Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản đang bị nén bởi dịch COVID-19. Khi dịch bệnh được kiểm soát, dòng tiền từ thị trường chứng khoán sẽ chuyển sang bất động sản.

Sau dịch, dòng tiền từ chứng khoán sẽ đổ mạnh vào bất động sản

Bài và ảnh: Hồ Đông | 05/10/2021, 09:25

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản đang bị nén bởi dịch COVID-19. Khi dịch bệnh được kiểm soát, dòng tiền từ thị trường chứng khoán sẽ chuyển sang bất động sản.

Thị trường vẫn nhiều điểm sáng

Báo cáo thị trường quý 3/2021 của Batdongsan.com.vn cho thấy mức độ quan tâm đến thị trường bất động sản đang sụt giảm khá mạnh do diễn biễn phức tạp của đợt bùng phát dịch COVID-19 kéo dài. Theo đó, nguồn cung và nhu cầu trên thị trường giảm khá mạnh trong tháng 7 và tháng 8.

Cụ thể, lượng tin đăng và mức độ quan tâm đến bất động sản toàn trang giảm lần lượt 22% và 12% trong tháng 7. Tháng 8 tiếp tục có mức giảm sâu hơn, lần lượt là 58% và 27% so với tháng liền trước.

Các tỉnh, thành phố có mức giảm mạnh nhất trong tháng 7 là Phú Yên (37%), Bình Dương (35%), Đồng Nai (35%), TP.HCM (33%), Khánh Hòa (32%). Trong tháng 8 là Đà Nẵng (49%), Bình Dương (40%), Hà Nội (36%), Đồng Nai 35%). Đây đều là những khu vực có số ca nhiễm COVID-19 lớn nhất cả nước.

Loại hình bất động sản có mức sụt giảm mạnh nhất cả về nguồn cung và nguồn cầu là nhà riêng, nhà mặt phố, căn hộ chung cư và đất nền. Đồng thời, trong tháng 8, Hà Nội có mức giảm mạnh ở cả hai thị trường bất động sản bán và cho thuê so với TP.HCM; mức giảm lần lượt của hai khu vực là 36% và 17% so với tháng 7.

toan-canh-tphcm-6.png
Thị trường bất động sản TP.HCM vẫn được ưa chuộng nhất cả nước

Mặc dù bức tranh chung mang nhiều màu xám, thế nhưng thị trường bất động sản vẫn chứng minh sức hút và tiềm năng khi thể hiện sự phát triển ổn định ở một số khu vực kiểm soát tốt dịch bệnh.

Đơn cử, tại TP.HCM, dù lượt quan tâm có giảm nhưng dữ liệu cho thấy đây vẫn là thị trường có sức hấp dẫn và được ưa chuộng nhất cả nước. Trong khi số ca nhiễm tại TP.HCM có xu hướng tăng gấp nhiều lần các địa phương khác, nhu cầu tìm mua và sự quan tâm dành cho thị trường này vẫn ghi nhận mức độ cao nhất, mức giảm cũng chỉ ở khoảng 17% so với con số 35-40% tại Hà Nội, Bình Dương hay các tỉnh thành có dịch bệnh khác.

"Khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhu cầu bất động sản ở các tỉnh có sự phục hồi mạnh mẽ và liên tục. Điều này chứng minh cho xu hướng thị trường qua các mùa COVID-19 rằng bất động sản giảm trong dịch nhưng sau đó có sự phục hồi và sức bật khá lớn do nhu cầu bị nén lại", báo cáo nhận định.

Đáng chú ý, dù nguồn cung rao bán và nhu cầu giảm mạnh, giá bất động sản tại TP. HCM và Hà Nội vẫn không có dấu hiệu giảm theo, thậm chí còn tăng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, giá chào bán chung cư tại TP.HCM trong tháng 8 có xu hướng đi ngang so với tháng 7 nhưng lại tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2020. Hà Nội tiếp tục ghi nhận giá rao bán căn hộ chung cư tăng 8% so với cùng kỳ.

