đã nêu ở trên, tránh lạm dụng khi chưa xem xét thấu đáo toàn bộ hệ thống pháp luật…

Không bộ, ngành nào muốn tự cắt bỏ ĐKKD ngành mình

Liên quan đến vấn đề này, cũng có quan điểm cho rằng rất khó để thuyết phục các cơ quan quản lý tự đề xuất cắt bỏ các quy định quản lý chuyên ngành khi mà tư duy quản lý vẫn theo nếp cũ, thậm chí quan niệm “quyền anh, quyền tôi” vẫn tồn tại.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng các bộ, ngành hiện nay cũng biết cách làm thế nào để thực sự hiện đại theo cách quản lý hiện đại. Vấn đề ở đây là sự chần chừ trong việc thay đổi. Chần chừ ở đây có một số lý do tương đối mang tính quyền lợi một chút.

“Thực sự qua một thời gian làm việc với rất nhiều doanh nghiệp và các bộ ngành, chúng tôi thấy sự chần chừ đó còn tồn tại. Tất nhiên ở các bộ, ngành sẽ có những thay đổi khác nhau. Bản thân trong một bộ khi đưa ra những quy định quản lý trong lĩnh vực khác nhau cũng có sự tiếp cận khác nhau”, bà Thảo nói.

Cũng theo chuyên gia này, không có Bộ ngành nào tự đưa ra hoặc đơn giản hóa, cắt bỏ điều kiện này, quy định kia. Khoảng 3 năm gần đây, sau khi có chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, phản ánh của doanh nghiệp thì tạo ra áp lực buộc các bộ, ngành phải chủ động rà soát lại các quy định của họ, xem quy định nào thực sự không rõ ràng thì được điều chỉnh sửa đổi lại, quy định nào không hợp lý đã được loại bỏ.

Tuy nhiên, bà Thảo nói rằng dường như chỉ mới cắt đi hoặc đơn giản hóa những cái đơn giản, còn những cái đem lại quyền lực cho các bộ, ngành thì vẫn còn những quy định như vậy.

Ngoài ra, theo bà Thảo, trong việc sửa đổi, rà soát thì vai trò kết nối với hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia để giúp nhận diện đâu là điểm nghẽn cũng như giải pháp tháo gỡ, bởi có nhiều trường hợp các bộ, ngành nhìn thấy vấn đề, bất cập nhưng họ không biết dùng công cụ, cách thức nào để xử lý bất cập đó.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhìn nhận mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 là khó.

“Vì sao khó, vì cái dễ chúng ta đã làm. Bây giờ những cái khó phải đi vào chiều sâu hơn, đụng chạm đến quyền lợi của nhiều ngành”, ông Nam nói và cho biết điều này còn khó vì phải phụ thuộc rất nhiều vào sự sửa đổi kịp thời của các văn bản pháp luật khác, vì bản thân người thực hiện cũng là một công chức, phải thực hiện công vụ của mình theo luật, nên phải chờ đợi văn bản quy định để tổ chức thực hiện.

Ông Nam cũng nhấn mạnh, đến giai đoạn này, bắt buộc cán bộ ngoài nhiệt huyết cần phải có trình độ. Nếu chỉ có quyết tâm và nhiệt huyết, chính trị nhưng không đủ trình độ thì rất khó đổi mới cũng như tiếp cận trình độ mới, cập nhật thông tin khái quát, toàn diện hơn, tiếp cận với các hệ thống điện tử… đòi hỏi cán bộ phải có năng lực.

“Về dư địa, bắt buộc phải lựa chọn: Thứ nhất theo nguyên tắc, thủ tục nào có thể bỏ được, ta nên bỏ. Thứ hai, thủ tục nào có thể hậu kiểm được nên chuyển sang hậu kiểm. Thủ tục nào có thể sử dụng bằng điện tử, tin học thì chúng ta nên sử dụng”, ông Nam nêu.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỹ thuật 'một luật sửa nhiều luật' đang gia tăng và bị lạm dụng, thêm khó cho DN