Tượng đài vĩnh cửu trong lòng dân, theo tôi không phải là những thứ vật chất đó, nếu người được xây lăng mộ, dựng tượng đài chưa thực sự được dân kính trọng, chịu ơn...

Làm gương

25/10/2018, 14:52

Tượng đài vĩnh cửu trong lòng dân, theo tôi không phải là những thứ vật chất đó, nếu người được xây lăng mộ, dựng tượng đài chưa thực sự được dân kính trọng, chịu ơn...

Mộ vua Lê Thái Tổ - vị anh hùng dân tộc, ở khu di tích quốc gia Lam Kinh (Thanh Hóa) rất đơn sơ, nhỏ bé - Ảnh: Internet

Việc Hội nghị T.Ư. 8 khóa 12 vừa họp và quyết định sẽ ban hành một số nghị quyết trong đó có quy định: Đảng viên, trước hết là các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư và ủy viên Trung ương phải làm gương về lối sống, đạo đức, tác phong làm việc của người lãnh đạo, là một việc rất cần thiết và ý nghĩa, đang rất được dư luận quan tâm.

Việc lãnh đạo cần làm gương trước đảng viên, trước dân ra sao, rồi sẽ được cơ quan tham mưu tập hợp ý kiến đóng góp của tập thể Ban Chấp hành Trung ương và đề ra cụ thể. Song, ngay ở thời điểm này, tôi nghĩ cũng đang có những vấn đề từ thực tiễn cần cân nhắc để sớm ban hành quy định.

Mặc dù không ai cấm cán bộ lãnh đạo cũng như dân thường xây mộ to, trên khuôn viên rộng lớn nếu đó là đất thuộc sở hữu của gia đình, bởi đó là quyền tự do cá nhân của mỗi người, nhưng đây lại là vấn đề khá nhạy cảm, cần được xem xét để đưa vào quy định của Đảng đối với đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo đảng nói riêng.

Có vài câu chuyện, cả cũ lẫn mới, tôi muốn kể lại để cùng suy nghĩ: Vua Khải Định, vị vua đời thứ 12 của triều Nguyễn khi truyền ngôi cho Bảo Đại vào năm 1925 chỉ bàn giao cho người kế vị mình có 16.000m2 tư điền, trong đó có cả nơi chôn cất mồ mả tổ tiên, vừa là nơi trồng cấy hoa màu.

Khi chính quyền Ngô Đình Diệm kê biên tài sản của gia đình cựu hoàng Bảo Đại, số đất đai hóa ra cũng chỉ có vậy. Từ đó dư luận mới ớ người ra và có phần cảm kích khi biết, thái tử Bảo Ân vào năm 1992 được gia đình vợ bảo lãnh sang Mỹ định cư. Rồi ông đã tìm cách sang Pháp để thăm mộ cha mình, cựu hoàng Bảo Đại. Do lúc sống ở Sài Gòn, ông Bảo Ân vốn đã rất nghèo, phải sống bằng nghề bỏ mối hàng ở chợ trời để sống qua ngày, khi sang Pháp ông đã không có đủ tiền làm tấm bia mộ cho cha. Ông đã phải đi vận động bè bạn, người thân mới có đủ tiền lo cho cha mình mà đó cũng chỉ là tấm bia đặt trên mộ.

Nếu ai đã vào làng biển An Bằng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, ắt sẽ bị choáng ngợp trước việc người dân nơi đây bỏ tiền, công sức ra xây những “lâu đài ma”. Lăng mộ nào giá “bèo” nhất cũng 800-900 triệu đồng. Còn nói chung phải từ hàng tỉ đến hàng chục tỉ đồng. Nghĩa là kinh phí đủ để xây 1 đến hàng chục chiếc cầu nhỏ qua suối sâu cho trẻ em đến trường, khỏi phải chui vào túi nilon cho người lớn bịt miệng túi kéo sang. Tất nhiên, mỗi chuyện mỗi khác, chúng ta cũng không thể vận động người dân nơi đây từ bỏ xây lăng mộ để xây dựng cầu qua suối.

Nhưng với người lãnh đạo thì nên tránh việc xây lăng mộ kiểu đó cho mình và gia tộc mình. Việc có một bộ phận không nhỏ cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước hiện nay đang có xu hướng muốn về quê hương bản quán khi qua đời, nói cho thật công bằng cũng có cái lý của nó và theo tôi cũng hoàn toàn chính đáng.

Thật không gì bằng khi trở về với cát bụi được về nằm trong lòng đất Mẹ, với tiên tổ và quây quần bên vong linh của những người thân đã khuất. Nếu gia cảnh có hai ông bà mà khi nằm xuống lại mỗi người một nơi thì sẽ thế nào? Thật không ổn về mặt tâm linh, tình cảm.

Mà nếu gia đình có muốn chôn cất hai ông bà cùng ở cái nơi có tiêu chuẩn cấp cao kia cũng đâu có được. Bởi đó là quy định chung của Nhà nước.Thực tế, tôi cũng đã trực tiếp chứng kiến một vài chuyện liên quan của các gia đình cán bộ ở cấp rất cao của Đảng, Nhà nước. Họ có rất nhiều tâm trạng tương tự và quả là khó xử khi song thân của họ một ngày nào đó nằm xuống mà mỗi người lại nằm một nơi...

