“Tuyệt đối không ghé vào ăn uống ở những quán vắng vẻ dọc đường quốc lộ vì dễ bị chặt chém với giá trên trời”, anh Hùng khẳng định.

Làm gì để không sập bẫy ‘máy chém’ dọc đường quốc lộ?

Hùng Anh | 09/05/2019, 09:10

“Tuyệt đối không ghé vào ăn uống ở những quán vắng vẻ dọc đường quốc lộ vì dễ bị chặt chém với giá trên trời”, anh Hùng khẳng định.

Bị đập phá quán vì hành hung khách tố "chặt chém"

Ngày 6.5, UBND xã Thạnh Đức (H.Bến Lức, tỉnh Long An) đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra đột xuất mộtquán ăn uống không tên ven quốc lộ 1, thuộc địa bàn ấp 6, xã Thạnh Đức. Quán ăn này bị kiểm tra vì trước đó vào ngày 5.5, có khách hàng tố cáo chủ quán chặt chém với giá trên trời: 2 tô hủ tíu giá 115.000 đồng, 1 tô hủ tíu và 1 dĩa cơm giá 105.000 đồng, nhưng khách không thể nuốt trôi vì chất lượng thức ăn quá kém.

Khi đoàn liên ngành kiểm tra, chủ quán là ông Phan Văn Tú (SN 1983, ngụ xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa, Long An) không có mặt. Bà Lương Thị Cúc (SN 1973, ngụ ấp 3, xã Thạnh Đức) làm việc với đoàn, thừa nhận có việc tính tiền cơm, hủ tíu với giá trên trời, tuy nhiên bà chỉ là người làm công, chủ quán bảo tính tiền như thế nào thì thực hiện như vậy. Đoàn kiểm tra còn phát hiện quán này không có giấy phép kinh doanh, không có hồ sơ an toàn vệ sinh thực phẩm và không có hợp đồng lao động với nhân viên.

Đáng chú ý, quán ăn uống của ông Tú chỉ cách quán ăn uống Bảo Châu, nơi xảy ra vụ việc chủ quán hành hung khách gây thương tích vì dám quay clip, tố cáo quán tính tiền giá chặt chém, khoảng 400 mét. Sau khi xuất hiện thông tin, hình ảnh quán Bảo Châu hành hung khách hàng gây thương tích thì quán này đã bị hàng chục người kéo đến đập phá tan hoang, gây xôn xao dư luận những ngày qua. Sau khi lập biên bản các vi phạm tại quán ăn uống của ông Tú để Chủ tịch UBND xã Thạnh Đức xử lý, đoàn kiểm tra cho biết trong thời gian tới sẽ tiến hành kiểm tra tất cả các quán ăn uống giải khát dọc tuyến quốc lộ 1 đi qua địa bàn xã và xử lý nghiêm các vi phạm.

Ngày 7.5 ông Trần Văn Tươi, Chủ tịch UBND H.Bến Lức đã ký quyết định xử phạt chủ quán Bảo Châu 13.250.000 đồng vì có hành vi kinh doanh ăn uống không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, kinh doanh không niêm yết giá. Theo ông Tươi, sự việc chủ quán quán ăn uống Bảo Châu hành hung khách hàng tố cáo chặt chém gây thương tích xảy ra vào chiều 1.5.

Anh Minh bị vợ chồng và người thân quán ăn uống Bảo Châu hành hung đổ máu vì tố cáo bán hàng chặt chém - Ảnh: Thanh Anh

Nạn nhân là anh Nguyễn Xuân Quang Minh (38 tuổi, ngụ TP.HCM) cùng vợ đi trên quốc lộ 1 và ghé vào quán Bảo Châu (do ông Trần Văn Ngoan, SN 42 tuổi, quê Tây Ninh, làm chủ) để ăn uống, nghỉ ngơi. Sau đó do anh Minh tố cáo quán ăn này “chém” 1 tô hủ tíu với giá 100.000 đồng nên xảy ra tranh cãi với người của quán, dẫn đến xô xát. Hậu quả anh Minh bị ông Ngoan và người thân của ông này hành hung gây thương tích vùng đầu, chảy nhiều máu.

Trong lúc cơ quan công an đang điều tra xử lý vụ việc thì chiều 2.5, hơn 10 người lạ mặt đi trên nhiều xe gắn máy cầm theo gậy gộc, mã tấu xông vào quán rượt chém mọi người và đập phá quán tan tành. Vụ tấn công, đập phá quán khiến ông Lê Văn Cầm (65 tuổi, là cha vợ ông Ngoan) và anh Lê Văn Cảnh (con ông Cầm) bị đánh trọng thương phải nhập viện điều trị. Sau khi bị nhóm người lạ mặt tấn công và cơ quan công an mời làm việc, vợ chồng ông Ngoan không thừa nhận quán Bảo Châu có hành vi chặt chém khách với giá trên trời, chỉ bán chai nước giá 20.000 - 30.000 đồng, tô hủ tíu giá 40.000 đồng.

