Cả làng tôi gốc Nghệ, cha được gọi là bọ hoặc thầy (có chút học vấn). Mẹ bảo “cha ít học, gọi là thầy ngại miệng nên gọi bố cho khác mọi người”. Bố mất, con đang ở trong rừng Cúc Phương (Ninh Bình). Về Hà Nội trong đêm rồi bay về Gài Gòn sáng sớm, đón xe ra Phan Thiết, vừa kịp liệm bố. Con vỡ òa tức tưởi vì sự vô tâm của mình. Mải mê công việc, giật mình thì bố đã vĩnh viễn đi xa. Nhưng những ký ức và kỷ niệm về bố vẫn luôn bên cạnh. Bố mất, con càng biết yêu mẹ hơn. Con không muốn lặp lại sự thờ ơ mà con từng đối với bố.

Ký ức về bố tôi

16/06/2019, 14:06

Cả làng tôi gốc Nghệ, cha được gọi là bọ hoặc thầy (có chút học vấn). Mẹ bảo “cha ít học, gọi là thầy ngại miệng nên gọi bố cho khác mọi người”. Bố mất, con đang ở trong rừng Cúc Phương (Ninh Bình). Về Hà Nội trong đêm rồi bay về Gài Gòn sáng sớm, đón xe ra Phan Thiết, vừa kịp liệm bố. Con vỡ òa tức tưởi vì sự vô tâm của mình. Mải mê công việc, giật mình thì bố đã vĩnh viễn đi xa. Nhưng những ký ức và kỷ niệm về bố vẫn luôn bên cạnh. Bố mất, con càng biết yêu mẹ hơn. Con không muốn lặp lại sự thờ ơ mà con từng đối với bố.

Minh họa. Nguồn: Internet

Hai mươi năm bố đi xa, chỉ là đi xa chứ không chết. Bố vẫn giản dị, chân quê; lúc nào cũng tất bật công việc. Hết việc nhà đến việc thiên hạ. Con chưa bao giờ thấy bố nghỉ trưa. Trước năm 1974, khi con vào Sài Gòn đi học, bố con mình vẫn luôn bên nhau trong việc đồng áng. Sau những bữa trưa đạm bạc, nghèo khó, con và các em thường nghỉ ngơi chốc lát, thì bố lại tranh thủ xách đồ nghề, đi kiếm thêm đồ ăn buổi tối. Từ việc bắt ếch, bắt cua, câu cá cho đến hái rau, xắn măng… Buổi tối, bố lại đi bẫy chim, bẫy dơi, bắt chuột nhum… kiếm đạm cho vợ con.

Bố không giỏi nhưng khéo tay, việc nào cũng rành. Từ thợ mộc, thợ nề, hớt tóc cho đến đan lát. Từ rổ rá, chổi quét, vật dụng trong nhà cho đến đồ chơi của tụi con, tự bố đan và làm tất, chẳng bao giờ tốn tiền mua. Bố cũng là người gói bánh tét giỏi nhất làng. Mẹ nói “cả làng không ai bao đồng như bố”. Ai nhờ việc gì là xăng xái hết lòng, không tính toán thiệt hơn. Với bố, giúp đỡ người khác là niềm vui và hạnh phúc của mình. Việc thiên hạ , bố cũng tận tụy như việc nhà mình. Việc gì bố cũng mày mò tự học nên biết hết.

Ngày chủ nhật là ngày bố hớt tóc miễn phí cho cả làng. Bộ đồ nghề gồm tông đơ, kéo sắt và dao cạo. Con không biết tuổi của nó nhưng do hoạt động quá sức nên thứ nào cũng cùn lụt. Lâu lâu, tông đơ và kéo lại nhấp tóc đau điếng. Có khi còn làm trầy da đầu. Khi đó, bố lại dùng miệng thổi vào vết trầy cho bớt đau. Hớt tóc chùa nên khách lúc nào cũng đông, đợi vài giờ là thường. Có bị nghiến tóc, trầy da cũng chẳng sao. Đau một chút nhưng không tốn tiền. Cái chính là tấm lòng nhiệt thành của người thợ không chuyên như bố.

