Nhận thấy địa phương mình có nhiều sản vật mang giá trị kinh tế cao, nhưng chưa được phát huy xứng tầm nên đôi vợ chồng trẻ ở Cà Mau mạnh dạn bỏ việc nhà nước tìm hướng đi mới cho riêng mình. Và họ đã thành công.

Làm giàu từ sản vật quê hương

Trần Khải | 20/02/2023, 09:34

Nhận thấy địa phương mình có nhiều sản vật mang giá trị kinh tế cao, nhưng chưa được phát huy xứng tầm nên đôi vợ chồng trẻ ở Cà Mau mạnh dạn bỏ việc nhà nước tìm hướng đi mới cho riêng mình. Và họ đã thành công.

Bỏ việc nhà nước để… làm lại từ đầu

Đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn Miên (36 tuổi) và vợ là Trần Thị Xa (36 tuổi), ngụ ấp Cây Kè, xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi (Cà Mau). Đôi vợ chồng này được biết đến là người có “máu liều”, dám nghĩ dám làm. Họ sẵn sàng bỏ việc nhà nước sau những năm gắn bó để bắt đầu khởi nghiệp lại từ con số 0 tròn trĩnh.

Xuất phát từ tình yêu quê hương, nên sau khi tốt nghiệp đại học, anh Miên và vợ đã quyết định đi theo đề án tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về nông thôn để góp sức tham gia phát triển kinh tế - xã hội phục vụ địa phương. Sau 5 năm gắn bó, cuối cùng đề án này kết thúc. Khi đó, trong suy nghĩ của đôi vợ chồng trẻ đã “nảy mầm” ý tưởng lựa chọn sản vật quê hương để khởi nghiệp.

1-khau-dong-gop-san-pham-ba-khia-cua-gia-dinh-anh-mien.jpg
Khâu đóng gói sản phẩm ba khía của gia đình anh Miên

Rồi họ quyết định lựa chọn con ba khía (thuộc họ cua) - sản vật tiềm năng nhưng chưa được khai thác, phát huy hết hiệu quả ở địa phương làm mặt hàng chủ lực để kinh doanh. Năm 2017, cơ sở kinh doanh Ba khía Đầm Dơi (nay là HTX Ba khía Đầm Dơi) được hình thành. Đến nay, sau 6 năm hoạt động, sản phẩm ba khía Đầm Dơi đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

Anh Miên tâm tình: “Ban đầu, vợ chồng tôi làm nhỏ lẻ, chủ yếu là thủ công. Giai đoạn đầu khi chân ướt chân ráo khởi nghiệp thật gian nan, tôi và vợ phải làm tất cả các việc từ thu mua đến chế biến, đem bán từng keo ba khía. Khi đó, đâu ai biết tới mình, phải giới thiệu, quảng bá thì người ta mới biết. Dần dà, khi sản phẩm đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu trên thị trường, lượng khách đặt hàng ngày một nhiều hơn”.

Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, khi bước chân vào kinh doanh, anh Miên xác định phải làm bằng cái tâm để chứng minh chất lượng sản phẩm, còn thành bại là do cái duyên kinh doanh. Với vợ chồng anh Miên, để thành công, yếu tố tự tin là tiên quyết, nếu chưa làm mà sợ rủi ro thì coi như thất bại.

2-anh-mien-gioi-thieu-san-pham-cua-gia-dinh.jpg
Anh Miên giới thiệu sản phẩm của gia đình

Từ một sản phẩm là ba khía muối, trong quá trình sản xuất, vợ chồng anh Miên mày mò, sáng tạo ra các sản phẩm mới được chế biến từ con ba khía ngày càng trở nên đa dạng và tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu theo hướng chuỗi giá trị. Đến nay, nhiều sản phẩm được vợ chồng anh Miên chế biến từ ba khía như: ba khía muối, ba khía muối trộn sẵn (chua cay và mặn ngọt), riêu ba khía, ba khía tươi cấp đông và ba khía cốm (lột) cấp đông, ba khía rang me...

Tại Cà Mau, ba khía có nhiều ở các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Phú Tân, Ngọc Hiển. Nguồn nguyên liệu này đều có chất lượng như nhau, bởi đặc trưng của ba khía có những nét tương đồng với cua biển. “Con ba khía làm riêu rất ngon, hàm lượng canxi cao hơn riêu cua đồng, chất lượng thịt thì ngon ngọt hơn, độ đạm cũng cao hơn. Lợi thế của sản phẩm này là được đánh bắt từ tự nhiên”, anh Miên chia sẻ.

Nói về việc chất lượng của ba khía cấp đông, anh Miên nhận định, chất lượng ba khía tươi sống và cấp đông là như nhau, không bị mất thịt, thời gian bảo quản lâu. Theo anh Miên, yếu tố kỹ thuật rất quan trọng. Trước khi cấp đông, anh sơ chế rồi đóng gói mới đem cấp đông.

