Mặc dù các lý thuyết về kinh tế phát triển chỉ ra rằng “tăng trưởng kinh tế” là điều kiện cần để có “cải thiện chất của cuộc sống”, nhưng chỉ mình nó không thì chưa đủ.
Trong những ngày gần đây, từ khóa “tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%” được nhắc tới khá nhiều trên phương tiện thông tin đại chúng. Nội hàm của từ khoá này cũng trở thành chủ đề tranh luận của nhiều chuyên gia kinh tế trong các diễn đàn kinh tế cũng như tại nghị trường.
Có luồng quan điểm cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2017 là đòi hỏi cấp thiết, để từ đó đưa ra những giải pháp để thực hiện mục tiêu này bằng mọi giá nhằm “đem lại cuộc sống tốt hơn cho mọi người”.
Bài viết này xin được phân tích cụ thể hơn những bất cập trong việc bảo vệ quan điểm nêu trên.
Chưa nói đến cơ sở khoa học của con số 6,7%, theo thiển ý của cá nhân tôi, có một số lập luận đã nhầm lẫn giữa khái niệm “lượng” - thường được đo lường qua tốc độ tăng trưởng kinh tế và “chất” của tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được hiểu một cách nôm na là sự mở rộng quy mô sản xuất của nền kinh tế. Trong khi chất của tăng trưởng đề cập tới các vấn đề như: cải thiện điều kiện sống, (nghỉ ngơi tái sản xuất sức lao động, văn hoá, giáo dục…) cải thiện tình trạng môi trường, cải thiện thể chế…
Trong thực tế, mối quan hệ giữa “lượng” và “chất” của tăng trưởng không phải lúc nào cũng có tương quan tỷ lệ thuận. Mặc dù các lý thuyết về kinh tế phát triển chỉ ra rằng “tăng trưởng kinh tế” là điều kiện cần để có “cải thiện chất của cuộc sống” nhưng chỉ mình nó không thì chưa đủ.
Có thể lấy ví dụ để minh chứng cho trường hợp này: một người làm việc 16 giờ đồng hồ một ngày để có thu nhập gấp đôi một người làm việc 8 giờ đồng hồ một ngày, nhưng hỏi ai có chất của cuộc sống cao hơn? Bạn đọc có thể tự trả lời câu hỏi này. Nói như vậy để các bạn hiểu rằng sự đồng nhất giữa “tăng trưởng kinh tế” với “đem lại cuộc sống tốt hơn cho mọi người” là một sự ngụy biện (chưa kể đến sự bất bình đẳng khi phân phối các giá trị gia tăng tạo ra trong nền kinh tế).
Cùng theo luồng quan điểm nêu ở đầu bài viết này, trên mục Thời sự và Suy nghĩ của báoTuổi Trẻ (ngày 5.6.2017) có đăng bài “Đòi hỏi từ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%...” trong đó có liệt kê các hệ lụy khi không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%. Bạn đọc hãy theo dõi đoạn trích sau đây:
“Tất cả những cơ hội tốt đẹp nêu trên nằm trong con số 6,7%. Nếu không đạt được, từng người, từng doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn. Giả sử kinh tế ì ạch, doanh nghiệp khó khăn, người lao động khó tìm việc làm; để xảy ra lạm phát cao sẽ làm teo tóp túi tiền của đại đa số người dân...”
Có thật là nếu không đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế như nói trên thì nền kinh tế sẽ gặp khó khăn như vậy không? Ở đây, tôi chỉ xin nêu ví dụ như thế này: nếu chúng ta quyết tâm thực hiện được mục tiêu “con số 6,7%” bằng những cách như khai thác tài nguyên quốc gia đem bán, hay chấp nhận những đầu tư có rủi ro tàn phá môi trường thì liệu sau khi đạt được tăng trưởng ngắn hạn có đảm bảo trong tương lai (dài hạn) chúng ta không phải trả giá cho những hành vi phát triển như thế này.
Trong tình huống đó, nếu không làm gì có lẽ là giải pháp tốt hơn là phải tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Trong câu chuyện phát triển, một trong những vấn đề của người điều hành kinh tế vĩ mô là “cân nhắc sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống người dân” hay nói cách khác là đánh đổi giữa “ngắn hạn” và “dài hạn”.
Một khi mục tiêu được đưa ra không dựa trên tiềm năng của nền kinh tế thì nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu là điều không thể. Câu chuyện này sẽ giống như câu chuyện dân gian: nhà vua muốn được ăn gan trời, trứng trâu.
Để kết lại vấn đề, người viết muốn nhấn mạnh rằng “chất của tăng trưởng” quan trọng hơn “tốc độ tăng trưởng”. Chính vì thế, không nên sử dụng những giải pháp ngụy biện để cổ xúy xu hướng “tăng trưởng kinh tế” bằng mọi giá. Và hơn thế nữa, chúng ta hãy cố gắng để tìm hiểu cơ sở khoa học của mục tiêu đề ra chứ không nên chạy theo những mục tiêu không phù hợp với tiềm năng của mình.
Quỳnh Anh/Người Đô Thị