Bố cao 1m60 và nặng chưa tới 50 ký nhưng nhanh nhẹn ít ai bằng. Thời làm phu lục lộ, bố từng đạt giải chạy việt dã và chơi bóng chuyền. Gánh nước, bố toàn gánh thùng đôi. Mỗi gánh 4 thùng thay vì 2. Làm thuê, bố thường nhận khoán chứ không tính ngày. Cày, cấy, nhổ cỏ, gặt, gánh…bố đều làm gấp rưỡi tới gấp đôi người khác.

Mùa gặt, thiên hạ dùng bò đạp lúa thì bố tự kéo trục đá. Bố bảo bò đạp không kỹ, chậm, lại còn hay đái ỉa làm bẩn sân. Bố kéo trục, con và em dùng nạng đẩy phụ. Nhiều lúc quá mệt, chúng con chỉ đẩy hờ, đi theo bố cũng bở hơi tai, sức đâu mà đẩy phụ. Bố biết nhưng chẳng nói gì vì tụi con còn quá nhỏ.

Bố hiền và ít nói, chưa bao giờ đánh các con. Tức quá thì la vài tiếng. Chuyện dạy các con là của mẹ. Mỗi lần làm gì sai, mẹ bắt nằm, hỏi tội và phạt roi tụi con, bố đều tránh mặt. Có vẻ bố cũng đau. Con chưa thấy ai dễ tính như bố. Ăn gì, mặc gì cũng được, chưa bao giờ đòi hỏi hay chê bai. Bố cũng chưa bao giờ to tiếng với mẹ. Ngược lại, mẹ hay cằn nhằn bố là “hiền quá hóa đần”. Mỗi lần như vậy, bố chỉ cười trừ hoặc lặng im. Con cũng chưa thấy bố giận ai bao giờ.

Thời nghèo khó, bao nhiêu đồ ăn bố đều nhường cho vợ và các con. Bố chỉ ăn đầu cá hoặc xương xẩu với rau. Bố thường băm đầu cá hoặc xương nhỏ rồi vo thành viên, làm thức ăn cho mình. Thấy bố ăn ngon lành, con đã lén ăn thủ. Lổn nhổn và lạp xạp. Vậy mà bố bảo ngon lắm, người lớn ăn mới ngon. Tụi con ham chơi và vô tâm, cứ nghĩ những việc bố làm cho mẹ và các con là chuyện bình thường. Mẹ hay cằn nhằn bố. Đến khi bố mất, mẹ mới hụt hẫng, ân hận và tiếc nuối như mất báu vật vô giá.

Bố không hút thuốc, không rượu bia, nói chi cà phê hay ăn chơi giải trí. Cuộc đời bố là công việc, là vì vợ con và những người chung quanh. Lỗi lầm duy nhất của bố mà con biết là bị bạn bè rủ rê đánh bài. Cứ tưởng kiếm thêm ít tiền cho vợ con, ai dè nướng sạch lương lính, vốn dĩ để nuôi cả nhà. Bài bạc cũng như thuốc phiện. Bập vào rất khó thoát. Bố đánh toàn thua. Bài tốt, bố hớn hở. Bài xấu, bố thất thần. Thiên hạ biết tỏng nên bố đánh đâu thua đó.

Có lần con tìm vào đồn lính, chỗ bố đang sát phạt. Mới học lớp 10, con đã hỗn với bố trước mặt mọi người: “Bố mà không bỏ đánh bài thì con từ bố”. Vừa nói, vừa khóc. Vậy mà bố không giận, chỉ lặng thinh. Tối về mẹ cằn nhằn cả đêm. Học bài xong, mẹ vẫn nhấm nhẳng. Tưởng bố đã ngủ. Ai dè vẫn thức, tay vắt lên trán đăm chiêu, không nói lại tiếng nào. Con giận bố nhưng cũng trách mẹ. Sau đó bố bừng tỉnh, bỏ hẳn. Con hứa với mẹ là sẽ không bao giờ đánh bài. Lời hứa con vẫn giữ, dù sau này làm du lịch, đưa khách đến các sòng bài khắp thế giới.

