Tổ chức Đột quỵ thế giới (WSO) vừa trao chứng nhận tiêu chuẩn bạch kim trong điều trị đột quỵ cho Bệnh viện S.I.S Cần Thơ. Đây là bệnh viện đầu tiên ở ĐBSCL đạt chuẩn này.

Lần đầu tiên ĐBSCL có bệnh viện đột quỵ đạt chuẩn bạch kim

Hồ Quang | 30/10/2021, 05:00

Tổ chức Đột quỵ thế giới (WSO) vừa trao chứng nhận tiêu chuẩn bạch kim trong điều trị đột quỵ cho Bệnh viện S.I.S Cần Thơ. Đây là bệnh viện đầu tiên ở ĐBSCL đạt chuẩn này.

Theo GS.TS-BS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, các đơn vị, trung tâm muốn đạt được tiêu chuẩn bạch kim phải đạt được 7 tiêu chí khắt khe của Tổ chức Đột quỵ thế giới.

Bệnh viện S.I.S Cần Thơ là bệnh viện chuyên khoa đột quỵ đầu tiên tại Việt Nam. Đây là bệnh viện được đầu tư trang thiết bị rất hiện đại phục vụ cho công tác điều trị bệnh đột quỵ cùng với đó là đội ngũ bác sĩ có chuyên môn về kinh nghiệm trong điều trị đột quỵ. Nơi đây không chỉ là điểm sáng trong điều trị đột quỵ ở khu vực ĐBSCL mà còn của cả nước.

lan-dau-tien-dong-bang-songcuu-long-co-benh-vien-dot-quy-dat-chuan-bach-kim-hinh-anh(1).png
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng (phải) - Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam trao chứng nhận tiêu chuẩn bạch kim trong điều trị đột quỵ cho lãnh đạo Bệnh viện S.I.S Cần Thơ- Ảnh: PV

Những năm qua, khi có Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, người dân ĐBSCL bị đột quỵ được cứu sống nhiều hơn, giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế do được cứu chữa trong “thời gian vàng”, thay vì phải đưa lên TP.HCM điều trị như trước đây, nhiều bệnh nhân đã qua mất “thời gian vàng” gặp khó khăn trong việc cứu chữa.

“Tôi tin trong thời gian tới bệnh viện giữ vững danh hiệu cao quý này, tiếp tục phát triển hơn nữa, giúp đưa bệnh nhân bị đột quỵ quay trở lại cuộc sống bình thường; đồng thời giúp giảm thiểu tử vong và di chứng cho người bệnh đột quỵ”, bác sĩ Thông nói.

TS. BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện S.I.S Cần Thơ cho biết, bệnh nhân mắc đột quỵ đến bệnh viện tính đến hiện tại là hơn 6.990 bệnh nhân. Trong đó nhồi máu não chiếm 75% và 25% xuất huyết não.

Đáng lo hơn là số lượng bệnh nhân đến trong “thời gian vàng” cấp cứu đột quỵ đang chậm lại trong mùa dịch COVID-19. Cụ thể, năm 2020 có 23% bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện trong thời gian vàng (trước 6 giờ), trong khi đó đến tháng 9.2021, tỷ lệ thời gian vàng chỉ có 19% (do ảnh hưởng của dịch COVID 19).

“Đây là thay đổi đáng lo, thời gian vừa qua, chúng tôi liên tục cấp cứu những trường hợp đột quỵ quá nặng đến trễ giờ vàng làm cho gia tăng tỷ lệ tử vong và tàn phế cho bệnh nhân, việc cấp cứu, điều trị khó khăn hơn rất nhiều”, bác sĩ Cường chia sẻ.

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Điều trị đột quỵ mỗi phút trôi đi đều vô cùng quý giá.

Theo thống kê của Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, sau gần 3 năm đi vào hoạt động, bệnh viện đã khám, điều trị cho gần 170.000 lượt bệnh nhân, trong đó có hơn 71.000 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị vì đột quỵ. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện cấp cứu từ 20 đến 30 bệnh nhân. Trong đó, bệnh nhân đến ở “thời gian vàng” (nhập viện trước 6 giờ) đạt khoảng 20%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lần đầu tiên ĐBSCL có bệnh viện đột quỵ đạt chuẩn bạch kim