Hôm trước có một “dòng trạng thái” (status trên Facebook) của một bạn đồng nghiệp ở Đà Nẵng bảo rằng Nguyễn Công Khế, từng lấy bút hiệu Nguyễn Sơn Trà, mà chưa hề lên tiếng về vụ phá hủy môi trường ở rừng Sơn Trà.

Lại phải nói về Sơn Trà

13/06/2017, 21:59

Hôm trước có một “dòng trạng thái” (status trên Facebook) của một bạn đồng nghiệp ở Đà Nẵng bảo rằng Nguyễn Công Khế, từng lấy bút hiệu Nguyễn Sơn Trà, mà chưa hề lên tiếng về vụ phá hủy môi trường ở rừng Sơn Trà.

Nhiều dự án du lịch được triển khai tại Sơn Trà.

Anh Trương Điện Thắng ạ, chắc có khi, anh cũng biết chuyện này, tôi và anh bạn Nguyễn Bá Thanh của mình từng tranh luận rất sôi nổi là có nên biến Sơn Trà thành một Hồng Kông thứ hai không? Tôi nói rằng: Hồng Kông vì thiếu đất họ phải xây nhà trên núi, chứ ta có một bờ biển dài và đất ven biển mênh mông, làm nhà trên núi Sơn Trà để làm gì? Nhiệm vụ chính của Đà Nẵng là phải bảo vệ môi trường sinh thái cho dãy Núi Sơn Trà. Còn khai thác Sơn Trà như thế nào, thì phải suy nghĩ cho thật kỹ. Tôi cũng xin nói suy nghĩ của tôi là, thực ra anh Bá Thanh lúc đó cũng suy nghĩ mọi cách để làm cho Đà Nẵng bật lên trở thành một thành phố phát triển nhanh và một thành phố đáng sống.

Vợ chồng tôi đặt tên cho con trai của mình là Sơn Trà, chứ không phải chỉ là thỉnh thoảng lấy làm bút hiệu trong vài bài báo không thôi đâu!

Suốt tuổi thơ và tuổi thanh niên của tôi lúc vui buồn tủi hổ đều nhìn lên đỉnh Sơn Trà để mà cảm xúc, để mà nhớ nhung như câu ca dao xưa mà người Đà Nẵng đã cất lên: "Chiều chiều mây phủ Sơn Trà. Tình ta thương bạn nước mắt và lộn cơm".

Cuộc đời tôi cũng nhiều lần lắm rồi, nước mắt và lộn cơm khi nhìn lên đỉnh Sơn Trà yêu dấu của mình.

Khi vụ Sơn Trà vỡ ra, qua điện thoại, tôi đã nói chuyện với ít nhất hai vị thuộc loại phẩm hàm cao nhất thành phố rằng quy hoạch do con người làm ra thì con người phải sửa được, nếu thấy sai. Tôi cũng trao đổi với anh Hoàng Hải Vân và Ban biên tập báo điện tử Một Thế Giới về loạt bài về Sơn Trà mà tôi cho là bài viết có trách nhiệm. Tôi đồng ý với Huỳnh Tấn Vinh, và một số ý kiến khác, là phải rà soát lại toàn bộ tài nguyên đa dạng sinh học của Sơn Trà, cả trên cạn và dưới nước; cho thanh tra lại tổng diện tích đất đai đã cấp cho các dự án và giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà.

Chờ đến khi tổ chức một cuộc hội thảo đúng nghĩa với sự có mặt đầy đủ các nhà khoa học trong lĩnh vực này, có kết luận về bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà, lúc đó các cấp thẩm quyền hãy quyết định nên khai thác du lịch như thế nào đối với lá phổi Sơn Trà.

Chiều nay, trả lời trên diễn đàn Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng, 1600 phòng trở xuống, hay bao nhiêu phòng cho Sơn Trà hoặc giữ nguyên hiện trạng thì sẽ do Thành uỷ, UBND thành phố quyết định. Thành phố bàn với Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cộng với sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng mà quyết định, Chính phủ sẽ ủng hộ. Như vậy là quả banh đang ở trong chân của Đà Nẵng. Theo tôi, trong trường hợp này, Đà Nẵng càng nên có một cuộc hội thảo thật nghiêm túc và khoa học trước khi có một quyết định tối quan trọng như vậy liên quan đến Sơn Trà, còn nếu như làm khác đi, hoặc có những quyết định vội vã thì trách nhiệm của lãnh đạo thành phố đối với mai sau là không thể lường trước được.

Nguyễn Công Khế

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lại phải nói về Sơn Trà