Nhưng họ nhìn nhận việc cả quán ra tay đánh hội đồng khiến khách hàng bị thương tích là hành vi sai trái. Đến ngày 4.5, vợ chồng ông Ngoan đã trả lại mặt bằng, đóng cửa quán, dọn đồ đạc về quê; đồng thời gửi lời xin lỗi đến người bị hành hung, người dân và chính quyền sở tại, xin được tha thứ hành vi sai trái.

Ông Tươi cho biết, đối với hành vi cả quán kéo nhau đánh hội đồng anh Minh gây thương tích, cơ quan công an đang lập hồ sơ để xử lý thật nghiêm khắc, dù vợ chồng ông Ngoan đã đóng cửa quán, trả mặt bằng về quê nhưng vẫn tiếp tục mời làm việc. Riêng nhóm thanh niên quá khích dùng hung khí đập phá quán và đánh ông Cầm trọng thương, cơ quan công an đang truy xét để xác định danh tính của nhóm này và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Trường hợp của anh Minh, những ngày qua anh này đang điều trị vết thương tại bệnh viện, nếu nạn nhân có đơn yêu cầu xử lý hình sự thì cơ quan công an sẽ tiến hành giám định tỷ lệ thương tật để làm căn cứ xử lý. Sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện đã yêu cầu các địa phương có tuyến quốc lộ 1 đi qua tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật kinh doanh của tất cả các hàng quán ăn uống dọc 2 bên đường, phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

Vài cách đơn giản để tránh “máy chém dọc đường”

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương Long An, cho biết những năm gần đây tình trạng các hàng quán dọc đường quốc lộ bán thức ăn uống kém chất lượng nhưng “chặt chém” du khách với giá trên trời lâu lâu lại xảy ra, thường xuất hiện vào những ngày nghỉ lễ, tết, khách du lịch đông đúc. 2 địa bàn thường xảy ra tình trạng “chặt chém” du khách là Bến Lức và Thủ Thừa, do có tuyến quốc lộ 1 đi qua khá dài.

“Tình trạng “chặt chém” du khách ngoài việc vi phạm pháp luật trong kinh doanh còn làm ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh của địa phương trong mắt du khách. Nhiều năm qua tỉnh Long An đã yêu cầu các địa phương trên các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ N2 kiểm tra xử lý nghiêm tình trạng bán hàng kém chất lượng, “chặt chém” du khách, nhưng lâu lâu vẫn xảy ra, gây xôn xao dư luận. Theo tôi biết thì người dân tại địa phương ít khi chặt chém du khách mà hành vi này chủ yếu do người ở các nơi khác đến Long An thuê mặt bằng kinh doanh theo kiểu chụp giựt”, ông Đức cho biết.

Bà Nguyễn Thị Hồng, chủ 1 quán ăn uống dọc quốc lộ 1 ở H.Thủ Thừa, than phiền: “Cứ sau mỗi vụ “chặt chém” du khách bị phát hiện thì doanh thu của quán giảm xuống rõ rệt, bởi người đi đường ngại vào quán. Dân địa phương tụi tui làm ăn đàng hoàng, thuế má đóng đầy đủ, nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi mấy người kinh doanh chụt giựt, “chặt chém” khách”.

Hiện trường quán ăn uống Bảo Châu bị đập phá sau khi hành hung khách tố chặt chém - Ảnh: Thanh Anh

Theo anh Nguyễn Văn Hùng, người thường xuyên di chuyển trên tuyến quốc lộ 1 từ Tiền Giang về TP.HCM và ngược lại, có nhiều giải pháp đơn giản để đối phó với nạn hàng quán chặt chém dọc quốc lộ. Cách tốt nhất là nên chọn ăn uống ở những quán quen biết thông qua sự giới thiệu của người thân, bạn bè; nếu phải vào quán lạ thì điều đầu tiên là phải hỏi trước giá cả, bởi có những quán treo bảng giá 1 đàng nhưng… tính tiền 1 nẻo.

Điều thứ 2 mà cánh tài xế xe tải, xe du lịch và những người thường xuyên đi trên quốc lộ hay rỉ tai nhau là nên chọn ăn uống ở những quán có đông thực khách, bởi thức ăn vừa ngon mà giá cả cũng phải chăng. Tuyệt đối không ghé vào những quán “vắng như chùa bà Đanh” vì thế nào cũng gặp “máy chém”, bởi những quán vắng khách thường có triết lý kinh doanh rất thực dụng: cứ “chém” thẳng tay, không cần khách quay trở lại lần thứ 2.

“Hiện nay dọc 2 bên quốc lộ 1 hàng quán ăn uống mọc lên san sát. Có điều lạ là những quán lớn, có biển hiệu đàng hoàng thì chỉ có dân xe đò, xe tải, xe du lịch ghé vào. Còn đa phần người đi xe gắn máy lại thích chọn những quán nhỏ nhỏ, có võng nằm ngã lưng nghỉ ngơi, nhưng không biết rằng trong những quán đó thường… có “máy chém” với giá cả trên trời. Gặp những trường hợp như vậy thì khách hàng chỉ còn cách ngậm bồ hòn làm ngọt, vì nếu đôi co trả giá tới lui với chủ quán có khi mang họa vào thân như trường hợp của anh Minh”, anh Hùng nói.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì để không sập bẫy ‘máy chém’ dọc đường quốc lộ?