Một ngọn núi lửa ở Nga sụp đổ vào năm 1959 đang phát triển trở lại kích thước ban đầu. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học chứng kiến ​​sự “tái sinh” của một ngọn núi lửa.

Lần đầu tiên các nhà khoa học quan sát được núi lửa 'tái sinh'

11/09/2020, 18:11

Một ngọn núi lửa ở Nga sụp đổ vào năm 1959 đang phát triển trở lại kích thước ban đầu. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học chứng kiến ​​sự “tái sinh” của một ngọn núi lửa.

Núi lửa Bezymianny nằm trên bán đảo Kamchatka ở Nga - Ảnh: GFZ

Núi lửa Bezymianny trên bán đảo Kamchatka ở vùng Viễn Đông được các nhà khoa học Liên Xô chụp ảnh vào thập niên 1950 sau khi sườn phía đông của nó sụp đổ. Dữ liệu vệ tinh gần đây đã cho phép các nhà nghiên cứu từ Nga, Đức và Ý phân tích lại khu vực để xem xét núi lửa thay đổi như thế nào trong 7 thập kỷ qua.

Phát hiện của các nhà khoa học, được công bố trên tạp chí Nature Communications Earth and Environment, cho thấy Bezymianny đã trải qua quá trình tái tăng trưởng thông qua các miệng phun nằm cách nhau hàng trăm mét.

Núi lửa thường sẽ sụp đổ theo thời gian và kéo theo những hậu quả thảm khốc. Sau khi sụp đổ, các ngọn núi có thể “tái sinh” và mọc lại tại chỗ. Theo nhóm nghiên cứu, hoạt động núi lửa liên tục sau thời điểm sụp đổ có thể dẫn tới sự nhô lên của một cấu trúc mới. Tuy nhiên, chi tiết về quá trình tái sinh của núi lửa chưa từng được ghi nhận trước đây. Dữ liệu quan trắc núi lửa Bezymianny trong 7 thập kỷ cho thấy sự tăng trưởng của nó sau vụ sụp đổ ở sườn phía đông năm 1956.

Hình ảnh mô phỏng quá trình mọc lại của núi lửa Bezymianny - Ảnh: GFZ

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng sự “tái sinh” của Bezymianny khởi nguồn từ hai vòm dung nham đến từ hai mạch phun riêng biệt. Hai thập kỷ sau, những mạch phun này bắt đầu xích lại gần nhau hơn và cách nhau khoảng 198 m. Sau 50 năm, nhóm nghiên cứu nhận thấy hoạt động núi lửa tập trung trong một mạch phun duy nhất, phát triển thành hình nón và có miệng hố ở đỉnh.

Các nhà nghiên cứu ước tính núi lửa sẽ phát triển trở lại kích thước ban đầu trong vòng 15 năm tới. Hiện tại, thể tích của ngọn núi lửa đang tăng thêm khoảng 26.400 m3 mỗi ngày, tương đương với khoảng 1.000 xe tải lớn đổ đất liên tục trong 24 giờ.

Theo các nhà khoa học, việc tìm hiểu quá trình núi lửa mọc lại rất quan trọng vì nó có thể giúp cảnh báo về những thay đổi đột ngột sẽ diễn ra. Đầu năm nay, một nhóm các nhà khoa học đã cảnh báo núi lửa Tungurahua ở Ecuador - một trong những ngọn núi lửa cổ xưa nhất Nam Mỹ - đang có dấu hiệu sụp đổ. Họ nói rằng một vụ sụp đổ có khả năng gây ra thiệt hại đáng kể cho khu vực.

Trong nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học cho biết quá trình “tái sinh” cho thấy núi lửa sẽ mọc trở lại tương tự cấu trúc đã tồn tại trước đây. Điều này có thể giúp dự đoán thời điểm mà sự sụp đổ tiếp theo sẽ diễn ra. “Kết quả nghiên cứu cho thấy sự phân rã và tái phát triển của núi lửa có tác động lớn đến đường đi của magma ngầm”, tiến sĩ Thomas Walter thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Địa chất GFZ của Đức nói.

Long Hải (theo Newsweek)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
1 giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lần đầu tiên các nhà khoa học quan sát được núi lửa 'tái sinh'