Lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng ở các kỳ hạn chủ chốt dưới một tháng. Điều này cho thấy nhu cầu thanh khoản đang tăng cao. Tronng khi đó, nhiều doanh nghiệp cũng đang lo ngại lãi suất cho vay tăng khi lãi suất tiền gửi rục rịch tăng.
Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng
Báo cáo của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê cho thấy doanh số giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ cuối tháng 4 bằng VND đạt xấp xỉ 147.293 tỉ đồng; bằng USD quy đổi ra VND đạt khoảng 92.646 tỉ đồng.
Theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (54% tổng doanh số giao dịch VND) và kỳ hạn 1 tuần (22% tổng doanh số giao dịch VND). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 01 tuần với tỷ trọng lần lượt là 63% và 26%.
Về lãi suất, đối với các giao dịch bằng VND, so với tuần giữa tháng 4, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng trong tuần có xu hướng tăng nhẹ ở các kỳ hạn chủ chốt dưới 1 tháng. Cụ thể, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tăng lần lượt lên mức 4,52%/năm, 4,73%/năm và 5,06%/năm.
Đối với các giao dịch USD, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần cũng có xu hướng tăng nhẹ ở các kỳ hạn chủ chốt dưới 1 tháng. Lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tăng lần lượt lên mức 0,99%/năm; 1,19%/năm và 1,43%/năm.
Trong khi đó, theo báo cáo thị trường tiền tệ mới công bố của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), trong tuần cuối tháng 4, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm chỉ giảm xuống 4,53%/năm trong khi lãi suất 1 tuần và 1 tháng tăng nhẹ tương ứng ở mức 4,71% và 4,8%/năm. Như vậy, sau một thời gian ngắn hạ nhiệt, lãi suất liên ngân hàng đã quay trở lại mặt bằng 4,6% - 4,9% được thiết lập từ tháng 3.
Báo cáo tuần cuối cùng tháng 4 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho biết lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức khá cao 4,8-5%. So với thời điểm cuối quý 1, mức này chỉ giảm nhẹ 0,1 - 0,2%.
“Lãi suất liên ngân hàng neo ở mức cao cho thấy nhu cầu thanh khoản đang tăng cao. Điều này khá tương đồng so với 4 tháng đầu 2016. Cùng kỳ 2016, lãi suất trên thị trường 2 chỉ bắt đầu có xu hướng giảm dần sau kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5, đến cuối tháng 5 giảm xuống mức 0,82% từ mức 4,8% cuối tháng 4”, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định.
Lo ngại lãi suất cho vay tăng
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 - 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm.
Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng nhỏ tăng nhẹ lãi suất huy động ở các kỳ hạn tiền gửi từ 6 tháng đến 24 tháng với mức tăng từ 0,3-0,5%/năm. Việc tăng lãi suất chủ yếu ở các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ như OCB, Vietbank, VietABank, SCB... khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng sẽ ảnh hưởng đến lãi suất cho vay thời gian tới.
Tuy nhiên, đến nay, các ngân hàng lớn như: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank... vẫn giữ nguyên lãi suất huy động và cho vay ở hầu hết các kỳ hạn.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, hiện tượng tăng nhẹ lãi suất huy động thời gian gần đây chủ yếu mang tính cục bộ và tính mùa vụ nên sẽ chưa ảnh hưởng tới lãi suất cho vay. Nguyên nhân chủ yếu là do thanh khoản của toàn hệ thống mặc dù kém dồi dào hơn do tăng trưởng tín dụng nhanh hơn huy động, song thanh khoản của hệ thống vẫn ở mức an toàn.
Việc tăng này cũng giúp các ngân hàng nhỏ chủ động cơ cấu lại nguồn vốn chuẩn bị nguồn đầu năm, và cơ cấu lại nguồn vốn trung và dài hạn phù hợp với qui định của Thông tư 06.
Ngoài ra, xuất phát từ kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá gia tăng khi Fed dự kiến tăng lãi suất ít nhất 3 lần trong năm và giá hàng hóa cơ bản dự báo tăng trở lại, các ngân hàng nhỏ chủ động huy động nguồn trung và dài hạn giá rẻ để chuẩn bị cho kế hoạch tăng trưởng cho cả năm 2017.
Phan Diệu