Song, khi đưa di hài về an táng ở quê, có nên lập hẳn một khuôn viên lớn rộng hàng ngàn mét vuông hoặc cả héc ta, cho dù đó là tiền của gia đình bỏ ra mua theo giá thị trường chứ không phải do địa phương cấp hoặc mua theo giá chỉ định của Nhà nước? Có lẽ cũng nên thận trọng. Bởi người này làm được thì người khác cũng làm được. Liệu rồi mai mốt nó có thành phong trào trên cả nước?

Theo tôi, đã đến lúc Đảng và Nhà nước nên bàn việc này một cách căn cơ để tránh mỗi địa phương làm mỗi khác. Xét về mặt diện tích khu mộ, nếu như xây mộ ở trên đất nghĩa trang đã được quy hoạch hoặc đất hoa màu thì cũng nên khác với việc gia quyến tự xây mộ trên núi đồi hoang vắng... Rồi thì với đối tượng nào thì được xây khu lưu niệm, cũng nên có tiêu chí nhất định để tránh tình trạng người thì được Nhà nước xây dựng riêng hẳn khu lưu niệm, người lại sử dụng nhà thờ, từ đường của dòng họ. Cách làm này không phải đã đúng, bởi lẽ cá nhân người được tôn vinh cũng chỉ là thành viên, là con cháu trong một dòng họ. Cá nhân đó không có quyền thụ hưởng cả một từ đường nếu chúng ta biến nơi này thành khu lưu niệm cho một cá nhân, trừ khi cả dòng họ đó đều có chung tâm nguyện và đề nghị.

Việc xây dựng lăng mộ hoặc khu lưu niệm, dù từ nguồn kinh phí nào, xét cho cùng cũng tốn kém và khâu bảo quản, duy tu công trình lâu dài cũng là cả vấn đề. Tượng đài vĩnh cửu trong lòng dân, theo tôi không phải là những thứ vật chất đó, nếu người được xây lăng mộ, dựng tượng đài chưa thực sự được dân kính trọng, chịu ơn...

Nói tóm lại là nên có nhiều phương án tính toán, cho phép linh hoạt nhưng vẫn cẩn trọng và có chừng mực. Với những nhà lãnh đạo có đóng góp to lớn cho đất nước, có lẽ nào cũng lại hẹp hòi quá đáng trong việc này? Tôi thì không nghĩ vậy, chỉ có điều xin đừng làm cái gì thái quá, khiến dư luận đàm tiếu muôn đời sau thì quả là rất không nên. Đó là chưa nói đến việc họ vô tình gây khó cho các nhà lãnh đạo đương chức khi được giao xử lý công việc cụ thể này.

Nhiều khi chỉ từ những việc tưởng như rất nhỏ này sẽ trở thành chuyện lớn nếu lòng dân bất bình. Lòng tin của người dân với chế độ cũng từ đó mà vơi dần lúc nào chẳng ai hay. Và một khi người lãnh đạo không làm gương về mọi mặt trước đảng viên và nhân dân, nó vô tình gặm nhấm dần “chân đế chế độ”.

Cách đây hơn 6 năm, vào tháng 6.2012, Ban Bí thư Trung ương khóa 11 từng ban hành Quy định số 101-QÐ/TW, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Tuy nhiên tính hiệu quả không như mong muốn và dần đi vào quên lãng vì nó chưa hẳn là quy định bắt buộc. Tôi hy vọng lần này sẽ khác.

Vào lúc này, có lẽ việc nên làm trước tiên, theo tôi, là Đảng cần ban hành những quy định chặt chẽ những gì cán bộ cao cấp của Đảng phải nêu gương để cho dân biết và giám sát. Trong đó nên có những điều khoản như tránh việc xây dựng lăng mộ trên diện tích đất quá rộng , không phù hợp với tình hình đất đai trong xã hội ngày một cạn kiệt. Đó là chưa nói đến việc chúng ta đang vận động người dân hưởng ứng việc hỏa táng để đảm bảo vệ sinh môi trường mà chính một số vị lãnh đạo lại chưa nêu gương thì sẽ vô tình gây khó cho những người làm công tác tư tưởng, công tác tổ chức chính sách của Đảng. Thực tế những gì diễn ra những năm qua vốn đã làm khó cho công tác tổ chức, chính sách nói chung thì nay sẽ lại càng thêm khó nếu không sớm đưa ra những quy định cụ thể!

Đất nước ta đã trải qua cả ngàn năm chế độ phong kiến. Những gì lạc hậu của cái quá khứ ngàn năm đó, chúng ta đã bỏ lại. Nhưng những tàn tích của chế độ ấy, không lẽ đến giờ vẫn có người mang danh làm cách mạng mà vẫn cố níu kéo? Người làm cách mạng cần phải làm gương trước và phải có trách nhiệm nhắc nhở người thân của mình chớ có làm khác với tinh thần chung đó nếu muốn lưu giữ hình ảnh tốt đẹp trong mắt người dân.

Rất mừng khi biết tại Hội nghị T.Ư. 8 khóa 12 , tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhất trí rất cao việc ban hành quy định mọi cán bộ đảng viên phải làm gương để người khác noi theo, nhưng làm gương trước hết phải là các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Phải chăng, đã đến lúc ai cũng thấy và thấm thía điều: một chế độ xã hội muốn phát triển bền vững, tất yếu phải dựa trên nền tảng lòng dân như thế!

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khu công nghiệp phát triển bền vững: Chặng đường còn xa
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Một khảo sát mới đây chỉ ra có tới 50% khu công nghiệp (KCN) chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp (DN) về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gương