Từ khu vườn cằn cỗi trong vùng khí hậu khắc nghiệt của huyện miền núi Hương Sơn, anh Trần Nam Giang đã lần mò học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn đầu tư nuôi lợn rừng thành công với thức ăn bổ sung là thảo dược.
Xã Sơn Trường thuộc huyện miền núi Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh), là nơi luôn phải hứng chịu tác động trực tiếp của thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, mưa lũ. Với điều kiện khí hậu này, thật khó để người nông dân phát triển kinh tế nông trại một cách suôn sẻ mà không bị thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng. Tuy nhiên, địa hình đồi núi nơi đây lại là yếu tố thuận lợi cho việc nuôi gia súc, gia cầm phù hợp với môi trường khô ráo.
Anh Trần Nam Giang (SN 1977) có ngôi nhà nằm lưng chừng đồi ở thôn 10, xã Sơn Trường. Hơn chục năm trước, vợ chồng anh đã bắt tay vào nuôi lợn, hươu, gà… làm sinh kế cho gia đình. Nguồn thu nhập từ những con vật nuôi này chỉ đủ để trang trải cuộc sống và khó dư dả, có "của ăn của để".
Vào năm 2014, sau một thời gian "vắt óc" tìm lối đi mới cho kinh tế gia đình, anh Giang có ấn tượng với một số thông tin về mô hình nuôi lợn rừng thương phẩm mà anh tiếp cận qua các phương tiện thông tin đại chúng. Sau khi tìm tòi kiến thức, lần mò học hỏi từ nhiều kênh thông tin, sách báo tham khảo, anh Giang đã quyết định chuyển hướng sang nuôi lợn rừng.
"Trước khi quyết định làm chuồng trại, tôi đã đi tham quan một số mô hình nuôi lợn rừng ở ngoại tỉnh, sau đó tìm hiểu và mua 4 con lợn rừng giống về nuôi. Lúc đầu tôi cũng rất lo lắng vì mình chưa có một sự thử nghiệm nào đối với việc nuôi lợn rừng ở nơi có khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên trái gió trở trời như huyện Hương Sơn này. Tuy nhiên, sau khi chăm sóc mấy con lợn giống và nhìn chúng sinh trưởng, tôi mới thấy rằng việc nuôi lợn rừng không khó lắm", anh Giang chia sẻ.
Từ 3 con lợn cái và một con đực giống ban đầu, sau 1 năm, lợn nái bắt đầu đẻ, mỗi con mẹ đẻ một lứa khoảng 8 con. Lợn nái mỗi năm đẻ 2 lứa. Sau 3 năm, trang trại của anh Giang đã có đàn lợn rừng hơn 100 con. Từ đó đến nay, đàn lợn rừng của anh Giang không ngừng phát triển, thời điểm cao nhất trong trại của anh có hơn 300 con bao gồm lợn nái, lợn đực giống, lợn con và lợn thịt.
Về kỹ thuật nuôi, anh Giang cho biết, nhờ địa hình vườn đồi dốc, rộng hàng nghìn mét vuông nên anh xây chuồng ở vị trí khô ráo, thoáng mát. Bên cạnh đó, anh rào vườn tạo thành bãi thả, trong đó có cây cỏ để cho lợn rừng có môi trường sinh hoạt như ngoài tự nhiên.
Qua nhiều năm, từ một số kiến thức, kỹ thuật học hỏi được, anh Giang cũng đã tự đúc rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm để chăm sóc lợn rừng thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Đặc biệt là trong chế độ ăn uống của lợn rừng, ngoài các loại rau củ quả phổ biến, anh Giang còn cho chúng ăn thêm các loại thảo dược.
Anh Giang cho hay: "Theo kinh nghiệm của tôi, lợn rừng ăn thảo dược sẽ tăng sức đề kháng. Khi thể trạng chúng khỏe mạnh thì hoàn toàn không bị dịch bệnh; đặc biệt là thịt ngon hơn, chất lượng thịt đã được người tiêu dùng công nhận và ưa chuộng hơn", anh Giang nói.
Theo anh Giang, lợn rừng ăn các loài cây dược liệu sẽ chữa được một số bệnh về đường tiêu hóa. Lợn mẹ khi mang thai và cho con bú mà ăn thảo dược sẽ có sức đề kháng cao, cho nhiều sữa hơn, do đó lợn con sinh ra đều khỏe mạnh.
Khi đã nắm chắc kinh nghiệm nuôi lợn rừng với thảo dược, ngoài các loại cây dược liệu có sẵn trong vườn như đinh lăng, chè đắng, rau má, mã đề…, anh Giang đã tự tìm thêm các loại cây như chè khổng lồ, khổ sâm, ổi tàu, chè cỏ… về trồng. Tùy vào giai đoạn sinh trưởng của lợn, anh Giang sẽ phối trộn các loại thảo dược cùng với thức ăn bình thường hoặc cho ăn bổ sung, nhằm tăng sức đề kháng và tạo ra thịt có chất lượng cao.
Từ khi chuồng trại được mở rộng thêm bởi số lợn tăng lên đến hàng trăm con, anh Giang phải thuê 3 - 4 người luân phiên chăm sóc lợn và dọn dẹp chuồng hằng ngày. Hiện tại trang trại của anh Giang đang có hơn 200 con lợn rừng.
Chủ trại lợn rừng cho biết, hiện nay anh bán lợn hơi với giá 160.000 đồng/kg, lợn giống là 220.000 đồng/kg. Trừ đi các chi phí, mỗi năm gia đình anh Giang thu được khoảng 400 triệu đồng từ nuôi lợn rừng.
Năm 2022, anh Giang xây thêm xưởng chế biến thịt lợn rừng mang thương hiệu Nam Giang, đã được cơ quan chức năng công nhận đạt chuẩn OCOP - chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".
Ông Trần Văn Niềm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Trường cho biết anh Trần Nam Giang là người đột phá, dám nghĩ, dám làm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Trang trại của anh Giang là mô hình nuôi lợn rừng bằng cây dược liệu đầu tiên trên địa bàn. Thành công từ mô hình này đã mở ra nhiều phương án làm giàu cho người dân địa phương từ việc tận dụng diện tích vườn đồi và cây dược liệu sẵn có.
Video: Đàn lợn rừng ăn thảo dược trong trang trại của anh Trần Nam Giang: