Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chủ tịch TP Hà Nội  đã ký công điện hỏa tốc số 01/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Lần đầu ghi nhận hơn 4.500 ca nhiễm COVID trong ngày, Hà Nội ra công điện hỏa tốc

A.T | 19/02/2022, 06:18

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chủ tịch TP Hà Nội  đã ký công điện hỏa tốc số 01/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Tính từ 18h ngày 17.2 đến 18h ngày 18.2, trên địa bàn thành phố ghi nhận 4.549 ca COVID-19, trong đó có 964 ca cộng đồng; 3.585 ca đã cách ly. 4.549 bệnh nhân phân bố tại 495 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (308); Hoàng Mai (282), Nam Từ Liêm (244), Sóc Sơn (242), Bắc Từ Liêm (236), Hoài Đức (225), Chương Mỹ (218).

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên thành phố ghi nhận số ca mắc cao kỷ lục kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện. Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chu Ngọc Anh, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, số ca mắc trên cả nước nói chung và Thành phố nói riêng có xu hướng liên tục tăng. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, vào tối 18.2, Chủ tịch TP Hà Nội  đã ký công điện hỏa tốc số 01/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Theo đó, ông Chu Ngọc Anh đề nghị các quận huyện trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung vào việc phổ biến kiến thức cho người dân quy định, hướng dẫn người mắc COVID-19 theo dõi sức khỏe tại nhà, các trường hợp nguy cơ cao, phát hiện và xử lý kịp thời diễn biến bất thường liên quan bệnh lý nền.

Chủ tịch TP Hà Nội đề nghị Sở Y tế tăng cường công tác kiểm dịch y tế quốc tế, hướng dẫn cách ly, giám sát chặt người nhập cảnh, đặc biệt người về từ các cùng đã ghi nhận biến chủng Omicron; tiếp  tục tổ chức chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục đặt nhiệm vụ trọng tâm vào công tác tiêm chủng vaccine, đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hoàn thành trong Quý I/2022.

Sở Y tế có trách nhiệm đảm bảo công tác quản lý, thu dung điều trị cho người nhiễm COVID-19 trên địa bàn Thành phố; rà soát và bổ sung giường điều trị COVID-19 tại các bệnh viện của Thành phố đáp ứng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; tập trung đảm bảo giường bệnh điều trị tầng 2, tầng 3 nhằm giảm tỷ lệ chuyển nặng và giảm tỷ lệ tử vong. Tăng cường các biện pháp giảm tỷ lệ tử vong...

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Sở Y tế Hà Nội lúc này là khẩn trương triển khai Kế hoạch quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội; phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác xét nghiệm sàng lọc, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong trường học, hoàn thiện phương án tăng cường nhân lực hỗ trợ cho y tế cấp xã, phường, thị trấn theo diễn biến dịch bệnh để tránh bị quá tải và chủ động trong mọi tình huống phát sinh...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế xây dựng phương án, hướng dẫn xét nghiệm sàng lọc trong trường học; chỉ đạo việc triển khai đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các nhà trường. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các trường học.

Ông Chu Ngọc Anh đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các địa phương hướng dẫn các di tích lịch sử - văn hóa thực hiện công tác quản lý, đón tiếp khách thăm quan; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các phương án phòng, chống dịch bệnh; bố trí lực lượng phân luồng, không để ùn ứ, ách tắc tại các lối ra, vào; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở dịch vụ giải trí được mở cửa hoạt động.

Công an TP Hà Nội được giao nhiệm vụ giám sát việc di biến động dân cư, tất cả các trường hợp ngoại tỉnh, nhập cảnh từ nước ngoài về làm việc và cư trú trên địa bàn để giám sát, theo dõi, xử lý kịp thời các tình huống; đồng thời, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác phòng chống dịch COVID-19; tăng cường triển khai lắp đặt thiết bị quét mã QR trên thẻ căn cước công dân gắn chip để kiểm soát người ra vào cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố.

Chủ tịch TP Hà Nội đề nghị các quận, huyện tăng cường cập nhật số liệu vào phần mềm “Quản lý người nhiễm COVID-19 (F0)” để quản lý, tư vấn theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà; cấp thuốc kịp thời cho người nhiễm COVID-19 tại nhà nhằm giảm thiểu bệnh nhân chuyển tầng, chuyển nặng, giảm thiểu tử vong; quản lý chặt chẽ đối tượng nguy cơ khi mắc COVID-19 để chuyển viện kịp thời tránh để bệnh nặng mới chuyển viện; tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê người thuộc nhóm nguy cơ cao; khẩn trương triển khai Kế hoạch quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19 trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND Thành phố.

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư, tính từ ngày 29.4.2021 đến nay, là 186.998 ca. 

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 16.2, toàn thành phố có 126.073 F0 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, có hơn 121.000 F0 điều trị tại nhà và 853 ca điều trị tại khu cách ly. Như vậy, hiện có gần 97% F0 ở Hà Nội mắc COVID-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng. Hơn 3% còn lại (hơn 4.000 ca) phải nhập viện điều trị; gồm hơn 3.700 F0 điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3) và 345 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Còn theo thống kê của Bộ Y tế được cập nhật vào ngày 17.2, trong số các bệnh nhân nhập viện tại Hà Nội, có hơn 2.500 ca mức độ trung bình (tăng gần 30% so với trung bình 7 ngày trước); gần 700 ca mức độ nặng/nguy kịch tăng gần 15%; 608 ca thở ô xy (tăng 18%); 44 ca phải thở máy xâm lấn (tăng 13%). Số còn lại là bệnh nhân thở HFNC, lọc máu, ECMO (sử dụng thiết bị tim, phổi nhân tạo)...

Hôm 17.2, Hà Nội đã ghi nhận 19 ca mắc COVID-19 tử vong, tăng 4 ca so với ngày trước đó. Như vậy, tính đến nay, thành phố đã có 872 ca tử vong, chiếm tỷ lệ 0,46% tổng số ca mắc. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lần đầu ghi nhận hơn 4.500 ca nhiễm COVID trong ngày, Hà Nội ra công điện hỏa tốc