Sáng 21.5, BS.CK2 Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ vừa cứu sống 1 bệnh nhân rất nguy kịch, ngưng tim ngoài bệnh viện do vỡ túi phình mạch máu não.
Bệnh nhân là ông T.T.L. (42 tuổi, ngụ P.Hưng Lợi, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Vào sáng 8.5, bệnh nhân cảm thấy đau đầu, mệt mỏi nên đến khám tại Bệnh viện H.Phong Điền. Trong lúc thăm khám, bệnh nhân đột ngột tím tái, ngưng thở nên được cấp cứu hồi sức tim phổi và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Trong quá trình chuyển viện, bệnh nhân ngưng tim ngưng thở lần 2 và được cấp cứu thành công. Khi nhập viện, tình trạng bệnh nhân rất nặng, nguy cơ tử vong cao, hôn mê sâu, thở ngáp, tím tái toàn thân, phản xạ đồng tử yếu, huyết áp cao 240/160 mmHg. Bệnh nhân nhanh chóng được đặt ống thở và thở máy.
Kết quả CT-scan sọ não cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết khoang dưới nhện. Kết quả DSA mạch máu não: xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình động mạch đốt sống bên phải. Ê-kíp can thiệp nội mạch gồm BS Trịnh Thành Tín và BS.CK1 Trần Công Khánh đã tiến hành can thiệp sử dụng 3 coil làm bít túi phình động mạch đốt sống. Sau gần 2 giờ can thiệp, các bác sĩ đã làm bít hoàn toàn túi phình mạch não và tái thông dòng máu trở lại bình thường.
Bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để hồi sức nội khoa sau can thiệp. Quá trình hồi sức sau đó diễn ra cũng rất khó khăn do ông L. viêm phổi nặng vì hít sặc thức ăn trong quá trình hôn mê ban đầu. Bệnh nhân sốt cao 39 - 40độ C liên tục, kích thích, vật vã. Tuy nhiên với sự quyết tâm và năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần.
Kết quả CT scan sọ não cho thấy bệnh nhân hết hiện tượng chảy máu não, hấp thu tốt lượng máu đã xuất huyết. Sáng 20.5, tập thể y bác sĩ và gia đình vui mừng khi bệnh nhân đã hồi sinh kỳ diệu, ngưng thở máy, rút ống thở, tri giác cải thiện rõ. Bệnh nhân tỉnh, trả lời và thực hiện y lệnh chính xác, hết sốt.
Hình ảnh CT sọ sau khi can thiệp - Ảnh: Phong Phạm
TS.BS Hà Tấn Đức - Trưởng đơn vị Can thiệp đột qụy của bệnh viện nói: “Túi phình động mạch đốt sống là bệnh lý hiếm gặp, chiếm khoảng 2% của tất cả các trường hợp túi phình trong não. Đây có thể coi là những sát thủ vô hình vì thường ít có triệu chứng đặc biệt. Nhưng khi có triệu chứng thì thường rất nặng do túi phình vỡ”.
Bệnh phình động mạch não có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, riêng nguy cơ vỡ phình mạch thường gặp nhất ở người già từ 55 - 65 tuổi trở lên. Có khoảng 20% ca phình mạch não xảy ra ở độ tuổi từ 15-45. Vỡ phình động mạch não là cấp cứu nội khoa bắt buộc phải điều trị can thiệp bằng cách này hay cách khác. Mục đích của can thiệp là loại bỏ phình mạch ngăn chặn chảy máu tái phát do vỡ lại.
Phương pháp can thiệp cần được tiến hành khẩn trương càng sớm càng tốt để ngăn chặn nguy cơ vỡ tái phát, tạo điều kiện cho việc điều trị tích cực để giảm thiểu các biến chứng khác hạn chế tử vong và di chứng do vỡ phình mạch. Thả coil vào túi phình là phương pháp lựa chọn hàng đầu thay thế cho phẫu thuật.
Ngoài yếu tố tuổi tác, những người thường xuyên hút thuốc lá; cao huyết áp; uống nhiều rượu, bia; lạm dụng thuốc; phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh có mức estrogen thấp; trong gia đình có người từng bị phình mạch não; người bị chấn thương, tổn thương mạch máu… là nhóm có nguy cơ bị phình mạch máu não, được khuyến cáo cần khám tầm soát bệnh lý nguy hiểm này.
Xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình mạch não là bệnh lý cấp cứu có tỷ lệ di chứng và tử vong cao. Vì vậy, bệnh nhân phải được chẩn đoán nhanh chóng và can thiệp kịp thời tại các trung tâm y tế lớn được trang bị máy móc hiện đại, đội ngũ bác sĩ can thiệp nội mạch nhiều kinh nghiệm và đặc biệt vai trò của đơn vị hồi sức tích cực sau can thiệp nhằm đạt được hiệu quả điều trị tối ưu nhất.
Phong Phạm