“Khi rẽ hướng sang kinh doanh, từ bỏ công việc đã gắn bó nhiều năm để tìm hướng đi mới, bản thân vợ chồng tôi đều rất trăn trở, mất nhiều thời gian suy nghĩ, cuối cùng chúng tôi quyết định phải đánh đổi. Khi bước vào kinh doanh, tôi nhận thấy công việc mới không hề đơn giản, lỡ đặt chân vào rồi thì phải làm. Gian nan lắm, không phải mình có con ba khía đem muối rồi xách đi bán là được đâu. Mình vừa mang sản phẩm đi bán, vừa học hỏi cách làm kinh doanh, cách maketing, cách quản trị… như thế nào. Từ đó, mới phát triển được sản phẩm”, chị Trần Thị Xa, vợ anh Miên nói.

3-chi-xa-tat-bat-sap-xep-don-hang-truoc-khi-giao-cho-khach.jpg
Chị Xa tất bật sắp xếp đơn hàng trước khi giao cho khách

Theo chị Xa, lần đầu khi đưa sản phẩm ra thị trường vợ chồng chị đã tham khảo giá rất kỹ. Khi thành phẩm, họ ngồi lại tính toán chi phí, rồi mới cân nhắc giá bán, do là sản phẩm mới nên bán giá mềm, lời ít để lấy tiếng. “Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ, giờ nhìn lại chặng đường đã qua, đôi lúc tôi giật mình. Khó khăn đủ đường, nhưng cần nhất là sự kiên trì”, chị Xa chia sẻ thêm.

Khẳng định chất lượng thương hiệu

Từ cơ sở kinh doanh nông hộ, đến nay họ đã thành lập Hợp tác xã Ba khía Đầm Dơi, ngoài các sản phẩm chủ lực từ ba khía, họ còn mở rộng phát triển thêm nhiều loại sản phẩm khác từ tôm như: mắm tôm, tôm khô, sú xẻ, thẻ xẻ, thẻ ép, noãn tôm…, dự kiến sắp tới cơ sở của vợ chồng anh Miên cho ra mắt món chả tôm.

Về lâu dài, anh Miên hiện băn khoăn về nguồn nguyên liệu, bởi do chủ yếu bắt từ từ nhiên, nên nguồn nguyên liệu có theo mùa. Về cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu thị trường. “Tập tính của ba khía vào mùa nắng hạn ở sâu trong hang nên khó bắt, vì vậy sản lượng giảm hơn so với mùa mưa. Ba khía rất dễ sinh sản. Tuy nhiên, hiên nay do đánh bắt quá mức nên ít nhiều ảnh hưởng đến nguồn lợi tự nhiên. Tôi mong muốn nhà nước cần có chính sách bảo tồn hoặc nghiên cứu sinh sản nhân tạo, chỉ cần sinh sản được con giống rồi đem thả về rừng, không cần phải nuôi dưỡng là sẽ phát triển, khi đó mình không sợ thiếu nguồn nguyên liệu”, anh Miên phân tích.

4-san-pham-ba-khia-muoi-da-khang-dinh-duoc-thuong-hieu.jpg
Sản phẩm ba khía muối đã khẳng định được thương hiệu

Hiện cơ sở sản xuất của vợ chồng anh Miên, từ khâu chế biến đến khâu thành phẩm, đóng gói… cơ bản đã được thực hiện bằng máy móc. Theo họ, trước đây sản xuất theo kiểu truyền thống, giờ kết hợp giữa truyền thống với hiện đại nên đã nâng chất lượng, số lượng sản phẩm lên để đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Sản phẩm ba khía Đầm Dơi hiện nay đã khẳng định được vị thế, có nhiều sản phẩm được thị trường trong, ngoài nước biết đến. Qua những lần xúc tiến thương mại, sản phẩm tôi được khách hàng đánh giá rất cao, ba khía Đầm Dơi được nhận định là sản phẩm đi đầu trong cách làm đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Dự định trong thời gian tới, tôi phấn đấu tiếp tục nâng chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO, mở rộng cơ sở sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương”, anh Miên chia sẻ thêm.

5-khu-san-xuat-dam-bao-ve-sinh-an-toan-thuc-pham.jpg
Khu sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Cuối năm 2022, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký quyết định công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn đối với 11 chủ thể với 24 sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao. Trong đó, cơ sở Hợp tác xã Ba khía Đầm Dơi của anh Miên có 3 sản phẩm được công nhận gồm: Ba khía trộn sẵn, riêu ba khía và mắm tôm chua ngọt.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, những sản phẩm được công nhận hạng 3 sao sẽ được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận, sử dụng biểu trưng của Chương trình OCOP và thứ hạng sao để in trên bao bì sản phẩm; đồng thời được hỗ trợ phát triển sản phẩm Chương trình OCOP theo quy định hiện hành.

UBND tỉnh Cà Mau cũng đề nghị các chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP tiếp tục tiêu chuẩn hóa, phát triển sản phẩm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, bổ sung, hoàn thiện sản phẩm để tham gia nâng hạng sản phẩm. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.

Ngoài ra, sản phẩm ba khía muối của Hợp tác xã Ba khía Đầm Dơi còn được Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương) công nhận vào top 200 sản phẩm nông thôn tiêu biểu khu vực phía nam năm 2022.

Bài liên quan
Chùm ảnh: Cận cảnh khô hạn ở vùng ngọt Cà Mau
Do tác động của biến đổi khí hậu, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau chịu nhiều ảnh hưởng do hạn hán như thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, sụt lún đất... làm thiệt hại hàng chục tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm giàu từ sản vật quê hương