Ly hôn chắc chắn là điều không một ai khi đã kết hôn muốn xảy ra với gia đình nhỏ của mình. Tuy nhiên, khi tình cảm hết, cực chẳng đã đành phải chia tay. Vậy bạn nên làm gì để ly hôn văn minh và không gây thêm tổn thương cho người đã từng đầu ấp má kề và con cái?
Xã hội thời hiện đại, khi cái tôi cá nhân được đề cao thì tỉ lệ ly hôn thêm gia tăng. Tranh chấp tài sản, giành quyền nuôi con… khiến ly hôn trở thành cuộc chiến làm tan nát tâm hồn và tuổi thơ những đứa con. Ly hôn văn minh là dù chia tay đôi ngả, người bố và người mẹ biết hành xử đúng mực, biết đặt quyền lợi của con cái làm trọng để con tránh được khủng hoảng tinh thần và biến đổi tính cách.
Theo TS. Vũ Thu Hương, dường như với đa số mọi người, khi đã ly hôn, họ tự cho mình quyền hành hạ vợ/chồng cũ, có quyền cư xử “cạn tàu ráo máng” với đối phương và cả với những đứa trẻ. Đây là suy nghĩ hết sức tiêu cực, lạc hậu. Thù hận chỉ làm bản thân thêm yếu đuối và gây ảnh hưởng trầm trọng với lũ trẻ.
Bởi vậy, theoTS. Vũ Thu Hương, một khi đã buộc phải ly hôn, có một số nguyên tắc vợ/chồng cũ nên cùng nhau thực hiện để hạn chế tối đa thiệt thòi cho con cái.
1. Ngồi xuống nói chuyện cụ thể với nhau. Bỏ qua mọi mâu thuẫn dẫn đến việc chia tay. Cả hai nên thỏa thuận cáchly hônvăn minh nhất và ít ảnh hưởng đến con cái nhất.
2. Bàn về việc nuôi dạy con cái. Cả hai cần thống nhất quan điểm: Bố mẹ ly hôn không phải bố hoặc mẹ sẽ chết, hay vĩnh viễn xa con mà chỉ là một sự… đổi chỗ ở. Con ở với mẹ hoặc bố và sẽ sang chơi với người kia, nhận sự giáo dục của người kia, nhận cả tình cảm và sự quan tâm của người kia hàng tuần, hàng tháng.
Chúng ta đều yêu con cả. Hãy thống nhất là như vậy.
Vì thế, hãy cùng nhau cam kết giữ hình ảnh đẹp của người kia trong mắt con. Điều đó sẽ đem lại hạnh phúc và bình an cho chính con chứ không phải cho bố và mẹ.
3. Đừng nghĩ đến việc trả thù người kia bằng cách giữ con hay làm điều gì đó bất lợi. Điều này là vô nghĩa vì chắc hẳn nó không có giá trị lâu dài. Đơn giản là khi chúng ta xử xong ở phiên tòa rồi, quay trở lại guồng quay cuộc sống bình thường, những rắc rối từ việc trả thù người cũ sẽ chính là rào cản, là khổ sở, là khó khăn mà chính chúng ta và con cái phải gánh chịu.
4. Sau cùng đừng nói xấu người cũ với ai. Điều này chẳng dễ dàng đâu. Nhưng các mẹ, các bố chú ý: Người kia dù gì cũng là bố/mẹ của con mình. Không nể mặt họ thì nên nể mặt con mình. Giữ sĩ diện cho con là việc rất nên làm.
Ly hôn không có gì là xấu khi người trong cuộc biết cách viết cái kết có tình và văn minh. Ly hôn không đồng nghĩa với kết thúc mà đôi khi lại khiến cho mối quan hệ của người trong cuộc trở nên “dễ thở”, cảm thấy yêu quý nhau hơn khi mỗi người đều có một khoảng trời riêng.
Văn hoá Á Đông vẫn nặng nề chuyện mấy đời chồng, đời vợ. Nhưng điều khủng khiếp với con người ta là cố chấp chung sống với một người biết là không thể hoà hợp. Đừng ràng buộc nhau bằng tờ giấy hôn thú mà tự trong lòng đã biết nó không còn “hạn sử dụng”.
Ai đó nói rằng: ''Dù vẫn biết, sau một biến cố lớn, mọi thứ sẽ thay đổi rất nhiều, di chứng là nỗi đau, là sự âu lo sợ hãi, nhưng sẽ đến lúc tất cả nở nụ cười. Đó là khi chính chúng ta trả tự do cho tâm hồn mình”.
Cuộc sống là chọn lọc, lọc người chúng ta đi cùng, lọc điều chúng ta muốn là mãi mãi... Có hàng trăm ngàn lý do, khi đã thực sự mệt mỏi, điều đơn giản nhất vẫn là nên dừng lại.
An Bình (t/h)