Các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu đã thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử nhưng chưa xuất hóa đơn điện tử đối với từng lần bán hàng theo quy định.
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi cho chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp chỉ đạo công tác quản lý việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Theo đó, Bộ Tài chính nêu rõ ngày 1.12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1284/CĐ-TTg về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Tuy nhiên, bộ cho biết đến nay, theo thống kê sơ bộ thì mới chỉ có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng với khoảng trên 2.700 cửa hàng, chiếm khoảng 16% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước.
Các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu còn lại mặc dù đã thực hiện xuất hóa đơn điện tử nhưng chưa thực hiện được việc xuất hóa đơn điện tử đối với từng lần bán hàng theo quy định nêu trên.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt đầy đủ, kịp thời quan điểm, nhận thức về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy định về lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu là một trong các nhiệm vụ bắt buộc, quan trọng phải thực hiện tại địa phương.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan ban ngành tại địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế thành lập các đoàn liên ngành làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Qua đó nắm bắt thực tế việc triển khai phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, thực tế hạ tầng kỹ thuật, mức độ, khả năng đáp ứng của tất cả các cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu tại địa phương; làm việc với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp.
Từ đó, tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, thành phố các giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả thúc đẩy các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thực hiện được việc phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng; phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.
Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Công Thương, cơ quan quản lý thị trường phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện giám sát chặt chẽ, tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu của các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, đặc biệt là quy định về nghĩa vụ thực hiện quy định về hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử;
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu; phối hợp với cơ quan thuế kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của đơn vị kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật.
UBND các tỉnh cũng được đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn nắm bắt kịp thời các hình thức gian lận mới về hóa đơn điện tử nói chung và hóa đơn điện tử đối với kinh doanh xăng dầu nói riêng nhằm mục đích thu lợi bất chính hoặc chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước để có giải pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý theo quy định.
"Việc thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán xăng dầu sẽ góp phần giúp tăng cường kiểm soát việc phát hành hóa đơn, quản lý doanh thu và thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu... đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, tăng thu ngân sách nhà nước. Để thực hiện thành công mục tiêu này cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tại địa phương, tạo sự đồng thuận trong việc triển khai, tạo thói quen tiêu dùng văn minh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", Bộ Tài chính nêu rõ.
Doanh nghiệp lo đội chi phí
Liên quan đến yêu cầu lập hoá đơn điện tử theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế trong tháng 12 này đối với các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, các doanh nghiệp xăng dầu cho biết hiện nhân lực chưa thể đáp ứng, nhân viên bán xăng chưa được tập huấn nên gặp khó khăn khi vừa bán hàng, vừa xuất hoá đơn và theo dõi quản lý hệ thống hoá đơn điện tử.
Trong khi đó, về trang thiết bị, theo quy định, cột đo xăng dầu phải có thiết bị ghi, in kết quả đo để in và cung cấp kết quả đo cho khách hàng khi có yêu cầu. Theo đó, hầu hết doanh nghiệp trên toàn quốc phải bỏ tất cả các đầu số điện tử của trụ bơm đang còn sử dụng để gắn đầu số điện tử mới tương thích với việc gắn được máy in.
Trao đổi với báo chí, ông Hà Thanh Tùng - Công ty TNHH thương mại vận tải xăng dầu Hà Giang dự tính, riêng chi phí cho mỗi tờ hoá đơn cũng rất lớn, khoảng 300-500 đồng. Nếu trước đây 1m3 xăng dầu xuất 1 tờ hoá đơn cuối ngày mất 500 đồng thì nay phải xuất tới 300-400 tờ, thậm chí 700-800 tờ, chi phí lên tới 150.000-400.000 đồng. Cùng với đó là chi phí cho nhân lực, chi phí điện, internet... đều tăng lên. Doanh nghiệp lo ngại việc chi phí bị đội lên quá nhiều sẽ khiến doanh nghiệp lỗ, kinh doanh không còn hiệu quả.
Ông Tùng cũng lo ngại khi khách hàng lẻ hiện chưa có thói quen lấy hoá đơn trong khi doanh nghiệp cũng vẫn phải xuất hoá đơn theo đúng quy định.
"Sẽ rất khó khăn khi người mua không cung cấp thông tin do mất thời gian hoặc thấy không cần thiết. Doanh nghiệp muốn tuân thủ quy định pháp luật nhưng nhiều khi không thể đáp ứng được", ông Tùng nói.
Đại diện Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chia sẻ, đơn vị đã thực hiện đồng loạt việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng từ 1.7.2023 trên 2.700 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc. Trước đây, tần suất phát hành của Petrolimex là khoảng 25 triệu hoá đơn mỗi năm, thì hiện nay khi thực hiện quy định mới, lượng phát hành là trên 1 tỉ hoá đơn trong một năm.
Tuy nhiên, không phải tất cả doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán, trong đó một lý do phổ biến là xuất phát từ thói quen không lấy hóa đơn khi mua hàng của người tiêu dùng. Bên cạnh đó là do yếu tố cơ sở hạ tầng.
Tổng cục Thuế cho biết, có tình trạng doanh nghiệp cuối ngày mới xuất hóa đơn tổng bán trong ngày, hoặc xuất một hóa đơn theo tuần, tháng. Thậm chí, bán hàng nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai thuế gây thất thu cho ngân sách. Để ngăn chặn những hành vi này, việc triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của các cửa hàng xăng dầu được xem là điều cấp thiết.
Lý giải cho việc vì sao vẫn còn nhiều cửa hàng xăng dầu chưa triển khai việc xuất hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu cho từng lần bán hàng, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, điều này xuất phát từ thực tế thị trường xăng dầu hiện có hơn 50 triệu xe máy và khoảng 5 triệu ô tô, trong đó 95% đối tượng sở hữu xe là cá nhân nên họ không có nhu cầu lấy hoá đơn. Vì thế, trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chỉ xuất hoá đơn cho những đối tượng là doanh nghiệp có nhu cầu hoá đơn GTGT. Đây là lí do không có sự thúc ép đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chứ không phải họ cố tình không phát hành hoá đơn.
Theo đó, đại diện nhiều doanh nghiệp kiến nghị nên để cho doanh nghiệp bán lẻ thực hiện xuất hoá đơn điện tử như hiện nay mà không xuất theo từng lần. Việc áp dụng công nghệ phải có lộ trình và tuỳ thuộc vào nguồn lực tài chính của doanh nghiệp cả nước. Cơ quan quản lý nên thực hiện vào thời gian thích hợp vì hiện tại hầu hết doanh nghiệp bán lẻ đều bị thua lỗ rất nặng nên không còn khả năng đầu tư trang thiết bị quá nhiều tiền.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận các quy định về hoá đơn điện tử trong lĩnh vực xăng dầu là phù hợp, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng giữa ngành xăng dầu nói riêng và toàn xã hội nói chung.
"Doanh nghiệp phải thống kê lượng bán ra, mua vào là cần thiết cho việc điều hành của Nhà nước. Khi cần xả quỹ bình ổn, khi nào cần tăng giảm giá, cơ quan quản lý phải biết bán được bao nhiêu thì tính mới đúng được", ông Thịnh cho hay.
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho rằng có khó khăn, tốn kém chi phí khi doanh nghiệp phải kết nối vào bộ xuất hoá đơn và cơ quan thuế. Do đó, một số ngành đặc thù như bán lẻ xăng dầu cần thời gian chuyển tiếp, cần lộ trình khi thực hiện.