Năm 1995, con tập tễnh làm du lịch. Mới đưa được bố và cậu (em mẹ) đi Đà Nẵng và Huế bằng đường bộ chung với du khách. Bố vui như trẻ con. Lúc nào cũng rạng rỡ vì thấy thiên hạ khen con của bố. Cuối năm 1997, bố phát hiện ung thư bao tử, phải cắt mất 2/3. Bác sĩ bảo, bố chỉ sống được thêm chừng nửa năm. Mỗi bữa chỉ ăn lưng chén cơm độ lại, việc nặng phải ngưng. Con hoang mang nhưng công việc cuốn đi. Bố thì ngày càng khỏe, ăn nhiều hơn và lại làm việc như xưa. Biết bố thích ăn bánh quy mặn ngọt, con hay gởi bánh Ritz cho bố.

Tưởng ung thư đầu hàng trước sự lạc quan của bố. Ai dè nó vẫn âm thầm tấn công. Bố chủ quan, không đi tái khám thường xuyên nên khi di căn thì trở tay không kịp. Con về nhà, thấy mọi người tụ tập rất đông. Bố nằm bất động, gầy gò và xanh xao hơn. Con òa khóc vì hối hận, vì sự vô tâm của mình khi bố còn sống và cả khi bố bệnh tật. Tính bố ít nói, chưa bao giờ than van nên người thân càng khó đoán. Trước khi chết, bố vẫn không muốn làm vợ con lo lắng.

Gần như cả làng đưa tang bố vì ai cũng thương và hàm ơn bố. Quan tài bố được đưa lên giữa thay vì cuối nhà thờ với thánh lễ đồng tế. Mẹ dặn các con nén thương đau, tổ chức lễ tang tiết kiệm. Chiếc quan tài gỗ tạp cũng bình thường và giản dị như cuộc đời bố. Chi phí dành để giúp người nghèo khó. Con không học được sự khéo tay và chăm chỉ, biết đủ nghề như bố. Chỉ học được tính tự học, sự bao dung, lòng nghĩa hiệp với mọi người và luôn sống giản dị. Dù đi bộ đội, đi học nước ngoài, làm quản lý và đi nhiều nước; con vẫn như bố; không cà phê, thuốc lá, rượu bia, cờ bạc.

Con của bố bây giờ viết báo, đi dạy học, làm hướng dẫn viên và làm chủ công ty du lịch. Cũng có chút tên tuổi nhưng vẫn là hai lúa, con của bố nông dân lam lũ. Nếu có điều ước duy nhất, con sẽ ước bố sống lại thêm vài năm để con chuộc lỗi. Con sẽ nghỉ làm đưa bố đi chơi khắp chốn. Nhưng làm gì có chuyện đó. Mẹ bây giờ cũng yếu, chẳng đi đâu xa được nên con vẫn thường xuyên về đi chợ, cùng mẹ nấu ăn và dùng cơm với mẹ. Đồ ăn mẹ nấu là ngon nhất. Con rất sợ ngày mẹ sẽ theo bố.

Nhờ bố, con biết sống tốt hơn; biết thương mẹ, yêu vợ và chiều con của con hơn. Tấm lòng của bố với làng xóm giúp con biết dấn thân với nhiều họat động vì cộng đồng. Bố ít nói, con huyên thuyên nhưng cách sống thì con giống bố. Bố là người bình thường, hơn cả bình thường nhưng trong mắt con, bố là vị thánh nhân hậu, luôn hết lòng vì mọi người. Các con của bố giờ đã trưởng thành, ổn định và không còn nghèo khó như xưa. Mỗi lần họp mặt gia đình, bố vẫn luôn có mặt với vô vàn kỷ niệm với cháu con. Nơi xa, chắc bố cũng ấm lòng và mãn nguyện.

Nguyễn Văn Mỹ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hà Nội công bố tình huống khẩn cấp sạt lở trên các tuyến đê bờ sông Bùi
2 phút trước Sự kiện
TP.Hà Nội vừa công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê, sạt lở bờ sông Bùi tại huyện Chương Mỹ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ký ức về bố tôi