Các ngân hàng thương mại khẳng định nguồn tiền hiện rất dồi dào, sẵn sàng cho vay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn khát vốn bởi phải có đủ điều kiện, có phương án khả thi mới được vay.
Tình trạng này được đại diện các doanh nghiệp và ngân hàng nêu ra tại hội nghị kết nối hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 2.7.
Tại hội nghị, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM Nguyễn Hoàng Minh cho biết trong 6 tháng đầu năm, ngành ngân hàng thành phố đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp. Tính đến ngày 29.6, ngân hàng đã giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay với lãi suất thấp, đến đạt 384.610 tỉ đồng cho 230.700 khách hàng.
Cùng với đó, các ngân hàng đã cho vay lãi suất ưu đãi ngắn hạn bằng VNĐ (lãi suất không quá 5%/năm) đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực: doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Dư nợ đến cuối tháng 5.2020 đạt 175.792 tỉ đồng với 31.337 khách hàng.
Ngoài ra, ngân hàng còn trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cụ thể từng trường hợp theo danh sách doanh nghiệp được phản ánh qua các sở ngành, quận huyện và hiệp hội doanh nghiệp gửi đến. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM đã tiếp nhận 704 trường hợp được các đơn vị gửi về, trong đó đang xử lý 165 trường hợp; đã có kết quả xử lý 539 trường hợp. Còn các ngân hàng thương mại hỗ trợ chủ yếu tập trung 2 nhóm là giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ.
Trong khi đó, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Nguyễn Phước Hưng nói rằng sau đại dịch COVID-19, doanh nghiệp phải khôi phục lại sản xuất kinh doanh nên sẽ có các nhu cầu liên quan đến ngân hàng. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn mặt bằng lãi vay hạ thấp hơn phù hợp với quốc tế.
“Một số doanh nghiệp kiến nghị về mặt chính sách, đề nghị mở rộng đối tượng hỗ trợ cho cả những trường hợp sản xuất kinh doanh ít thiệt hại, thậm chí không bị thiệt hại vì mục tiêu phát huy khả năng hồi phục của nền kinh tế. Thủ tục lúc này cần phải đơn giản để nhiều doanh nghiệp nhận được hỗ trợ ngay và cần xem xét thủ tục phải chứng minh mức độ thiệt hại”, ông Hưng đề xuất.
Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng nói rằng TP.HCM mong muốn ngân hàng giúp sức những vấn đề cụ thể cho từng doanh nghiệp, cho 14 hiệp hội ngành nghề của thành phố. Hoạt động kết nối ngân hàng với doanh nghiệp phải được xuyên suốt với sự hợp tác trách nhiệm của từng quận huyện, sở ngành, từng ngân hàng và sự nỗ lực kiên trì của từng doanh nghiệp.
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng giữa các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cần được chia sẻ nhiều hơn; mạnh dạn hơn, nhưng vẫn đảm bảo những nguyên tắc về chất lượng, hiệu quả tín dụng. Muốn có hiệu quả thì phải tư vấn, đồng hành cùng doanh nghiệp như người bạn chứ không có cơ chế xin cho.
Do vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục; quy định cần thông thoáng để đánh giá khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 phù hợp với thực trạng, tình hình thực tế. Các ngân hàng sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp và Ngân hàng Nhà nước cam kết đồng hành cùng TP.HCM, góp phần phát triển kinh tế của thành phố.
Phan Diệu