Dòng tiền sẽ đổ mạnh vào bất động sản sau dịch

Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay, thị trường bất động sản dù dịch bệnh vẫn đang khởi sắc bởi một lượng tiền nhàn rỗi đang chực chờ đổ vào bất động sản. Ông Hiếu cho rằng sức nóng của bất động sản vẫn tiếp tục, bởi đây là lĩnh vực gắn liền với cuộc sống của con người. Nhu cầu ở vẫn không ngừng tăng, ngay cả trong thời điểm dịch bệnh hay sau dịch bệnh. Nhìn về dài hạn, bất động sản luôn tăng giá, dù có chu kỳ lên hoặc xuống.

Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản cũng nhận định nếu dịch được kiểm soát tốt, vào cuối năm rất có thể sẽ diễn ra "đợt sốt nhẹ" ở phân khúc đất nền tại các tỉnh lân cận TP.HCM. Ông Quang phân tích hiện lãi suất ngân hàng thấp, dòng tiền trong dân còn lớn, họ cũng không biết đầu tư vào đâu, tâm lý an toàn vẫn là bỏ vào bất động sản.

Do đó, sau dịch COVID-19, nhiều người muốn mua mảnh đất xa thành phố để đó sau này làm secondhome, nhà vườn, hay của để dành…là xu hướng dễ thấy. Hơn nữa, dịch kiểm soát tốt, kinh tế phát triển trở lại dĩ nhiên kéo theo thị trường bất động sản tăng theo.

Ông Quang đánh giá có khoảng 80% nhà đầu tư có sẵn tiền và đang nóng lòng chờ ngày mở cửa trở lại để tìm sản phẩm mua vào. Lực cầu này sẽ tạo thanh khoản tốt khi mọi hoạt động được nới lỏng. Trong đó, sản phẩm đất nền ở vùng ven, có kết nối giao thông tốt, đặc biệt là của những chủ đầu tư uy tín tiếp tục là phân khúc được nhà đầu tư quan tâm.

toan-canh-tphcm-2.png
Thị trường bất động sản được dự báo sẽ bật dậy mạnh mẽ sau dịch

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn ví von thị trường bất động sản Việt Nam như một quả bóng, nén xuống lại bật lên sau dịch. Khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 3 được kiểm soát, niềm tin về thị trường bất động sản tăng tốc mạnh mẽ trở lại và tạo nên một đợt sốt đất trên diện rộng khắp Việt Nam trong quý 1/2021.

Số liệu tìm kiếm bất động sản đạt kỷ lục vào tháng 3 cho thấy thị trường bất động sản giống như chiếc lò xo bị nén vào mỗi đợt dịch bùng phát. Sau mỗi đợt dịch, nhu cầu bất động sản bật tăng mạnh trở lại, khi thị trường bị nén càng mạnh thì lực bật sẽ càng cao.

Tháng 5.2021 chứng kiến số lượng doanh nghiệp bất động sản mới tiếp tục tăng 60,4% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cũng chỉ báo những tín hiệu tích cực về sự hồi phục thị trường bất động sản trong năm 2021.

“Trong khi dòng tiền đang đổ vào chứng khoán thì đây cũng được cho là thời điểm tốt để các doanh nghiệp bất động sản chuẩn bị đón dòng vốn chảy vào thị trường khi dịch được kiểm soát, đồng thời cũng sẵn sàng phương án thay đổi linh hoạt để ứng phó với thị trường bất định, linh hoạt trong việc đào tạo và cả mở bán trực tuyến vì dịch có thể quay trở lại bất cứ lúc nào", ông Nguyễn Quốc Anh nhận định.

Bài liên quan
Áp lực tăng giá bất động sản giữa dịch COVID-19
Chuyên gia dự báo thị trường vẫn chịu áp lực tăng giá bất động sản do nguồn cung thấp, trong khi giá đất, nguyên vật liệu, thiết bị, nhân công tăng…

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ông Phan Đức Trung: 'Khung pháp lý cho tài sản ảo là bài toán khó'
40 phút trước Nhịp đập khoa học
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), cho biết việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) phù hợp vào thời điểm này là một bài toán khó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau dịch, dòng tiền từ chứng khoán sẽ đổ mạnh vào bất động sản