Kỳ họp Quốc hội lần thứ 6 khóa 14 (khai mạc ngày 22/10 và bế mạc vào 21/11) sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Những Bộ trưởng 'dính chàm' và lá phiếu tín nhiệm

19/10/2018, 15:16

Kỳ họp Quốc hội lần thứ 6 khóa 14 (khai mạc ngày 22/10 và bế mạc vào 21/11) sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là một cải tiến trong sinh hoạt nghị trường. Ảnh minh hoạ

Hoạt động này, đã được Quốc hội triển khai tại hai kỳ họp trong năm 2013, và 2014 của khóa trước (13). Sau đó tạm dừng để sửa đổi một số quy định nhằm khắc phục những bất hợp lý nảy sinh trên thực tế. Đó là, thay vì mỗi năm thăm dò một lần, thì từ khóa 14, việc lấy phiếu tín nhiệm thực hiện vào kỳ họp giữa nhiệm kỳ, khoảng thời gian được xem là đủ để có căn cứ đánh giá năng lực và phẩm chất cán bộ lãnh đạo.

Hoạt động nghị trường này, được xem là một công cụ giám sát có tính chế tài cao hơn các hình thức giám sát khác. Quốc hội không chỉ định lượng thái độ của mình là các mức độ tín nhiệm đối với các chức danh, mà đây còn là căn cứ để đi đến quyết định miễn nhiệm bằng thủ tục “bỏ phiếu tín nhiệm”. Cho dù là như vậy, nhưng nhìn lại hai lần lấy phiếu trước đây, tất cả các bộ trưởng đều vượt qua “kỳ sát hạch” này, để tiếp tục lãnh giữ trách nhiệm đến hết nhiệm kỳ.

Trong đó, có thể nhắc lại những tên tuổi “dính chàm” trong Chính phủ nhiệm kỳ trước: Đinh La Thăng (Bộ Giao thông - Vận tải) Vũ Huy Hoàng (Bộ Công Thương), Nguyễn Minh Quang (Bộ Tài nguyên - Môi trường), Huỳnh Phong Tranh (Thanh tra Chính phủ), Nguyễn Bắc Son (Bộ Thông tin - Truyền thông)... Họ là những người mà sau đó phải chịu những án kỷ luật hoặc bị khởi tố hình sự vì các sai phạm trong thời kỳ đương nhiệm.
“Lấy phiếu tín nhiệm” hoặc “bỏ phiếu tín nhiệm” là một thủ tục chính trị, là công cụ giám sát của cơ quan dân cử (được áp dụng cho cả HĐND các tỉnh, thành phố). Thực tế cho thấy, công cụ pháp lý này không đủ mạnh để tìm ra các bằng chứng sai phạm của cán bộ. Nhưng, những sai phạm tại Thủ Thiêm hàng chục năm, trải qua mấy nhiệm kỳ và liên đới trách nhiệm không chỉ là lãnh đạo UBND TP.HCM, mà xem ra HĐND tại địa phương này cũng chưa phát huy đầy đủ tiếng nói của mình.

Hẳn nhiên, những soi xét, đánh giá bằng lá phiếu tại nghị trường của đại biểu, không chỉ dựa vào kết luận của cơ quan chức năng (thường đến chậm, và những người chịu trách nhiệm đã rời chức vụ) mà còn được lượng định từ nhiều nguồn tin khác nhau, bằng báo cáo, giải trình, chất vấn, bằng thông tin trên báo chí và dư luận xã hội. Cho nên hàng loạt bộ trưởng vẫn được tín nhiệm như đã nói trên, cũng như sự dung túng kéo dài những sai phạm tại Thủ Thiêm là sự thách thức niềm tin của cử tri.

Theo nghị quyết của Quốc hội, căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm gồm: kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

Trước khi bước vào kỳ họp này, chắc rằng, một trong những căn cứ mà các đại biểu nhìn vào, đó là Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp trước (kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa 14). Lời hứa của các bộ trưởng thực hiện tới đâu? Bởi, bức xúc của dư luận từ những trạm thu phí BOT vẫn còn đó. Bằng chứng là mới đây, do phản ứng trạm thu phí trên quốc lộ 5 mà 8 người bị công an triệu tập vì tội “gây rối”.

Từ cuộc họp kỳ trước, Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng phải rà soát toàn bộ hệ thống trạm thu phí BOT giao thông và sớm xử lý dứt điểm tồn tại, bất cập, vướng mắc trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư. Nhưng xem ra sự lắng dịu trên các nẻo đường BOT trong thời gian gần đây lại xuất phát từ các biện pháp xử lý “gây rối” hơn là các giải pháp ở tầm chính sách.

Trên lĩnh vực tài nguyên - môi trường, việc thu hồi đất trái luật vẫn như mãn tính bởi những lơi lỏng không chỉ trong công tác kiểm tra giám sát, mà còn những “lỗ hổng” luật pháp, rất cần những kiến nghị, đề xuất, nhằm sửa đổi các quy định pháp lý ngăn chặn quan tham nhũng lạm tài nguyên.

Và mới đây nhất là những phát hiện lãng phí xã hội hàng ngàn tỷ đồng trong việc phát hành sách giáo khoa hàng năm, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm trong chính sách giáo dục mà dư luận đang lên tiếng...

Không có biện pháp “đủ mạnh” để kịp thời phát hiện ra sai phạm của người đương chức, nhưng các đại biểu của cơ quan dân cử lại có thế mạnh quyết đoán bằng lá phiếu, nhắm tới mục đích là tất cả vì lợi ích chung.

Quy định lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là một cải tiến trong sinh hoạt nghị trường, tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan dân cử nâng cao hiệu quả giám sát của mình, trong đó có cả việc truất phế những lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có sai phạm. Tuy nhiên hoạt động giám sát sẽ chẳng đi đến đâu nếu từng đại biểu thiếu ý chí chính trị, kiến thức, kỹ năng để làm tròn nhiệm vụ mà người dân giao phó.

Theo Người Đô Thị

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những Bộ trưởng 'dính chàm' và lá phiếu tín nhiệm