Mức thuế chống bán phá giá chính thức được áp dụng với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc là 21,4% đối với sản phẩm ghế và 35,2% đối với sản phẩm bàn.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa cho biết, trong quá trình điều tra vụ việc chống bán phá giá, thực hiện theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Malaysia và Trung Quốc.
Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù có tồn tại hành vi bán phá giá nhưng do tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa bị điều tra từ Malaysia ở mức không đáng kể (dưới 3%), vì vậy, theo quy định tại Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương quyết định chấm dứt điều tra và không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm, ghế từ Malaysia.
Đối với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc, mức độ bán phá giá được xác định từ 21,4% đến 35,2% và lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra gia tăng cả về tuyệt đối và tương đối so với tổng lượng tiêu thụ nội địa và sản lượng hàng hóa tương tự của ngành sản xuất trong nước, là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước.
Cụ thể, mức thuế chống bán phá giá chính thức được áp dụng với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc là 21,4% đối với sản phẩm ghế và 35,2% đối với sản phẩm bàn. Đây cũng là mức thuế chống bán phá giá tạm thời Bộ Công Thương đã áp dụng đối với bàn ghế Trung Quốc từ 30.9.2022.
Theo số liệu thống kê từ cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong giai đoạn năm 2017 – 2022 xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Trung Quốc tăng trưởng bình quân là 1,3%/năm, với trị giá xuất khẩu trung bình đạt 22 tỉ USD/năm. Trong năm 2022, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Trung Quốc đạt 22,7 tỉ USD, giảm 11,4% so với năm 2021 (so với mức tăng 27,8% trong năm 2021).
Hiện, nhiều nước áp dụng truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hoá (C/O) để áp đặt các lệnh điều tra, trừng phạt Chống lẩn tránh phòng vệ thương mại. C/O đối với gỗ đang là nỗi lo lớn cho sản phẩm của Việt Nam và việc điều tra lẩn tránh xuất xứ đang được các nước tận dụng triệt để. Vì vậy, việc quản lý chặt nguồn gốc xuất xuất xứ, chống chuyển đổi cũng rất quan trọng với ngành gỗ Việt Nam.