Không phải ai cũng là nhà khoa học. Nhưng kiến thức về khoa học luôn cần thiết và hữu ích cho đời sống. Đọc là cách học thú vị và nhanh chóng nhất để tiếp cận kiến thức khoa học. Vậy làm thế nào để những người “ngoại đạo” như chúng ta có thể đọc hiểu một báo cáo khoa học dễ dàng?
Một Thế Giới xin chọn dịch một bài viết của tiến sĩ Jennifer Raff - Chuyên gia nghiên cứu bộ gene người tiền sử và hiện đại của các dân tộc.
Đọc một báo cáo khoa học là một quá trình hoàn toàn khác với việc đọc một bài viết về khoa học trên các trang blog hay các báo thường thức. Không chỉ khác về độ sâu nội dung mà còn khác cả cách trình bày.
Nhưng dù với dạng hình thức nào thì việc đọc hiểu mảng kiến thức khoa học không dễ dàng gì, chúng ta cần ghi chép, đọc nhiều lần và có nhiều vấn đề, thuật ngữ có khi phải tìm tòi tư liệu để hiểu chi tiết. Và nếu như có một vài kỹ năng đọc, bạn sẽ có khả năng đọc nhanh hơn và không bị mất kiên nhẫn với nó.
Báo cáo khoa học được đề cập đến trong bài là một bài trình bày nghiên cứu hoàn chỉnh. Đó là một báo cáo chuẩn theo mẫu chung của giới khoa học toàn thế giới. Hầu hết, các báo cáo được chia làm các phần mục: Khái quát, giới thiệu, phương pháp, kết quả và kết luận/ giải thích/ thảo luận.
Trước khi bắt đầu đọc, cần lưu ý đến tác giả và các tổ chức hay nhóm, viện… mà họ là thành viên. Bởi lẽ với người không trong ngành thì thời gian dành cho việc đọc báo cáo khoa học không nhiều, nên tốt nhất là nên chọn đọc những báo cáo của các tổ chức uy tín.
Và nếu như có những khoa học gia hướng dẫn và chỉ bày nguồn nào là nguồn đáng tin cậy thì tốt hơn. Vì giới khoa học cũng có thật giả lẫn lộn.
Hướng dẫn các bước đọc báo cáo khoa học:
1. Bắt đầu bằng phần giới thiệu, không phải từ phần khái quát
Những dòng khái quát là đoạn đầu tiên mở đầu đề cho báo cáo. Thực tế, đó thường chỉ là một phần của bài báo mà người không chuyên thường đọc và đôi khi dùng nó để tranh luận, trong khi nó chỉ là sự dẫn nhập. Sự quan tâm thái quá cho phần này, có thể khiến chúng ta bị định hướng tư duy và thiên vị cho hướng nghiên cứu của tác giả.
2. Xác định câu hỏi lớn nhất của đề tài
Không phải là “báo cáo này là cái gì?” mà là “toàn bộ cái nghiên cứu này đang cố gắng để giải quyết vấn đề gì?” Điều này giúp chúng ta tập trung vào lý do tại sao nghiên cứu này được thực hiện.
3. Tóm tắt cơ bản trong 5 câu hoặc ít hơn.
Những nghiên cứu đã được thực hiện trước nghiên cứu được báo cáo trong lĩnh vực này có thể chính là câu trả lời cho câu hỏi lớn ở trên? Với thành tựu đúc kết nào cũng cần biết hạn chế của nó là gì? Và từ đó, theo các tác giả, cần phải làm gì tiếp theo? Chúng ta cần biết điều này để có thể giải thích ngắn gọn lý do tại sao nghiên cứu này đã được thực hiện.
4. Xác định những câu hỏi cụ thể
Khi có được những câu hỏi cụ thể và tìm ra đáp án trong báo cáo nghiên cứu khoa học. Đây là một cách nghiên cứu để kiểm tra một hay nhiều giả thuyết và xác định tính đúng sai của nó.
5. Suy ngẫm về phương pháp
Các tác giả sẽ làm như thế nào để giải quyết các vấn đề mà chúng ta đặt câu hỏi ở mục trên?
6. Cách đọc phần phương pháp thực hiện
Hãy vẽ một sơ đồ cho mỗi khâu thực hiện để thấy rõ ràng những gì các tác giả đã làm. Càng nhiều chi tiết thì bạn càng hiểu rõ cái báo cáo nghiên cứu khoa học đó.
7. Cách đọc phần kết luận
Hãy cẩn thận với phần này! Nhất là về các kết quả được tóm tắt trong các số liệu và bảng biểu. Cần tỉnh táo để nhận ra những từ khóa quan trọng và những câu vô nghĩa.
Những con số thống kê quá tròn thì cần phải nghi vấn. Và một số lĩnh vực nghiên cứu cần có đồ thị. Đồ thị là cách trình bày trực quan, sinh động nhất cho thống kê.
Sự tin cậy về số liệu cần quan tâm tới kích thước mẫu, với nghiên cứu tiến hành trên 10 người thì không thể nào tin cậy được so với kết luận từ nghiên cứu tiến hành trên 10.000 người. Đối với kết luận của báo cáo nghiên cứu khoa học, hay với bất cứ thông tin nào trong các lĩnh vực khoa học, điều cần nhất đó là sự tin cậy.
8. Xác định giá trị
Báo cáo khoa học này có ý nghĩa gì? Có thể thay đổi được điều gì trong tư duy mọi người và hướng nghiên cứu đó đem lại được giá trị gì cho thực tiễn? Mới bắt đầu tập phân tích vấn đề có thể sẽ thấy khó khăn, nhưng điều này là một thói quen rất tốt để bắt đầu hình thành hướng tư duy của người đọc trước khi đọc những người khác.
9. Đọc thảo luận
Những giá trị nghiên cứu mà các tác giả đưa ra, độc giả có đồng ý với họ không? Các điểm hạn chế của nghiên cứu này? Và những sai sót, những điều mà tác giả đã bỏ lỡ? Đọc bất cứ trình bày khoa học nào, cũng cần phải kiểm chứng. Bởi các nhà khoa học cũng có thể sai lầm! Và hướng đi tiếp theo của họ là gì? Độc giả có đồng quan điểm không?
10. Quay lại đọc phần khái quát
Đây mới là lúc nên đọc phần này. Bởi người đọc đã nắm được nội dung và không dễ gì bị định hướng tư duy. Liệu phần khái quát này có phù hợp với nội dung mà tác giả trình bày hay không?
11. Các nhà nghiên cứu khác nói gì về nó
Các chuyên gia (được công nhận hay tự xưng) trong lĩnh vực khoa học này là ai? Họ có những phân tích, có thể là chỉ trích hay ủng hộ mà người đọc không chuyên có thể không nghĩ đến.
Bởi vậy đừng bỏ qua bước kiểm chứng qua góc nhìn chuyên gia này. Vào thời đại internet này thì sự kiểm chứng với hỗ trợ của nhiều trang tra cứu như Google, Wiki,… rất tiện lợi nếu độc giả muốn. Nhưng hãy làm bước này cuối cùng vì chúng ta cần tư duy bởi chính mình trước khi nghe những gì người khác nói.
T.An chọn lọc